Khẩn trương trợ giúp người dân nơi “vùng đỏ”
Nhằm khẩn trương ứng phó trước tình hình ca bệnh tăng, tỉnh Bình Dương đang thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, “khóa chặt, đông cứng” một số địa bàn “vùng đỏ”. Để người dân thật sự yên tâm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt, chính quyền các địa phương ở nơi đây đang tập trung lực lượng để kịp thời cấp phát lương thực, thực phẩm đến tận tay người dân.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, đối với vùng đỏ tập trung nhiều F0 tại 11 phường của TP Thuận An và thị xã Tân Uyên, Tỉnh ủy Bình Dương đã chỉ đạo chính quyền địa phương thực hiện giải pháp “khóa chặt, đông cứng” từ ngày 22/8 đến ngày 6/9 theo nguyên tắc quản lý chặt 24/24 giờ, không để người dân ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở yên đó”, cách ly tuyệt đối “người cách ly người, nhà cách ly nhà” nhằm kịp thời ngăn chặn nguy cơ lây lan.
Để người dân thật sự yên tâm phòng, chống dịch, tỉnh Bình Dương quyết định hỗ trợ bước đầu 50 nghìn đồng/người/ngày bằng lương thực, thực phẩm và gạo cho người dân đang thực hiện “khóa chặt, đông cứng”.
Theo UBND thành phố, đến ngày 29/8, thành phố đã cấp phát gần 1.719 tấn/3.097 tấn, đạt 55,5% kế hoạch phân bổ gạo cho 4 phường. Đã cấp phát tại phường Thuận Giao khoảng 90%, An Phú khoảng 80%, Bình Chuẩn khoảng 90% và Bình Hòa khoảng 65,37%. Chủ tịch UBND thành phố Thuận An Nguyễn Thanh Tâm cho biết, thành phố đã huy động hơn 1.000 người cùng với lực lượng tại chỗ ở các địa phương để khẩn trương đưa lương thực, thực phẩm đến tay người dân một cách nhanh nhất có thể. Tất cả các lực lượng tham gia hỗ trợ địa phương đều được sàng lọc, kiểm tra về sức khỏe, nhất là test Covid-19 khi làm nhiệm vụ.
Đồng chí Nguyễn Hữu Châu, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Chánh Thanh tra TP Thuận An, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 phường Thuận Giao cho biết: Trong những ngày qua, gần 500 cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên, tình nguyện viên đã tích cực tổ chức đưa lương thực, thực phẩm đến với người dân. Đến 14 giờ ngày 30/8, phường đã trao hơn 330/817 tấn gạo, 135.359 phần lương thực, thực phẩm hỗ trợ cho 102.146 người theo hình thức xoay vòng. Với việc trao hỗ trợ lương thực, thực phẩm kịp thời đã giúp người dân trên địa bàn yên tâm phòng, chống dịch.
Để đưa lương thực, thực phẩm hỗ trợ từ chính sách của tỉnh đến tận nơi ở của 332.048 người dân, công nhân lao động thuộc bảy phường “khóa chặt, đông cứng” trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên Nguyễn Hồng Nguyên cho biết, do số lượng gạo nhận được chưa đủ so với lượng gạo cần thiết nên chưa thực hiện cấp đủ cho dân theo định mức là 7,5kg/người mà chỉ thực hiện cấp phát đều cho các hộ dân để bảo đảm hộ nào cũng được nhận gạo, không để bị đói. Khi nhận được thêm gạo sẽ tiếp tục cấp phát theo nguyên tắc nêu trên đến khi tiếp nhận đủ số lượng gạo theo đúng định mức 7,5kg/người.
Tính đến 12 giờ trưa 30/8, thị xã đã cấp phát đến tay người dân hơn 1.046 tấn/hơn 1.781 tấn đã nhận; còn lại 735,5 tấn mới nhận tối 29/8 và sáng 30/8 đang vận chuyển về khu phố, chia nhỏ để tiếp tục phân phát cho người dân. Khó khăn hiện nay là nguồn hàng hóa cần cung ứng rất lớn nên đơn vị cung cấp phải lấy hàng từ nhiều địa bàn khác nhau khiến số lượng hàng về không đúng như kế hoạch; khi thì về nhiều xe một lúc không đủ lực lượng để kiểm hàng, xuống hàng, khi thì không có xe hàng, lực lượng bốc hàng phải đợi hàng.
Hơn nữa, hàng về không đều và không cùng lúc nên thị xã gặp khó khăn trong công tác phân phát cho dân. Khi các loại hàng đông lạnh và rau củ về trước thì phải tiến hành phân phát cho dân liền, nếu chờ đủ combo theo định mức thì thực phẩm sẽ bị hư hỏng. Ngoài ra, chủng loại hàng hóa nhiều và về nhiều đợt khác nhau không theo kế hoạch nên khó khăn cho việc tiếp nhận, phân chia hàng hóa, gây phát sinh, tốn kém thêm nhiều túi đựng hàng để phân chia hàng và phải mất nhiều thời gian, tốn nhân lực cho việc phân chia hàng và cấp phát cho người dân do phải phân chia, cấp phát nhiều lần…
Bí thư Đảng ủy phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên Đinh Quốc Phú cho biết, với tinh thần hỗ trợ người dân trên hết, địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ trao lương thực, thực phẩm cho người dân. Đến sáng 30/8, đã trao 100% số gạo và 80% gói lương thực, thực phẩm hỗ trợ đến tay người dân. Bà Nguyễn Thị Thảo Trinh, chủ cơ sở trọ tại khu phố Tân Hội, phường Tân Hiệp chia sẻ, trong những ngày qua, các lực lượng đã đến tận nhà trọ để trao lương thực, thực phẩm cho công nhân ở trọ, giúp công nhân lao động yên tâm “ai ở đâu ở yên đó” và bớt đi tâm lý lo lắng cũng như không đi lại, tiếp xúc.
Công nhân Lê Thị Tuyết Mai, ở trọ tại khu phố Tân Phú, phường Tân Hiệp cho rằng, sự hỗ trợ lương thực, thực phẩm kịp thời của chính quyền đến công nhân lao động đang ở trọ sẽ giúp họ yên tâm và thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội…
Do số lượng người được hỗ trợ nhiều nên lượng lương thực, thực phẩm nhà cung cấp chuyển về không đủ phân phát trong một lần, địa phương ưu tiên cho những trường hợp thật sự khó khăn. Trước hết, công nhân lao động đang ở trọ hết lương thực, thực phẩm sẽ được nhận trước; trường hợp còn lương thực, thực phẩm sẽ được nhận sau nhưng bảo đảm tất cả người dân vùng đỏ “khóa chặt, đông cứng” đều sẽ nhận được hỗ trợ lương thực, thực phẩm.
Ngoài 11 phường “khóa chặt, đông cứng”, Bình Dương cũng hỗ trợ 15 kg gạo/người cho người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và người đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng tại cộng đồng trên toàn tỉnh. Hỗ trợ 7,5 kg gạo/người cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương: Thuận An, Thủ Dầu Một, Dĩ An, Tân Uyên và Bến Cát. Hỗ trợ công nhân thuê nhà trọ 300.000 đồng/người; hỗ trợ 500 nghìn đồng/người cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang ở trọ.
Tính đến 16 giờ ngày 30/8, tỉnh Bình Dương đã chi cho 2.598.996 lượt trường hợp với số tiền gần 1.341 tỷ đồng; trong đó chi hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NĐ-CP cho 287.543 trường hợp với số tiền hơn 413 tỷ đồng; chi hỗ trợ theo Nghị quyết 04/2021/NQ-HĐND tỉnh cho 1.140.714 trường hợp với số tiền hơn 342,2 tỷ đồng; chi hỗ trợ theo Quyết định 12/2021/QĐ-UBND cho 1.170.739 trường hợp với số tiền hơn 585,3 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, cùng sự hỗ trợ từ các chính sách của Trung ương, Bình Dương xây dựng một số chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 trên địa bàn. Với các chính sách hỗ trợ thiết thực, tỉnh mong muốn người dân đồng lòng ủng hộ và thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo quy định nhằm ngăn ngừa và sớm kiểm soát được dịch bệnh.
Đến chiều 30/8, Bình Dương ghi nhận hơn 110 nghìn ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Trước tình hình này, tỉnh đã xây dựng kế hoạch và chuẩn bị kịch bản ứng phó 150 nghìn ca. Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương yêu cầu các cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện thật nghiêm Chỉ thị 16, quản lý giãn cách, phong tỏa nghiêm ngặt đến ngày 15/9, gắn với triển khai thực hiện phương án 150 nghìn F0.
Ý kiến ()