Khẩn trương khắc phục tình trạng dịch bệnh trên tôm nuôi
Phương tiện giao thông di chuyển qua đoạn ngập nước tại nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương (Hà Nội) tối 22-5. * Nhiều vùng trong cả nước có mưa vừa, mưa to và dông* Lũ ống gây thiệt hại về người tại Cao Bằng* Hơn 60% số tôm sú thả nuôi ở Trà Vinh không qua kiểm dịchTheo Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn T.Ư, ngày 23-5, các tỉnh phía bắc chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục tây bắc - đông nam đi qua Bắc Trung Bộ, sau đó có xu hướng dịch chuyển chậm xuống phía nam cho nên khu vực này vẫn tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông; cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi phía bắc. Các tỉnh miền trung cũng có mưa rào và dông rải rác vào chiều tối và đêm. Nắng nóng tại Trung Trung Bộ chỉ còn xuất hiện ở một vài nơi với thời gian ngắn. Các tỉnh phía nam nằm ở rìa phía nam hệ thống thời tiết phân tích trên với hoạt động của trường gió tây nam có cường...
Phương tiện giao thông di chuyển qua đoạn ngập nước tại nút giao Điện Biên Phủ – Nguyễn Tri Phương (Hà Nội) tối 22-5. |
* Nhiều vùng trong cả nước có mưa vừa, mưa to và dông
* Lũ ống gây thiệt hại về người tại Cao Bằng
* Hơn 60% số tôm sú thả nuôi ở Trà Vinh không qua kiểm dịch
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn T.Ư, ngày 23-5, các tỉnh phía bắc chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục tây bắc – đông nam đi qua Bắc Trung Bộ, sau đó có xu hướng dịch chuyển chậm xuống phía nam cho nên khu vực này vẫn tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông; cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi phía bắc. Các tỉnh miền trung cũng có mưa rào và dông rải rác vào chiều tối và đêm. Nắng nóng tại Trung Trung Bộ chỉ còn xuất hiện ở một vài nơi với thời gian ngắn. Các tỉnh phía nam nằm ở rìa phía nam hệ thống thời tiết phân tích trên với hoạt động của trường gió tây nam có cường độ trung bình cho nên có mưa rào và dông vài nơi.
Trưa 23-5, do ảnh hưởng của mưa lớn, một cơn lũ ống bất ngờ hình thành, quét qua xóm Lũng Mười xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, cuốn theo ngôi nhà và hai bố con anh Đặng Quầy Sinh (SN 1979), cháu Đặng Kiềm Cán (SN 2003). Sau khi chạy lũ, người dân địa phương đã tìm thấy anh Sinh đã chết và bị mắc trên một cành cây cách nhà khoảng 500 m, cháu Cán hiện vẫn chưa tìm thấy. Theo người dân địa phương cho biết, đây là cơn lũ lớn chưa từng thấy. Được biết, căn nhà của anh Sinh cao hơn 2 m so với mặt suối nhưng đã bị lũ dâng lên và cuốn trôi đi. Lũ lớn đã tàn phá hơn hai ha hoa màu của dân, gây sạt lở, chia cắt tại một số điểm trên tuyến quốc lộ 34 chạy qua huyện Nguyên Bình.
Chính quyền địa phương đã hỗ trợ gia đình bị nạn 10 triệu đồng, chỉ đạo các lực lượng thanh niên, dân quân đến giúp gia đình anh Sinh khắc phục hậu quả, đồng thời huy động các lực lượng tìm kiếm cháu Cán.
Trận mưa từ chiều tối đến khoảng 21 giờ ngày 22-5 đã làm một số tuyến đường của TP Hà Nội ngập nặng. Các tuyến phố: Bạch Mai, Tạ Quang Bửu, đường hầm Kim Liên (quận Hai Bà Trưng) ngập sâu, có nơi từ 30 đến 40 cm; các tuyến đường ở Thụy Khuê, Lê Duẩn, Hai Bà Trưng cũng ngập sâu. Nhất là, đoạn đường từ Nhổn về khu vực Mỹ Đình có nơi ngập đến một mét.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, trên địa bàn tỉnh còn khoảng 8.462 hộ dân nằm trong vùng sạt lở đất bờ sông, ngập úng, sạt lở đất, đá, lũ quét, lũ ống, trong đó nhiều nhất là các huyện Lạc Thủy, Mai Châu, Yên Thủy và Đà Bắc. Tỉnh đang chỉ đạo các huyện cần có phương án di dời dân trong vùng đặc biệt nguy hiểm đến nơi an toàn khi có mưa bão xảy ra. Năm 2012, tỉnh cũng có kế hoạch di chuyển 130 hộ ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm với tổng kinh phí hỗ trợ ba tỷ đồng.
Thời tiết nắng nóng kéo dài, hàng nghìn ha chuẩn bị xuống giống lúa hè thu ở các huyện phía bắc của tỉnh Quảng Nam: Duy Xuyên, Điện Bàn… đang thiếu nước trầm trọng. Để có nước làm đất và tiến hành sạ lúa, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam đang nỗ lực lấy nước từ các sông, khơi thông dòng chảy, bổ sung nguồn nước và đẩy mặn phục vụ tưới cho các xã của hai huyện nêu trên. UBND tỉnh đã cấp tạm ứng kinh phí cho Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam 12 tỷ đồng để triển khai các phương án chống hạn, ngăn chặn nước mặn xâm nhập.
Trước tình trạng tôm nuôi bị thiệt hại diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khuyến cáo người nuôi không nên nóng vội thả giống. Hiện nay, vẫn còn thời vụ thả nuôi, vì vậy nên chờ mưa giao mùa xuống để môi trường ổn định trở lại. Người nuôi tôm cần cải tạo ao bằng cách bón vôi, nâng pH (độ chua, độ kiềm), đồng thời bừa kỹ, ngâm từ hai đến ba ngày để phân hủy chất độc Cypermethrin, Deltamethrin trong bùn đáy. Những nơi nuôi tập trung không đủ nguồn nước sạch nên chuyển một phần diện tích sang nuôi bán thâm canh hoặc quảng canh cải tiến. Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố cần tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản, các cơ sở nuôi trồng thủy sản để phát hiện và ngăn chặn việc sử dụng các chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản tại địa phương.
Theo Phòng thủy sản (Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh), dịch đốm trắng đã bùng phát và làm hơn năm ha với hơn 1,7 triệu con giống của các hộ nuôi tôm ở các huyện Lộc Hà, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh bị bệnh. Phần lớn diện tích bị bệnh đều nuôi tôm he. Dịch đốm trắng ở tôm bắt đầu bùng phát từ đầu tháng 5 và nhanh chóng lây lan trên diện rộng. Chi cục thú y tỉnh đã cấp hóa chất Chlorine cho các huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh xử lý các ao nuôi bị bệnh và triển khai các biện pháp khoanh vùng khống chế dịch bệnh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, từ đầu vụ đến nay, toàn tỉnh đã thả tôm nuôi được 84.156 ha (đạt 97,2% kế hoạch), gồm: 68 nghìn ha tôm – lúa, 941 ha tôm công nghiệp và hơn 15.200 ha tôm nuôi quảng canh cải tiến. Tuy nhiên, có hơn 7.300 ha bị thiệt hại từ 20 đến 80% do tôm nhiễm bệnh và chết, trong đó huyện An Minh bị nặng nhất với 5.000 ha. Hiện nay, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại này cơ bản đã khắc phục xong.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, đến thời điểm này nông dân các huyện ven biển vùng nuôi tôm sú đã thả nuôi 1,8 tỷ con tôm giống trên diện tích 23.133 ha. Trong đó gần 900 triệu con tôm giống của 8.115 hộ thả nuôi bị chết, trên diện tích hơn 7.862 ha. Ước tổng thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng. Theo thống kê, chỉ có 37,7% số tôm sú giống thả nuôi ở Trà Vinh được kiểm dịch, là một trong những nguyên nhân gây ra dịch bệnh tôm nuôi chết trên diện rộng.
UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các địa phương căn cứ vào điều kiện đất đai, nguồn vốn và tình hình giết mổ gia súc, gia cầm để khẩn trương lựa chọn địa điểm, đề xuất đầu tư tại mỗi huyện từ một đến hai cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm tập trung bán công nghiệp, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. UBND thành phố Hà Nội cũng giao Sở Công thương hoàn thiện Quy hoạch hệ thống giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm đến năm 2020 trước ngày 30-5, trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt trước ngày 15-6.
Theo Nhandan
Ý kiến ()