Khẩn trương khắc phục các tuyến giao thông bị hư hỏng sau mưa bão
Mưa, lũ lớn dồn dập do bão số 2 và số 4 gây ra đã khiến nhiều tuyến đường giao thông ở các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An bị hư hỏng nặng, làm nhiều bản, làng bị cô lập. Ngành Giao thông đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung khắc phục sự cố hư hỏng, bảo đảm giao thông thông suốt.
Bão số 2 với sức gió cấp 9, cấp 10 đã đổ bộ trực tiếp vào Nghệ An kèm theo mưa lớn kéo dài. Chưa đầy một tuần sau, Nghệ An lại hứng chịu một đợt mưa lớn thứ hai do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4. Mưa lũ dồn dập, kéo dài kèm theo lũ ống, lũ quét đã làm hư hỏng nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là ở các huyện miền núi. Do đó, nhiều bản, làng ở các huyện: Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Con Cuông… bị cô lập. Ngay sau bão số 2, vào sáng ngày 17-7, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ, Cục đường bộ 2, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Nghệ An cùng các đơn vị chức năng đã có mặt tại các điểm sạt lở để chỉ đạo công tác ứng cứu khẩn cấp cho các vùng miền núi có nhiều tuyến đường giao thông bị thiệt hại nặng nề, trong đó có Quốc lộ (QL) 16. Trong quá trình di chuyển trên QL 16, do đường hư hỏng nặng, xe ô-tô chở hai cán bộ của ngành GTVT Nghệ An bị mất lái, lao xuống vực tại khu vực Xốp Chảo, xã Đồng Văn (Quế Phong) làm cả hai bị tử nạn. Đây là một thiệt hại nặng nề về người do mưa bão từ trước đến nay của ngành GTVT Nghệ An.
Mưa lũ đã làm sạt lở hàng trăm nghìn m 3đất đá, làm hơn 100 km các tuyến đường QL và tỉnh lộ (TL) cùng hàng chục cầu, cống, tràn bị hư hỏng; hơn 20 nghìn cây đổ gãy gây ách tắc nhiều tuyến giao thông; nhiều hệ thống biển báo và công trình an toàn giao thông bị phá hỏng… Chỉ tính riêng bão số 2 đã gây ước thiệt hại cho ngành GTVT Nghệ An khoảng 230 tỷ đồng, chủ yếu hư hại liên quan đến hệ thống đường bộ.
Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án vốn sự nghiệp kinh tế giao thông (Sở GTVT Nghệ An) Phan Hải Châu: Mưa to, lũ lớn làm hư hỏng kết cấu giao thông trên nhiều điểm ở các QL 15A, QL 7, QL 48D… Nhưng nặng nề nhất trên trên hai tuyến QL 16 và QL 48E. Theo báo cáo sơ bộ ban đầu, QL 16 dài 197 km đi qua các huyện miền núi rẻo cao: Quế Phong – Tương Dương – Kỳ Sơn có 11 điểm sạt lở nghiêm trọng có nguy cơ cắt đứt mặt đường trong tổng số hơn 120 điểm sạt lở lớn nhỏ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông kéo dài hàng chục km. QL 48E, ngoài phần hư hỏng mặng mặt đường do lũ, có bốn tràn bị ngập sâu gần hai mét và bị nước lũ xói hư hỏng…
Có mặt tại các điểm sạt lở nghiêm trọng ở Q L16, mọi người không khỏi lo lắng cho công tác khắc phục. Để trả nó về nguyên trạng ban đầu như trước khi bão số 2 gây ra, là không hề đơn giản. Tại Km 280 800, hàng nghìn m 3đất đá của cả một quả đồi đổ ụp xuống lấp kín cả mặt đường dài khoảng 50 m, cao đến 2-3 m; Km 303 630, xuất hiện vết nứt trượt với khoảng 3.000 m 3đất đá có thể đổ trượt lên mặt đường bất cứ lúc nào. Tại Km 382 375, sụt tà luy âm làm toàn bộ hệ thống rọ đá cũ bị tụt xuống vực sâu, “gặm” đứt khoảng 1/3 mặt đường kéo dài hàng chục mét. Tại Km371 800, sụt ta-luy âm đã làm sụt, nứt mặt đường dài 150 m, có nguy cơ kéo mặt đường xuống vực nếu tiếp tục có mưa lũ xẩy ra; đồng thời kéo sệ có một đoạn rào chắn an toàn xuống ta-luy âm cả mét. Hiện nguy cơ sạt lở đất, đá trên các tuyến đường trên địa bàn miền núi rẻo cao đang ở mức báo động, khi liên tiếp trong những ngày qua núi đồi, ta-luy đã no nước, chỉ cần trận mưa vừa có thể gây sạt lở. Ngành giao thông khuyến cáo, người và phương tiện hết sức cảnh giác khi giao thông qua các tuyến đường núi nguy cơ sạt lở.
Không riêng chỉ có QL mà nhiều tuyến đường TL, liên huyện, liên xã trên địa bàn Nghệ An cũng bị thiệt hại. Trong đó, nặng nề nhất là bốn tuyến TL, gồm TL 544, 543C, 543D và 532, ở các huyện miền núi lần lượt Quỳ Châu, Tương Dương, Tân Kỳ và Quỳ Hợp. Trên các tuyến đường này mưa lũ đã làm sạt lở hàng chục điểm, đều chung tình trạng hàng trăm m 3đất đá ở ta-luy dương cùng cây cối đổ ập xuống mặt đường; ta-luy âm bị sụt lún, cuốn theo một phần mặt đường; mặt đường bị mưa lũ xói sâu xuống tạo ra nhiều ổ “trâu” và nhiều cầu, cống liên quan bị cuốn trôi hay hư hỏng nặng…
Trước tình hình trên, ngay sau bão, Sở GTVT Nghệ An đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, các đơn vị bảo trì đường bộ, tập trung phương tiện và nhân lực tiến hành cưa cắt, thu dọn cây đổ trên mặt đường; sạt gạt những đoạt sạt lở đất từ ta-luy dương đổ ập xuống. Tại những đoạn mặt đường bị đứt gãy do sụt lún ta-luy âm, tiến hàng ghép rọ đá, đắp nền đường bảo đảm giao thông bước một đủ cho một làn xe qua; đồng thời, cử người trực gác, điều tiết giao thông. Riêng tại những điểm sụt lở ta-luy âm tại Km 228 150 và 228 350 (QL 16), Sở GTVT đã chỉ đạo Công ty CP Trung Tín ghép rọ đá, đắp mặt đường, tạm thời khắc phục điểm sạt lở, tạo điều kiện đi lại cho người dân cũng phòng mưa bão tiếp theo không phá đứt mặt đường… Tại một số cầu, cống bị hư hỏng hay tại một số vị trí tràn, đường bị ngập sâu từ một đến hai mét, nước chảy xiết, Sở GTVT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng cử người canh gác 24/24 giờ, có rào chắn cùng tiêu, biển báo phân luồng từ xa, kiên quyết không cho người qua lại…
Đối với các tuyến huyện lộ hay liên xã bị hư hỏng do mưa lũ, các đơn vị quản lý cùng với địa phương đã huy động máy móc, nhân lực trên tinh thần phát huy “bốn tại chỗ” để khắc phục. Đồng thời, cắt cử người cảnh báo ở những đoạn ngập lụt hay đường, cầu bị sạt lở hay cuốn trôi. Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh (Tương Dương) Vi Văn Khiêm cho biết: Đường qua địa bàn xã có bốn vị trí bị sạt lở nguy hiểm, xã đã huy động được hơn 100 người dân ở bản Huồi Pai, Phá Khốm cùng với đơn vị giao thông tiến hành san gạt tạm thời để lưu thông. Đến nay, hạ tầng giao thông trên địa toàn tỉnh bị hư hỏng do mưa lũ bão số 2 và số 4 gây ra đã bước đầu được khắc phục, việc đi lại của người dân đã diễn ra tương đối bình thường. Riêng tuyến tuyến QL 16 và một số tuyến đường bị thiệt hại nặng khác hiện mới chỉ lưu thông đủ một làn xe, công tác khắp phục đang còn phải tiếp tục.
“Trong điều kiện nguồn kinh phí của tỉnh rất hạn hẹp, rất mong sự quan tâm của Bộ GTVT cùng các bộ, ngành liên quan khác hỗ trợ kinh phí kịp thời, giúp Nghệ An sớm khắc phục cơ bản hệ thống giao thông, nhằm sớm khôi phục lại hoạt động giao thông, nhất là ở các huyện miền núi phía Tây Nghệ An”, Giám đốc Sở GTVT Nghệ An Nguyễn Hồng Kỳ cho biết thêm.
Theo Nhandan
Ý kiến ()