Khẩn trương triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi
Ngày 5/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, từ cuối năm 2013 và đầu năm 2014, một số nước trên thế giới và trong khu vực đã ghi nhận các trường hợp mắc sởi tăng so với các năm trước. Việt Nam đã ghi nhận trên 5.000 trường hợp nghi mắc sởi tại 59 tỉnh, thành phố.
Lứa tuổi mắc bệnh chủ yếu là trẻ nhỏ chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi hoặc chưa tiêm đủ số mũi theo quy định. Để chủ động phòng chống bệnh sởi, các địa phương đã triển khai tích cực nhiều biện pháp phòng chống dịch và thực hiện kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi do Bộ Y tế ban hành.
Tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu để phòng chống bệnh sởi. |
Tuy nhiên đến nay, số trường hợp mắc bệnh sởi tại nhiều địa phương có xu hướng giảm chậm. Đặc biệt, trong đợt dịch này đã ghi nhận nhiều trường hợp tử vong ở trẻ nhỏ mắc sởi do đồng nhiễm với các vi rút khác hoặc có bệnh lý khác nhưng mắc thêm sởi.
Trước tình hình đó, ngày 5/4/2014 Bộ Y tế đã có Công điện số 1696/CĐ-BYT gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường phòng chống bệnh sởi và triển khai “Kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi”.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt việc tiêm vắc xin sởi và các vắc xin khác trong Chương trình tiêm chủng mở rộng; đặc biệt là “Kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi”.
Bộ Y tế cũng giao trách nhiệm cho các cơ quan liên quan trong việc rà soát, đôn đốc, tránh bỏ sót đối tượng tiêm chủng, đảm bảo an toàn tiêm chủng theo đúng quy định.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường đưa các thông điệp phòng chống bệnh sởi và các dịch bệnh khác trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường tuyên truyền tới các bậc phụ huynh về tầm quan trọng của việc tiêm chủng các loại vắc xin phòng bệnh để đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ.
Các cơ sở y tế trên địa bàn chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị, đảm bảo đủ cơ số thuốc phục vụ công tác điều trị bệnh nhân; đặc biệt là bệnh viện sản, nhi và khoa nhi bệnh viện đa khoa; hạn chế việc chuyển viện các trường hợp nằm trong khả năng xử lý về chuyên môn để tránh lây lan dịch bệnh; thực hiện tốt việc cách ly tại các cơ sở y tế .
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố bố trí đầy đủ kinh phí, nhân lực, trang thiết bị, vật tư của địa phương để tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng chống dịch, đặc biệt là Kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi an toàn, hiệu quả.
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra, dễ lây lan và có thể gây thành các vụ dịch lớn; bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mặc, viêm não dễ dẫn đến tử vong. Nhằm tăng cường hơn nữa việc phòng chống dịch sởi, Bộ Y tế khuyến cáo các bậc cha mẹ thực hiện 4 nội dung gồm: 1. Chủ động đưa toàn bộ trẻ trong độ tuổi tiêm chủng từ 9 – 24 tháng tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin sởi đến các cơ sở tiêm chủng để được tiêm phòng vắc xin sởi theo kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi. 2. Đối với các trẻ trong độ tuổi tiêm chủng, cần đưa trẻ đến các cơ sở tiêm chủng để được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch đối với các loại bệnh có vắc xin dự phòng, trong đó có vắc xin sởi. 3. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế sớm để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi. 4. Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên áp dụng các biện pháp dự phòng chung như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ, đảm bảo các biện pháp về dinh dưỡng và các biện pháp dự phòng khác theo khuyến cáo của cơ quan y tế. |
Theo CPV
Ý kiến ()