Khẩn trương ứng phó bão số 8
Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia cho biết, ngày 17-11, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở nam Biển Đông đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 8, (tên quốc tế Toraji). Dự báo, đến 19 giờ ngày 18-11, vị trí tâm bão ở khoảng 11,1 độ vĩ bắc; 109,0 độ kinh đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa – Vũng Tàu. |
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10 và di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 đến 15 km và suy yếu dần thành ATNĐ. Đến 19 giờ ngày 19-11, vị trí tâm vùng ATNĐ trên đất liền các tỉnh Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất tâm ATNĐ mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Nhằm chủ động ứng phó bão số 8, ngày 17-11, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn có Công điện số 56/CĐ-TW điện các tỉnh, thành phố từ Bình Định đến Kiên Giang và các bộ, ngành liên quan thông báo, hướng dẫn và giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ tàu, thuyền đang hoạt động trên biển để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu, thuyền nhằm bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của nhân dân; chủ động phòng tránh, nhất là đối với mưa, lũ, ngập úng, dông lốc, sạt lở đất; có phương án sơ tán dân ở những vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng phương án cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu… Ngày 17-11, UBND thành phố Hồ Chí Minh có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương khẩn trương ứng phó bão số 8. Theo đó, các quận, huyện chuẩn bị phương án di dời dân đến nơi an toàn, nhất là huyện Cần Giờ. Đồng thời kiểm tra, bảo đảm an toàn các nhà xưởng, công trình đang thi công… Ngoài ra, các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Sóc Trăng, Đồng Tháp cũng có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương cập nhật diễn biến của bão để thông báo đến nhân dân; chủ động tiêu thoát nước đệm nhằm bảo đảm an toàn cho những diện tích cây trồng; cử lực lượng trực tại các khu vực xung yếu để kịp thời xử lý những tình huống xấu có thể xảy ra… * Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia cho biết, ở phía bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía nam. Dự báo, khoảng đêm nay (18-11), bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh phía đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sau ảnh hưởng đến một số nơi ở phía tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ. Từ ngày 19-11, ở các tỉnh phía đông Bắc Bộ trời chuyển lạnh vào đêm và sáng với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 20 đến 23oC, vùng núi có nơi chuyển rét với nhiệt độ 15 đến 17oC. * Ngày 17-11, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo, mực nước các trạm vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai bắt đầu lên theo triều. Đỉnh triều có khả năng xuất hiện vào ngày 24 và 25-11. Tại các trạm Phú An và Nhà Bè lên mức 1,53 đến 1,58 m, ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn báo động (BĐ) 3 là 0,08 m. Mức độ rủi ro thiên tai do triều cường khu vực TP Hồ Chí Minh ở cấp độ 3. * Theo dự báo, từ nay đến ngày 19-11, trên các sông ở khu vực Nam Trung Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông ở Bình Định, Phú Yên ở mức dưới BĐ1, các sông từ Khánh Hòa đến Bình Thuận ở mức BĐ1 đến BĐ2. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi, ngập úng tại các vùng trũng, thấp và các đô thị thuộc khu vực nêu trên. * Theo Tổng cục Thủy lợi, hiện nay ở Bắc Trung Bộ có 36 trong số 157 hồ lớn và 1.185 trong số 1.730 hồ nhỏ tích đầy nước; Nam Trung Bộ có 172 hồ lớn đạt 30 đến 50% dung tích thiết kế; 334 hồ chứa vừa và nhỏ đạt 35 đến 60% dung tích thiết kế; Tây Nguyên có 20 trong số 170 hồ lớn và 520 trong số 1.030 hồ chứa vừa và nhỏ tích đầy nước. * Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, từ đầu năm 2018 đến nay, lượng mưa các vùng chỉ đạt phổ biến từ 44% đến 66% so với lượng mưa cả năm trung bình nhiều năm. Trong đó, các hồ chứa nước lớn như: Kẻ Gỗ, Sông Rác, Vực Trống, Cửa Thờ – Trại Tiểu… lượng nước chỉ đạt từ 39% đến 67% so với thiết kế. Tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương có kế hoạch tích nước các hồ chứa phù hợp, bảo đảm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước dân sinh… * Ngày 17-11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì lễ công bố vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng (LMLM) type O và chuyển giao giống vi-rút LMLM type A để sản xuất vắc-xin. Sau nhiều năm nghiên cứu, lần đầu Việt Nam sản xuất thành công vắc-xin LMLM AVAC-V6 FMD Emulsion type O, bảo đảm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, Bộ cũng ký Quyết định số 4167 về việc công nhận giống vi-rút LMLM type A “RAHO6/FMD/A-379” của Chi cục Thú y vùng VI dùng để sản xuất vắc-xin. Với việc chủ động sản xuất vắc-xin LMLM, Việt Nam sẽ không còn bị động về chủng loại, số lượng như tình trạng xảy ra trong thời gian qua. * Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn gửi các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các đầu mối giao thông, tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và hàng không, nhất là tại các địa bàn trọng điểm để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về vận chuyển, kinh doanh lợn, sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc. * Các tỉnh: Thanh Hóa, Kon Tum, Quảng Ngãi có văn bản gửi các huyện, thành phố, thị xã, sở, ngành thực hiện các giải pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn. * Khoảng 17 giờ ngày 17-11, lực lượng cứu nạn thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) đã đưa toàn bộ bảy thuyền viên và tàu cá QB 92701 TS gặp nạn về Cảng Hòn La (Quảng Bình) an toàn. Trước đó, tàu cá này đang khai thác thủy sản trên biển thì hỏng máy chính từ chiều 11-11. |
Theo Nhandan
Ý kiến ()