Khẩn trương hoàn thiện các văn bản pháp luật; kiên quyết bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu
Ngày 1-6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5. Cùng dự, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư; đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch nước.
Không để nợ đọng các văn bản pháp luật
Chính phủ dành phiên buổi sáng để tập trung thảo luận vấn đề xây dựng, hoàn thiện thể chế. Trong đó, kiểm điểm vấn đề nợ đọng các văn bản pháp luật (VBPL), đề xuất các giải pháp, hướng khắc phục.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, xây dựng một Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính, phục vụ nhân dân, phục vụ sự phát triển để nhân dân có cuộc sống vật chất, tinh thần tốt hơn, an toàn hơn. Thủ tướng nhấn mạnh, phải tập trung giải quyết các điểm nghẽn của xã hội, mà trước hết là thể chế, pháp luật. Thủ tướng yêu cầu từng Bộ trưởng công khai tình hình nợ đọng các văn bản pháp luật thuộc trách nhiệm của ngành mình, giải trình và đưa ra lộ trình hoàn thiện.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, thời gian ban hành các VBPL cấp bách nhưng vẫn phải làm, đáp ứng yêu cầu đồng bộ hệ thống pháp luật. Phó Thủ tướng đề nghị, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ cần lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động để điều chỉnh phù hợp. Trường hợp VBPL đã ban hành nhưng khi áp dụng vào thực tiễn thấy không phù hợp, chúng ta phải tạo cơ chế sửa đổi nhanh. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, chúng ta không được để khoảng trống pháp lý. Những nội dung còn ý kiến khác nhau, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ cần trực tiếp thảo luận với các bộ, ngành để đạt sự nhất trí.
Phát biểu ý kiến kết luận về phần xây dựng thể chế pháp luật, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công tác xây dựng thể chế là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, từ Thủ tướng đến các Bộ trưởng, vụ trưởng đều phải tập trung, kiên quyết chỉ đạo thực hiện. Do đó, Thủ tướng chỉ đạo các bộ tập trung dành thời gian hoàn thiện các VBPL còn nợ đọng. Thủ tướng khẳng định, quyết tâm của Chính phủ là sẽ ban hành tất cả các VBPL trước ngày 1-7 khi nhiều Luật có hiệu lực, tránh tạo khoảng trống pháp lý. Thủ tướng chỉ đạo các bộ, cơ quan hoàn thành nhiều VBPL trong thời gian ngắn, nhưng số lượng phải đi liền chất lượng, không chấp nhận lấy lý do bảo đảm chất lượng mà để xảy ra tình trạng “ngâm” văn bản. Chính vì vậy, các bộ, ngành cần trực tiếp thảo luận để khắc phục vướng mắc, nhất là phải phát huy vai trò của các Bộ trưởng. Thủ tướng cũng lưu ý, không thể bỏ hoàn toàn nhưng cũng cần rút gọn quy trình làm văn bản, chú trọng vấn đề công khai, minh bạch lấy ý kiến nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan tập trung nguồn lực, hoàn thiện các hồ sơ dự thảo nghị định trình Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, bảo đảm tiến độ, quan tâm chất lượng, không để sai sót. Thủ tướng giao Bộ trưởng Tư pháp rút ngắn thời gian cũng như bảo đảm chất lượng thẩm định VBPL. Các bộ thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết 19-2016/NQ-CP và 35/NQ-CP, theo đó, kiên quyết cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh và bãi bỏ giấy phép con không hợp lý; các quy định về điều kiện kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường khâu hậu kiểm. Không dùng mệnh lệnh hành chính; tạo động lực cho phát triển. Phải thúc đẩy giao dịch qua môi trường mạng, thay vì các loại giấy tờ, từ đó tránh tiêu cực, tham nhũng.
Không điều chỉnh giá điện, không được tăng phí BOT
Các thành viên Chính phủ cùng dành nhiều thời gian trong buổi chiều để nghe và thảo luận phần Báo cáo kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo điều hành giá năm 2015, bốn tháng đầu năm 2016 và phương hướng điều hành giá năm 2016 do Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày. Theo đó, Bộ Tài chính và Bộ Công thương thống nhất kiến nghị Chính phủ không điều chỉnh giá điện năm 2016; không thành lập Quỹ bình ổn giá điện; kiến nghị việc tăng phí dịch vụ khám chữa bệnh không nên cùng một thời điểm… Phát biểu ý kiến về lĩnh vực quản lý giá, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí với báo cáo của Ban Chỉ đạo điều hành giá; đồng thời đánh giá, thời gian qua, các bộ, ngành đã phối hợp chặt chẽ trong điều hành giá các mặt hàng thiết yếu. Công tác thông tin tuyên truyền cho người tiêu dùng cũng được coi trọng. Thủ tướng chỉ đạo, các Bộ trưởng, lãnh đạo UBND các địa phương cần theo dõi sát diễn biến tình hình, những tác động của giá cả, cũng như phải có các kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, góp phần giữ tỷ lệ lạm phát theo đúng chỉ tiêu mà Quốc hội đã đề ra.
Thủ tướng nhấn mạnh, phương hướng điều hành giá thời gian tới phải tuân theo quy luật của kinh tế thị trường. Tuy nhiên, chúng ta phải chủ động chuẩn bị đủ nguồn cung để góp phần điều hành giá thực chất hơn chứ không thể chỉ dùng mệnh lệnh hành chính hay ý chí chủ quan. Về một số mặt hàng cụ thể, Thủ tướng yêu cầu, đối với giá xăng dầu, phải lưu ý để tiếp tục bám sát chặt chẽ diễn biến thị trường, tiếp tục thực hiện điều hành giá xăng dầu theo tinh thần Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; sử dụng tối đa Quỹ bình ổn giá xăng dầu, hạn chế việc tăng giá. Đối với giá điện, Chính phủ nhất trí với kiến nghị của Bộ Tài chính, Bộ Công thương là không điều chỉnh giá điện từ nay đến hết năm 2016; không thành lập Quỹ bình ổn giá điện.
Trong lĩnh vực giáo dục, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo bám sát mọi diễn biến tình hình, thúc đẩy sự nghiệp giáo dục công lập; có lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục thích hợp; tránh điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục trùng thời điểm với các đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế, không gây “sốc” cho xã hội. Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chỉ đạo để không có đột biến; cần phải phối hợp các bộ, ngành để có nguồn hàng thiết bị giáo dục dự trữ.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh phải có lộ trình và bước đi phù hợp đối với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, không được tăng đồng loạt giá dịch vụ y tế tại 63 tỉnh, thành phố. Bộ Y tế phối hợp Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan để đề ra giá dịch vụ phù hợp. Chính phủ nhất trí cho đấu thầu giá thuốc công khai để bảo vệ người tiêu dùng. Bộ Y tế có trách nhiệm quản lý chặt chẽ giá thuốc; tiếp tục triển khai quy định mới về đấu thầu giá thuốc nhằm giảm chi phí mua thuốc cho người bệnh. Bộ Tài chính chủ trì, cùng với Bộ Y tế, cơ quan liên quan trình phương án đấu thầu thuốc tập trung.
Chính phủ giao Bộ Công thương bảo đảm nguồn cung đường trong nước. Để bình ổn thị trường, Chính phủ đồng ý Bộ Công thương nhập khẩu khoảng 100 nghìn tấn đường; bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng phải chú trọng phát triển sản xuất đường trong nước.
Liên quan vấn đề phí giao thông các dự án BOT đang gây bức xúc trong dư luận, Thủ tướng kiên quyết yêu cầu không được tăng phí giao thông BOT. Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải sớm tổng kết các dự án BOT để báo cáo Chính phủ; Bộ Giao thông vận tải phối hợp Thanh tra Chính phủ kiểm tra các dự án giao thông BOT, nếu chỗ nào sai phạm phải kiên quyết xử lý, chấn chỉnh, nhất là kiểm tra việc chấp hành quy định 70 km mới được lập một trạm thu phí BOT.
Thủ tướng cũng yêu cầu giữ nguyên cơ chế điều hành giá sữa cho trẻ em dưới sáu tuổi như hiện nay cho đến hết quý IV-2016; mua tạm trữ muối để hỗ trợ diêm dân vượt qua khó khăn. Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, cơ quan tích cực kiểm tra, giám sát chặt chẽ giá cả, thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu.
* Theo chương trình, ngày 2-6, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 tiếp tục diễn ra với phần thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội tháng 5 và năm tháng đầu năm.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()