Khẩn trương ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn
Theo Ðài Khí tượng - Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, dòng chảy sông Vu Gia và các sông thuộc TP Ðà Nẵng đang suy giảm mạnh. Vùng hạ lưu các con sông, mặn xâm nhập sớm hơn, mạnh hơn. Hạn hán đe dọa hàng trăm ha diện tích lúa tại quận Ngũ Hành Sơn, huyện Hòa Vang...
Tại tỉnh Trà Vinh, Công ty TNHH Nông nghiệp một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết, nước mặn đã xâm nhập vào sông Cổ Chiên, sông Hậu và đã ảnh hưởng đến nội đồng. Ðặc biệt, trên sông Hậu có nơi đạt cao nhất là khu vực Trà Kha với độ mặn 9ọ (cao hơn cùng kỳ năm ngoái 0,5ọ), khu vực Cầu Quang 2,5ọ. Trên sông Cổ Chiên, đạt cao nhất là ở khu vực Hưng Mỹ với độ mặn 11ọ, khu vực TP Trà Vinh 5ọ. Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang cho biết, mặn cũng đã xâm nhập vào địa bàn tỉnh, ảnh hưởng đến nước sinh hoạt của người dân, nhất là ở huyện Long Mỹ và TP Vị Thanh.
Tại tỉnh An Giang, hiện một số tuyến kênh ở huyện Tịnh Biên và TriTôn đang cạn kiệt nước khiến cho nông dân gặp khó khăn trong sản xuất lúa và trồng hoa màu ở nhiều cánh đồng thuộc các xã: An Cư, Vĩnh Trung, Tân Lợi (Tịnh Biên); An Tức, Núi Tô, Lương Phi (Tri Tôn). Một số ngành chức năng ở các tỉnh: Cà Mau, Kiên Giang đang khẩn trương đối phó với tình trạng khô hạn trên các cánh rừng, nơi có dự báo cháy cấp nguy hiểm; huy động lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra.
Hiện nay, tình trạng biển xâm thực trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đang rất nghiêm trọng. Thôn Tiến Ðức, xã Tiến Thành (TP Phan Thiết) là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Từ đầu năm đến nay đã có hơn 25 căn nhà bị sóng biển cuốn trôi. Hiện có 50 nhà dân nằm cách biển từ một đến bốn mét và có nguy cơ bị sập do sóng biển dâng cao xâm thực. Ngày 21-4, tại cuộc họp triển khai công tác PCLB và tìm kiếm cứu nạn năm 2014, UBND thành phố Phan Thiết đề xuất tỉnh cho di dời toàn bộ 280 hộ dân ở thôn Tiến Ðức để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân khi mùa mưa bão đang đến gần.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()