Khẩn trương khắc phục sạt lở ven sông Trà Bồng
Sông Trà Bồng (Quảng Ngãi) con sông lớn, dài vào loại nhất nhì của tỉnh Quảng Ngãi, là nguồn sống của biết bao ngư dân, và cũng là vựa cát lớn phục vụ nhu cầu xây dựng. Nhưng Trà Bồng cũng là con sông mang nỗi ám ảnh, khiếp sợ của không ít hộ dân, làng mạc ven sông, nhất là trong mùa mưa bão.Bà Phan Thị Mai, 64 tuổi, ở xóm Vạn - thôn Mỹ Long, xã Bình Minh chỉ tay ra sông Trà Bồng, kể: Trước đây dòng sông nằm cách nhà tôi cả mấy trăm mét, thế mà giờ đã tiến sát vào vườn nhà. Cứ sau mỗi trận mưa, con sông lấn vào bờ thêm một ít. Tôi sống mấy chục năm ở đây nhưng chưa khi nào thấy sông sạt lở như thế này, nhất là sau cơn bão số 9 năm 2009, con sông trở nên hung dữ hơn bao giờ hết. Mảnh vườn nhà tôi canh tác hoa màu đã bị sông nuốt chửng gần 30 m, mấy bụi tre trồng chống sạt lở cũng bị cuốn trôi. Hiện tại ngôi nhà chỉ cách sông chưa đến 3 m. Nếu như địa phương...
Bà Phan Thị Mai, 64 tuổi, ở xóm Vạn – thôn Mỹ Long, xã Bình Minh chỉ tay ra sông Trà Bồng, kể: Trước đây dòng sông nằm cách nhà tôi cả mấy trăm mét, thế mà giờ đã tiến sát vào vườn nhà. Cứ sau mỗi trận mưa, con sông lấn vào bờ thêm một ít. Tôi sống mấy chục năm ở đây nhưng chưa khi nào thấy sông sạt lở như thế này, nhất là sau cơn bão số 9 năm 2009, con sông trở nên hung dữ hơn bao giờ hết. Mảnh vườn nhà tôi canh tác hoa màu đã bị sông nuốt chửng gần 30 m, mấy bụi tre trồng chống sạt lở cũng bị cuốn trôi. Hiện tại ngôi nhà chỉ cách sông chưa đến 3 m. Nếu như địa phương tìm được chỗ để chúng tôi di dời là tôi đi liền, chứ ở lại đây làm sao chống chọi lại với lũ. Còn ông Đào Huấn thì than vãn: Nhà tôi nằm sát bờ sông có nguy cơ sạt lở nặng ở xóm Vạn. Cứ mỗi lần trời mưa kéo dài cả ngày đêm là không những gia đình tôi mà cả xóm lại ăn không ngon, ngủ không yên, bởi lo nước sông dâng cao sẽ xói lở, ăn sâu vào ruộng vườn, nhà cửa. Vào mùa mưa, nhà nào cũng chuẩn bị quần áo, lương thực sẵn trong tư thế chuẩn bị di tản. Ở đoạn sông này trước đây có chỗ lặn không xuống đáy nhưng giờ bồi lấp thành cồn cát, nước không chảy được giữa dòng cho nên ăn sâu vào hai bên bờ.
Trong số 550 hộ dân nằm trong vùng sạt lở sống dọc sông Trà Bồng thuộc địa phận xã Bình Minh thì có 22 hộ ở xóm Vạn, đội 11, thôn Mỹ Long nằm trong vùng báo động đỏ. Đối mặt với nguy cơ mất nhà, mất chỗ ở và đất sản xuất, nguyện vọng của các hộ gia đình ở xóm Vạn là được di dời sớm đến nơi ở mới.
Theo báo cáo của UBND xã Bình Minh: Địa phương đã có văn bản đề nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí di dời và xây dựng khu dân cư Chợ Gò ở thôn Mỹ Long làm nơi tái định cư cho các hộ dân nhưng chưa được đáp ứng hết. Một số hộ dân nằm ở gần sông Trà Bồng hiện nay vẫn thường xuyên bị đe dọa sạt lở bất cứ lúc nào khi có lũ lớn. Trong năm 2008-2009, xã di dời được 75 hộ trong tổng số hàng trăm gia đình ở thôn Tân Phước nằm trong vùng sạt lở đến tái định cư tại khu dân cư Gò Dúi và Gò Chựt và giải pháp cấp thiết là hằng năm xã đều phát động ra quân trồng cây bòng tây và tre để giữ đất, giữ làng nhưng vẫn không ăn thua vì cây chưa kịp sống đã bị cuốn trôi. Ngay cả những bụi tre vài chục năm tuổi cũng bị sạt lở. Chiều dài của dòng sông ngang qua địa bàn xã dài hơn 13 km, trước đây hai bên trồng đầy tre, đếm không xuể, nay chỉ còn lác đác vài bụi. Chủ tịch UBND xã Bình Minh Phạm Quang Sơn cho biết: Nguyên nhân làm cho bờ sông Trà Bồng ngày càng bị xói lở trầm trọng là do tình trạng khai thác rừng bừa bãi phía thượng nguồn, rồi cày ủi khiến sông bị thay đổi dòng chảy và mưa lũ cuốn trôi đất theo dòng chảy xuống xuôi, khiến lòng sông ngày càng cạn. Mỗi khi nước xuống mạnh sẽ tỏa ra hai bờ gây xói lở, thiệt hại cho nhà dân và ảnh hưởng đến hoa màu. Bình quân mỗi năm, sông ăn sâu vào bờ từ 3 đến 4 m và sa bồi thủy phá từ 8 đến 9 ha đất nông nghiệp…
Trường phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Sơn Nguyễn Quang Trung cho biết: Không chỉ riêng 22 hộ dân ở xã Bình Minh mà còn hơn 100 hộ gia đình khác ở các xã Bình Thạnh, Bình Chương, Bình Mỹ, Bình Dương, Bình Thới, Bình Trung nằm trong vùng có nguy cơ mất đất, mất nhà. Được sự đầu tư của tỉnh, trong năm 2010 huyện đã di chuyển 48 hộ dân nằm trong vùng sạt lở đến nơi tái định cư mới. Tuy nhiên, do dòng sông Trà Bồng dài hơn 30 km, vì vậy hiện nay số hộ dân nằm ở ven sông Trà Bồng rất nhiều, nguy cơ sạt lở càng cao. Ngoài việc sạt lở, mỗi năm dọc hai bên sông Trà Bồng còn bị sa bồi thủy phá hàng chục ha đất nông nghiệp, không sản xuất được. Chỉ tính trong cơn bão số 9, toàn huyện có 80 ha đất sản xuất bị sa bồi thủy phá, nhiều nhất là các xã Bình Trung, Bình Minh, Bình Mỹ và Bình Chương. Ông Trung cũng cho biết huyện đã thực hiện các biện pháp phòng, chống sạt lở và khắc phục tình trạng sa bồi thủy phá bằng cách hỗ trợ kinh phí để nhân dân cải tạo, khôi phục ruộng đất và ra quân trồng cây để giữ đất, giữ nhà cho dân, nhưng không mấy hiệu quả. Giải pháp hiện nay của huyện Bình Sơn trước tình trạng xói lở ven sông Trà Bồng là kiến nghị với các cấp, ngành ở tỉnh Quảng Ngãi và T.Ư hỗ trợ kinh phí để xây dựng 20 km bờ kè chống sạt lở đoạn qua các xã Bình Mỹ, Bình Minh, Bình Chương.
Theo Nhandan
Ý kiến ()