Khẩn trương đưa lao động Việt Nam từ Li-bi về nước an toàn
Chiều 25-2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành chức năng bàn biện pháp đưa công dân Việt Nam ở Li-bi về nước trước tình hình diễn biến phức tạp tại đây.Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ - TB và XH), hiện có 10.482 lao động xây dựng Việt Nam do 20 doanh nghiệp (DN) đưa đi đang làm việc tại Li-bi, phần lớn trong các công trình do nhà thầu nước ngoài trúng thầu. Trong đó, có khoảng hai nghìn lao động đang làm việc tại TP Ben-ga-di; khoảng năm nghìn lao động tại Thủ đô Tri-pô-li. Trước khi có biến động, tình hình người lao động rất ổn định, việc làm, thu nhập và cuộc sống bảo đảm. Tính đến sáng 25-2, chúng ta đã và đang phối hợp các đối tác làm thủ tục sơ tán 4.572 người sang các nước láng giềng của Li-bi như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Man-ta,Hy Lạp, Tuy-ni-di, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE)... để từ đó đưa về Việt Nam. Tại cuộc họp, Bộ trưởng LĐ - TB và XH...
Chiều 25-2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành chức năng bàn biện pháp đưa công dân Việt Nam ở Li-bi về nước trước tình hình diễn biến phức tạp tại đây.
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ – TB và XH), hiện có 10.482 lao động xây dựng Việt Nam do 20 doanh nghiệp (DN) đưa đi đang làm việc tại Li-bi, phần lớn trong các công trình do nhà thầu nước ngoài trúng thầu. Trong đó, có khoảng hai nghìn lao động đang làm việc tại TP Ben-ga-di; khoảng năm nghìn lao động tại Thủ đô Tri-pô-li. Trước khi có biến động, tình hình người lao động rất ổn định, việc làm, thu nhập và cuộc sống bảo đảm. Tính đến sáng 25-2, chúng ta đã và đang phối hợp các đối tác làm thủ tục sơ tán 4.572 người sang các nước láng giềng của Li-bi như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Man-ta,
Hy Lạp, Tuy-ni-di, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE)… để từ đó đưa về Việt Nam. Tại cuộc họp, Bộ trưởng LĐ – TB và XH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Tính đến chiều 25-2, theo thống kê sơ bộ, có hơn 1.300 lao động đã sang được nước thứ ba (Ai Cập, Man-ta, Thổ Nhĩ Kỳ). Con số cụ thể, Bộ sẽ liên tục cập nhật. Hiện có 282 lao động đang trên đường bay về, dự kiến đêm 25-2 hoặc ngày 26-2 sẽ về tới Việt Nam. Bộ LĐ – TB và XH đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan đại diện của ta tại các nước tổ chức đón và làm thủ tục cho người lao động để đưa về nước. Tuy nhiên, việc này gặp nhiều khó khăn, nhất là phương tiện vận chuyển lao động sang nước thứ ba do mọi hoạt động tại Li-bi hầu như tê liệt, thông tin liên lạc ở đây cũng hết sức khó khăn.
Ngoài Li-bi, ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, ta cũng đưa lao động sang một số nước như Ô-man, UAE, Ca-ta, A-rập Xê-út và Ba-ren. Đến thời điểm này, chưa phát sinh vấn đề phức tạp tại các địa bàn này. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã yêu cầu các DN dừng không đưa tiếp lao động sang Li-bi. Đồng thời chỉ đạo đại diện của DN tại Li-bi theo dõi, báo cáo kịp thời các vấn đề phát sinh, hướng dẫn người lao động không đi tới các nơi có biểu tình và tránh tụ tập đông người tại nơi công cộng. Các bộ, ngành thống nhất: Tiếp tục triển khai ngay các phương án đưa người lao động về nước, phương án tốt nhất là đưa lao động sang các nước láng giềng bằng đường bộ, đường biển, hàng không và từ đó đưa về nước; thành lập các tổ công tác gồm đại diện các bộ và các DN sang các nước láng giềng của Li-bi để phối hợp các cơ quan đại diện đón, làm các thủ tục cần thiết cho người lao động về nước; Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines-VNA) lập kế hoạch đưa máy bay sang hoặc phối hợp các hãng hàng không các nước bố trí đưa lao động về nước nhanh chóng, an toàn…
Lãnh đạo Bộ Ngoại giao cho biết: Bộ đã chỉ đạo các Đại sứ quán, cơ quan đại diện của Việt Nam ở Li-bi và các nước lân cận tập trung nỗ lực giải quyết vấn đề người lao động Việt Nam, yêu cầu các cơ quan này thông báo thường xuyên tình hình về nước. Bộ Ngoại giao cũng cho biết, hầu hết lao động của Việt Nam ở Li-bi bị mất hộ chiếu (do bị giữ ở nơi khác), Bộ đã chỉ đạo Đại sứ quán cấp giấy thông hành thay thế, tạo điều kiện cho người lao động có đủ giấy tờ về nước… Một số nước cho biết sẵn sàng tạo điều kiện cho lao động Việt Nam quá cảnh, hoặc giúp sơ tán khỏi Li-bi để về nước.
Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan chức năng, đơn vị phải làm hết sức mình bảo đảm an ninh, an toàn cho người lao động Việt Nam tại Li-bi, nhất là an toàn tính mạng, tài sản, không để bị thiếu lương thực trong tình hình diễn biến phức tạp. Sau đó, lên kế hoạch khẩn trương đưa số lao động này về nước an toàn, có trật tự, đón tiếp chu đáo. Thủ tướng giao các Bộ Ngoại giao, LĐ – TB và XH, Công an, Quốc phòng có cán bộ công tác tại các nước nêu trên, trong đó quan trọng nhất là Đại sứ quán Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Li-bi và các nước chung quanh chỉ đạo cán bộ nỗ lực làm việc với chính quyền sở tại, các đối tác, DN đang sử dụng lao động, lên phương án bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người lao động Việt Nam. Ưu tiên sơ tán lao động tại những nơi nguy hiểm ở Li-bi sang nước thứ ba an toàn; tại những nơi chưa nguy hiểm thì phải có phương án lo lương thực, thực phẩm cho số lao động chưa sơ tán. Trong vấn đề này, Bộ Ngoại giao mà trực tiếp là các Đại sứ chịu trách nhiệm chính. Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao tăng cường thêm cán bộ sang Li-bi, một số nước lân cận hỗ trợ Đại sứ quán làm việc với các chính quyền sở tại, các đối tác. Tại các nước thứ ba đang có người lao động Việt Nam sơ tán sang, Đại sứ Việt Nam tại đó phải chịu trách nhiệm làm việc với chính quyền sở tại, các đối tác để tổ chức đón tiếp, lo chỗ ăn, ở, bảo đảm an toàn, làm các thủ tục cần thiết đưa người lao động về nước.
Thủ tướng nhận định, việc đưa trực tiếp lao động từ Li-bi về Việt Nam là rất khó khăn. Do đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Ngoại giao làm việc với các nước thứ ba, các tổ chức quốc tế, DN sử dụng lao động để tranh thủ mọi sự giúp đỡ, tổ chức đưa lao động Việt Nam về nước an toàn. Thủ tướng giao VNA khẩn trương lên phương án cụ thể chở lao động, trước mắt là số lao động đã sang nước thứ ba, về nước bằng đường hàng không, tính toán phương án hiệu quả và thuận lợi nhất trình Chính phủ quyết định.
Đối với việc đón tiếp người lao động về đến Việt Nam, Thủ tướng chỉ đạo tổ chức phải chu đáo, cố gắng ở mức cao nhất bố trí cho người lao động sớm đoàn tụ gia đình. Thủ tướng đồng ý trước mắt hỗ trợ một triệu đồng/lao động khi về đến Việt Nam trích từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước để triển khai các hoạt động liên quan theo kiến nghị của Bộ LĐ – TB và XH. Sau đó, các cơ quan, đơn vị chức năng sẽ phối hợp tính toán phương án hỗ trợ tiếp theo.
Thủ tướng quyết định thành lập Ban Chỉ đạo để giải quyết việc đưa công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi về nước. Ban Chỉ đạo do Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm làm Trưởng ban, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân làm Phó Trưởng ban Thường trực, các thành viên gồm lãnh đạo một số bộ, ngành, đơn vị liên quan. Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo phải triển khai hành động quyết liệt, phân công công việc cụ thể, chỉ đạo sát sao các kế hoạch cần thiết.
Theo Nhandan
Ý kiến ()