Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ,ổn định đời sống và sản xuất cho người dân
Thanh niên tình nguyện thu hoạch lúa giúp người dân sau mưa lũ tại xã Hưng Thông và Hưng Tân (Hưng Nguyên, Nghệ An). * Xuất hiện vùng thấp trên biển * Rà soát, nâng cấp nhiều tuyến đê và xử lý vi phạm Luật Đê điều * Ủng hộ đồng bào bị thiên tai Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, trên biển hiện xuất hiện một vùng áp thấp. Sáng nay 10-9, vị trí áp thấp ở vào khoảng 12-14 độ kinh bắc; 112-114 độ kinh đông.Dự báo trong 24 giờ tới vùng áp thấp này hầu như ít di chuyển hoặc di chuyển chậm theo hướng tây. Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp kết hợp với hoạt động của gió mùa tây nam nên ở các vùng biển giữa và nam Biển Đông có mưa rào và dông rải rác. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.Hiện nay lũ trên hệ thống sông Cả đang xuống. Dự báo, lũ trên hệ thống sông Cả tiếp tục xuống. Hôm nay (11-9), mực nước trên sông Cả tại Nam Đàn xuống mức 6,5 m, dưới báo động...
Thanh niên tình nguyện thu hoạch lúa giúp người dân sau mưa lũ tại xã Hưng Thông và Hưng Tân (Hưng Nguyên, Nghệ An). |
* Xuất hiện vùng thấp trên biển
* Rà soát, nâng cấp nhiều tuyến đê và xử lý vi phạm Luật Đê điều
* Ủng hộ đồng bào bị thiên tai
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, trên biển hiện xuất hiện một vùng áp thấp. Sáng nay 10-9, vị trí áp thấp ở vào khoảng 12-14 độ kinh bắc; 112-114 độ kinh đông.
Dự báo trong 24 giờ tới vùng áp thấp này hầu như ít di chuyển hoặc di chuyển chậm theo hướng tây. Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp kết hợp với hoạt động của gió mùa tây nam nên ở các vùng biển giữa và nam Biển Đông có mưa rào và dông rải rác. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.
Hiện nay lũ trên hệ thống sông Cả đang xuống. Dự báo, lũ trên hệ thống sông Cả tiếp tục xuống. Hôm nay (11-9), mực nước trên sông Cả tại Nam Đàn xuống mức 6,5 m, dưới báo động 2 là 0,4 m. Tình trạng ngập lụt ở vùng trũng, đồng bằng ở Nghệ An giảm dần nhưng vẫn còn duy trì trong một hai ngày tới. Đây là tin lũ cuối cùng của đợt lũ này.
Trong hai ngày 9, 10-9, trên cả nước đã xảy ra mưa vừa đến mưa to, một số trạm có lượng mưa lớn như Nậm Giang (Lai Châu) 41 mm, Vĩnh Tuy (Hà Giang) 40 mm, Bắt Mọt (Thanh Hóa) 51 mm,
Long Khánh (Đồng Nai) 53 mm, Sóc Trăng (Sóc Trăng) 97 mm, Càng Long (Trà Vinh) 49 mm. Tổng lượng mưa trong ba ngày ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến 100 – 130 mm, Hiện nay, các hồ chứa vừa và lớn mực nước vẫn thấp hơn mực nước dâng bình thường bình quân 1-14m, tương ứng 15-65% dung tích thiết kế. Hiện hồ Cửa Đạt đang mở ba cửa xả, lưu lượng xả 310 m3/giây.
Theo Ban chỉ đạo PCLB T.Ư, mưa lũ trên địa bàn các tỉnh từ Ninh Bình đến Hà Tĩnh trong mấy ngày qua đã làm 54 người chết và bị thương. Mưa lũ cuốn trôi 52 nhà, làm hơn 3.500 nhà bị ngập và sập đổ hoàn toàn, chủ yếu là ở hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An; hơn 22.000 ha hoa màu và cây ăn quả bị ngập; một số tuyến đường giao thông bị sạt lở, ngập sâu khiến việc đi lại rất khó khăn… Các địa phương đã huy động hơn 14.000 người tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ.
Trước những thiệt hại do thiên tai, mưa lũ gây ra tại khu vực miền trung, T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã cứu trợ khẩn cấp hàng hóa, đồ dùng thiết yếu tổng trị giá 420 triệu đồng cho các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Số hàng cứu trợ gồm 500 thùng hàng gia đình, 120.000 viên khử khuẩn Aquatap và 110 triệu đồng tiền mặt để cấp phát cho nhân dân các vùng mưa lũ.
Tính đến sáng 10-9, số tiền ủng hộ gia đình các nạn nhân chết và bị thương trong vụ sạt lở đất ở xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) là hơn 585 triệu đồng.
Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội đã quyết định chuyển tới tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, mỗi tỉnh ba tỷ đồng; tỉnh Hà Tĩnh hai tỷ đồng. Số tiền này được trích từ Quỹ Hỗ trợ thiên tai của thành phố Hà Nội hỗ trợ cho đồng bào bị thiệt hại nặng để khắc phục hậu quả mưa lũ. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội cũng hỗ trợ mỗi gia đình 5 triệu đồng/người bị chết trong vụ sạt lở nghiêm trọng tại xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái).
UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo tổ chức thực hiện việc rà soát, đánh giá và có biện pháp bảo vệ, củng cố, nâng cấp các tuyến đê Vân Cốc, khu Lương Phú – Quảng Oai và các tuyến đê khu vực Chương Mỹ, Mỹ Đức nhằm bảo đảm chống lũ thiết kế. Tính từ năm 2008 đến hết quý I-2012, trên địa bàn thành phố để xảy ra tổng số 1.616 vụ vi phạm, đã xử lý được 741 vụ (đạt 45,85%), còn tồn đọng 875 vụ, chủ yếu vẫn là lấn chiếm hành lang bảo vệ đê, kinh doanh vật liệu xây dựng; xẻ đê làm dốc; xây dựng lò gạch trên bãi sông, đổ đất, phế thải lấn chiếm bãi sông, lòng sông.
Hiện nay, nhiều hồ đập, tuyến đê bao, đê bối của tỉnh Thanh Hóa bị vỡ, tràn bờ làm mực nước ở các khu vực hạ lưu tỉnh lên nhanh, khiến nhiều xã vẫn bị ngập lụt, chia cắt. Đến sáng 10-9, khu vực đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt lũ lụt vừa qua là ba xã Quảng Phú, Xuân Châu, Thọ Lập của huyện Thọ Xuân. Ban chỉ huy PCLB tỉnh và huyện Thọ Xuân đã huy động lực lượng giúp đỡ hơn 9.000 người dân vận chuyển đồ đạc, vật nuôi di dời đến nơi an toàn. Huyện Thọ Xuân vẫn còn 1.271 hộ bị ngập với hơn 6.000 nhân khẩu, bị cô lập trong nước lũ, điều kiện sinh hoạt hết sức khó khăn.
UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục chỉ đạo các huyện, ban, ngành liên quan chuẩn bị phương tiện, lực lượng xử lý sự cố và ứng cứu khi cần thiết; tập trung thu hoạch lúa hè thu và các sản phẩm nông nghiệp khác; tập trung khơi thông các trục tiêu, vận hành các cống, trạm bơm tiêu úng, di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, hỗ trợ, cứu đói nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại, nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân vùng bị lũ lụt. Ngành y tế hỗ trợ thuốc cho các huyện bị ngập lụt nặng.
Rạng sáng 10-9, huyện Định Quán (Đồng Nai) có mưa to kèm theo lốc xoáy, làm 30 nhà, trường học bị tốc mái. Một số trường học phải cho học sinh nghỉ học để sửa chữa, thu dọn. Trên địa bàn đã xuất hiện bốn điểm sạt lở đất, nguy cơ ảnh hưởng đến 60 hộ dân. Chính quyền địa phương đã thông báo cho người dân ở khu vực sẵn sàng di dời đến khu vực an toàn.
Theo UBND huyện Na Rì (Bắc Cạn), những ngày gần đây đàn gia cầm ở thôn Khuổi Mý, xã Hữu Thác bị xù lông, tiêu chảy, sau đó nhiều con chết rất nhanh, nghi bị nhiễm cúm H5N1, chính quyền địa phương đã tiêu hủy toàn bộ 400 con gia cầm, lấy mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm, khoanh vùng ổ dịch, phun hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi khu vực lân cận.
Chiều 10-9, Tổng công ty Điện lực Miền Bắc (EVN NPC) cho biết, đợt mưa lũ tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh khiến một số khu vực phải ngừng cấp điện, gây thiệt hại lớn về vật tư và tài sản, hàng triệu kW giờ điện bị mất do sự cố.
Tại Thanh Hóa, mưa to, lũ lớn đã gây sự cố sạt lở tại 261 vị trí cột trung và hạ thế, 1.336 cột hạ thế và 16 loại cột trung thế bị gãy, đổ, nghiêng; một máy biến áp phân phối, cháy hỏng, hơn 10 nghìn mét dây dẫn bị đứt và lũ cuốn, hư hỏng khoảng 600 quả sứ, hàng chục hộp công-tơ, hàng trăm bộ xà hạ thế… Tổng thiệt hại ước tính hơn 7,5 tỷ đồng, sản lượng điện mất đi do sự cố khoảng 500 nghìn kW giờ.
Tại Hà Tĩnh, tổng giá trị thiệt hại với ngành điện lên đến gần 10 tỷ đồng. Cụ thể, với đường dây và thiết bị trung thế thiệt hại: sự cố sạt lở tại 20 vị trí; 48 cột bị gãy, đổ; 8 máy biến áp thuộc các trạm biến áp phân phối bị cháy hỏng. Thiệt hại về đường dây và thiết bị hạ thế: 60 vị trí cột; gãy đổ 4.371 cột các loại, hỏng 1.498 quả sứ, 619 công-tơ, bốn bộ dây néo,…
Ngành điện lực Nghệ An cũng bị ảnh hưởng nặng của mưa lũ, gây sạt lở tại 12 vị trí cột; gãy, đổ 233 cột điện các loại; cháy hỏng bốn máy biến áp phân phối, 234 quả sứ, 200 kg dây dẫn, hàng chục hộp công-tơ và công-tơ…
Các công ty điện lực đang nhanh chóng khắc phục sự cố, bảo đảm khả năng cấp điện trở lại nhanh nhất cho các phụ tải trên địa bàn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()