Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 1
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc vừa có Công điện yêu cầu khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 1, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu, UBND tỉnh Sơn La tiếp tục triển khai tìm kiếm người còn mất tích; hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng người thiệt mạng; tổ chức cứu trợ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị mất nhà cửa, bảo đảm không để người dân bị đói, khát.
Đồng thời cử người canh gác, hướng dẫn việc đi lại an toàn qua các bến đò ngang, các ngầm giao thông bị ngập sâu, khu vực nước chảy xiết; tiếp tục chủ động di dời dân ra khỏi các vùng nguy hiểm do lũ quét, sạt lở đất; huy động các lực lượng thanh niên, quân đội, công an trên địa bàn giúp nhân dân vệ sinh và dựng lại nhà cửa khi lũ rút.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo kiểm tra, rà soát, khẩn trương khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra đối với các công trình giao thông, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính sau khi lũ rút. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng-Thủy văn quốc gia tiếp tục theo dõi diễn biến của thiên tai, dự báo và cung cấp thông tin kịp thời cho Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai (PCTT), các cơ quan thông tin đại chúng và các bộ, ngành liên quan để chỉ đạo và đưa tin kịp thời cho các địa phương và nhân dân biết để chủ động phòng, tránh.
Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT tiếp tục theo dõi sát diễn biến của mưa lũ để kịp thời chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó có hiệu quả; rà soát, tổng hợp đề nghị của các địa phương, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ địa phương khắc phục khẩn cấp hậu quả mưa lũ. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) chỉ đạo các lực lượng liên quan tại khu vực sẵn sàng hỗ trợ địa phương thực hiện có hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
* Theo Trung tâm dự báo Khí tượngThủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của bão số 1, ở đảo Cô Tô và Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã có gió giật mạnh cấp 10; Phủ Liễn (Hải Phòng) có gió giật mạnh cấp 9; Hải Dương có gió giật mạnh cấp 8;… Ở Bắc Bộ và khu vực Bắc Trung Bộ đã có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 70 đến 150 mm, một số nơi có mưa lớn hơn như: TP Sơn La (Sơn La) 195 mm; Hải Dương 236 mm; TP Thái Bình (Thái Bình) 202 mm; Tây Hiếu (Nghệ An) 180mm… Sáng 25-6, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực trung du Bắc Bộ.
Dự báo, vùng áp thấp di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, tiếp tục đi sâu và tan dần trên khu vực vùng núi phía bắc. Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, vùng biển bắc vịnh Bắc Bộ có gió giật mạnh cấp 6, cấp 7. Biển động. Ở các tỉnh Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, đến rất to. Nguy cơ cao xuất hiện lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi Bắc Bộ (bao gồm cả nam Tây Bắc). Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1. Diễn biến mưa sau bão còn phức tạp, cần chú ý theo dõi các bản tin lũ và bản tin dự báo thời tiết tiếp theo. Đây là tin cuối cùng về cơn bão số 1.
* Ngày 25-6, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT đã họp, nhận định bão số 1 có diễn biến phức tạp về đường đi, cấp gió, lượng mưa và vùng ảnh hưởng, nhưng do chủ động, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan bộ, ngành và địa phương nên đã chủ động, ứng phó, hạn chế được thiệt hại do bão gây ra. Các địa phương cần tiếp tục theo dõi diễn biến hoàn lưu sau bão, kiểm tra an toàn hồ chứa và theo dõi dung tích hồ chứa vì hiện nay có một số hồ chứa đã tích nhiều nước; rà soát công trình đê điều đang thi công, đề nghị rút kinh nghiệm với các địa phương về công tác kiểm đếm tàu thuyền và ngư dân ở lại trên tàu…
* Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có Công điện khẩn gửi các Cục Quản lý đường bộ: I, II; các Sở Giao thông vận tải: Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái; các Ban Quản lý dự án 3 và 4 tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sụt lở đất, lũ quét để có phương án phân luồng giao thông.
* Tổng công ty Điện lực Miền Bắc (EVNNPC) cho biết, trong cơn bão vừa qua, theo thống kê, lưới điện 110kV bảo đảm vận hành ổn định, an toàn. Tuy nhiên, lưới phân phối hiện vẫn đang mất điện, gồm có hai đường dây và ba nhánh rẽ trung áp và 58 trạm biến áp phân phối đang bị sự cố. Hiện vẫn còn 4.339 khách hàng tập trung tại bốn huyện, thành phố thuộc Quảng Ninh, Sơn La, Cao Bằng bị mất điện. EVNNPC cho biết, đến hết ngày 26-6 cơ bản khắc phục đóng điện cho các phụ tải trên địa bàn miền bắc bị ảnh hưởng bởi bão số 1.
* Mưa, lũ làm 14 người chết và mất tích:Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 1, trên địa bàn các tỉnh phía bắc đã có mưa to đến rất to, gây thiệt hại nặng về người và tài sản. Thiệt hại sau mưa bão vẫn đang tiếp tục được ghi nhận. Sáng 25-6, trong khi lội qua suối để đi cấy lúa, bất ngờ lũ quét từ thượng nguồn đổ về, hai người ở xã Thanh Phú (Sa Pa, Lào Cai) đã bị cuốn mất tích. Nạn nhân là Phàn Tả Mẩy, sinh năm 1998, trú tại thôn Sín Chải A và Lồ Thị Sứ, sinh năm 2003, trú tại thôn Mường Bo 2, cả hai nạn nhân đều là nữ. Lực lượng cứu hộ đã khẩn trương tìm kiếm, nhưng do lũ mạnh, địa hình phức tạp, đến cuối ngày vẫn chưa tìm thấy hai nạn nhân.
Tại tỉnh Quảng Ninh, mưa bão đã làm trôi bốn sà-lan (huyện Vân Đồn), làm vỡ một lồng bè nuôi hàu (TP Cẩm Phả) và 6,5 ha lúa và ngô bị thiệt hại. Sơn La là địa phương bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản do ảnh hưởng của bão số 1. Mưa lũ đã làm tám người chết, ba người mất tích và ba người bị thương. Theo thống kê ban đầu, tổng thiệt hại về tài sản trên địa bàn tỉnh là 64 tỷ đồng. Riêng huyện Thuận Châu thiệt hại lên đến 45 tỷ đồng. Cụ thể: hư hỏng 55 nhà; sạt lở 2.000m đường giao thông, hỏng chín cầu treo; bị ngập và cuốn trôi 140 ha lúa; 25,8 ha ao, ước bị mất khoảng hai tấn cá, v.v…
Để khắc phục thiên tai, cứu trợ gia đình gặp nạn, UBND tỉnh Sơn La trích kinh phí từ Quỹ phòng, chống bão lụt tỉnh hỗ trợ về nhà cửa 14 tỷ đồng, hỗ trợ khôi phục sản xuất 15 tỷ đồng và hỗ trợ khôi phục công trình thủy lợi 16 tỷ đồng. Tại tỉnh Lai Châu, đoạn giữa xã Lản Nhì Thàng và Mường So, huyện biên giới Phong Thổ, nối liền tỉnh Lai Châu với tỉnh Điện Biên đã xảy ra lún sụt hố cát to, khiến đoạn quốc lộ 4D bị đứt, trôi đoạn đường dài chín mét, rộng khoảng 10m và sâu chín mét, giao thông bị chia cắt. Tại xã Khen On, huyện Than Uyên đã xảy ra sạt lở đất khiến em Lò Thị Hoàn (sáu tuổi) bị vùi lấp mất tích, một cụ già bị thương nặng khi đang ở lán nương.
Tại tỉnh Thái Bình, bão số 1 không gây thiệt hại về người nhưng toàn tỉnh có 32,5 ha lúa gieo thẳng, hơn 720 ha mạ bị ngập và hơn 1.110 ha hoa màu vụ hè thu bị ảnh hưởng do mưa lớn. Những trận mưa sau bão đã gây ra sạt lở tuyến quốc lộ 2B, tại Km 14 400 (đoạn Vĩnh Yên – thị trấn Tam Đảo, Vĩnh Phúc) khiến cho giao thông đi lại khó khăn, gây nguy cơ mất an toàn cho các phương tiện.
Tỉnh Hải Dương chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 1 với gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, gây mưa diện rộng với lượng mưa trung bình xấp xỉ 130 mm. Sự cố mất điện sinh hoạt, chiếu sáng, mất điện tại các trạm bơm tiêu úng diễn ra ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố. Theo thống kê ban đầu, toàn tỉnh có hơn 5.500 ha lúa và rau màu ngập úng. Trong đó lúa mới cấy, mạ mới gieo bị ngập úng 3.470 ha; rau màu các loại 1.799 ha; gần 5.500 cây chuối và khoảng 400 cây ăn quả, cây bóng mát bị gãy đổ; 714 ha nuôi cá bị ngập tràn. Tại TP Hải Phòng, mưa bão đã làm một người bị thương, ba phương tiện bị đứt neo, trôi dạt và mắc cạn tại âu cảng Bạch Long Vỹ, một số nhà dân bị hư hỏng, tốc mái, diện tích hoa màu bị thiệt hại.
* Bắc Bộ nắng nóng trở lại:Về tình hình nắng nóng trên cả nước mười ngày tới, Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư nhận định: Khu vực Bắc Bộ, ngày 26-6, có nắng nóng cục bộ; ngày 27-6 nắng nóng mở rộng ra khu vực đồng bằng Bắc Bộ; từ ngày 28-6 đến 2-7 nắng nóng lan rộng với mức nhiệt 35 độ C đến 37 độ C; từ ngày 3-7 nhiệt độ giảm dần, kết thúc nắng nóng. Khu vực Trung Bộ, ngày 26-6, nắng nóng xuất hiện trên khu vực các tỉnh bắc và Trung Trung Bộ với nhiệt độ cao nhất khoảng 35 độ C đến 36 độ C, có nơi trên 36 độ C; từ ngày 27-6 đến 3-7 nắng nóng diện rộng gia tăng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 độ C đến 38 độ C, có nơi hơn 38 độ C; ngày 4-7 nhiệt độ giảm dần, nắng nóng xảy ra ở một vài nơi, sau kết thúc. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ: Phổ biến không có nắng nóng trong 10 ngày tới.
* Do ảnh hưởng của đới gió tây nam hoạt động với cường độ mạnh nên khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8, biển động. Sóng biển cao hai đến ba mét.
* Liên tiếp trong hai ngày 24 và 25-6, một đoạn sông Vàm Cái Mít, ấp Hòa Định, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, Đồng Tháp đã bị sạt lở nghiêm trọng khiến bốn căn nhà đổ sụp xuống sông. Mưa lớn những ngày qua đã làm hơn 2.000 ha lúa hè thu đang ở giai đoạn chín trên địa bàn tỉnh bị đổ ngã, ảnh hưởng đến năng suất, có nơi thiệt hại hơn 30%.
* Hiện trên sông Mã, nước lũ đang về với lưu lượng lớn, nên từ 20 giờ ngày 24-6 đến 17 giờ ngày 28-6, Công ty cổ phần thủy điện Hoàng Anh (Thanh Hóa) thông báo xả lũ theo lưu lượng nước đến, bảo đảm duy trì nước trong hồ ở mực nước chết là 40m. Công ty đề nghị các huyện: Bá Thước, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa và các xã thuộc vùng hạ lưu thông báo khẩn cho nhân dân ở các thôn nằm dọc sông Mã tuyệt đối không đi lại, vớt củi, đánh bắt cá ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao, nước chảy xiết, những vị trí đã được cắm biển cảnh báo lũ; chủ động di dân đến nơi an toàn khi cần thiết.
* Tàu cá QNg 98588-TS (công suất 440 CV) do ngư dân Nguyễn Đức Lợi, trú tại xã Phổ An, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) làm chủ, khi đang khai thác hải sản tại ngư trường Hoàng Sa thì bị ảnh hưởng của cơn bão số 1, sóng lớn đã khiến nước tràn vào tàu làm hỏng máy chính và máy phát điện. Sau nhiều giờ trôi dạt trên biển, các thuyền viên đã liên lạc với đất liền xin được hỗ trợ khẩn cấp. Ngày 25-6, tàu cá QNg 98588-TS cùng 12 thuyền viên đã được tàu HQ 629 (Vùng 3 Hải quân) lai dắt về đến đảo Lý Sơn an toàn.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()