Khẩn trương cập nhật, liên thông, công khai dữ liệu về liệt sĩ
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu quan tâm hơn nữa trong bố trí nguồn lực cho công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Ảnh: VGP |
Báo cáo của Ban Chỉ đạo 515 cho biết, trong giai đoạn 2016-2018, toàn quốc đã tìm kiếm, quy tập được 2.670 hài cốt liệt sĩ trong nước 2.670, tại Lào là 854 hài cốt, tại Campuchia là 2.362 hài cốt. Các cơ sở đã tiến hành xác định danh tính 759 hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, trong đó bằng phương pháp thực chứng 284 trường hợp, giám định ADN 475 trường hợp.
Đáng chú ý, các đơn vị của Bộ Quốc phòng, các địa phương đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ khi tiến hành rà soát, hoàn thiện danh sách liệt sĩ; xây dựng cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ; lập bản đồ tìm kiếm quy tập; giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong chiến tranh.
Bộ Quốc phòng, Bộ LĐTBXH đã chuyển giao cho Bộ TT&TT hơn 1,9 triệu dữ liệu về liệt sĩ, gần 900.000 dữ liệu về mộ liệt sĩ, hơn 3.000 dữ liệu về nghĩa trang liệt sĩ để chuẩn hoá, tích hợp liên thông cơ sở dữ liệu phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; triển khai Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ.
Công tác lập bản đồ tìm kiếm, quy tập được triển khai trên toàn quốc, và có trên 50% địa bàn cấp xã đã hoàn thành việc kết luận địa bàn liên quan đến thông tin liệt sĩ.
Việc đầu tư, nâng cấp cơ sở giám định gen giai đoạn 2 của Viện Pháp y Quân đội và cơ sở giám định gen của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã được hoàn thành.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, tổ chức công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, các đơn vị của Bộ Quốc phòng, các địa phương tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, tồn tại từ nhiều năm qua. Đó là thông tin về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ ngày càng ít dần. Địa hình, địa vật thay đổi nhiều. Số lượng hài cốt liệt sĩ phải tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính còn rất lớn.
Tại một số địa phương, việc chuyển trọng tâm tìm kiếm, quy tập ở địa bàn trong nước chưa thực sự quyết liệt, kết quả chưa đáp ứng được yêu cầu. Chậm nghiên cứu, ban hành quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, nhất là quy trình thực chứng để xác minh, kết luận các mộ liệt sĩ còn thiếu một phần thông tin.
Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị được cung cấp thông tin về sơ đồ mộ chí, giải mã các ký hiệu địa danh, các trận đánh, trạm quân y dã chiến để đối chiếu với thực tế, đính chính thông tin trên mộ liệt sĩ; bố trí kinh phí sửa chữa bia mộ sau khi đính chính thông tin, di chuyển hài cốt liệt sĩ; hướng dẫn cụ thể đối với hoạt động lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ để giám định ADN.
Trong khi đó, lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh nêu thực tế thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ có nhiều nhưng thông tin có cơ sở để xác minh, tìm kiếm thì còn ít.
Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chính uỷ Quân khu 7 đề nghị tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm tìm kiếm quân nhân hy sinh, mất tích, đặc biệt là tiếp xúc với các tổ chức cựu chiến binh các nước từng tham chiến tại Việt Nam để thu thập thông tin về địa điểm chôn cất liệt sĩ, nhất là các khu mộ tập thể.
Ảnh: VGP |
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương nỗ lực các bộ ngành, quân khu, các địa phương, các đội quy tập hài cốt liệt sĩ, các đoàn thể chính trị xã hội, cựu chiến binh, DN… đã dành thời gian, tâm sức ủng hộ, thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.
Bên cạnh việc tăng cường đối thoại, hợp tác quốc tế, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển trọng tâm tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ về những địa bàn trong nước, nhất là những nơi có nhân chứng còn sống, còn khoẻ mạnh.
Ghi nhận kiến nghị của các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, từ địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện các văn bản, quy trình hướng dẫn đối với công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.
Công tác tuyên truyền cần tiếp tục, kiên trì thực hiện để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành cùng nhân dân, từ đó tạo chuyển biến trong hành động, ưu tiên dành nguồn lực vào công tác này.
“Việc bố trí nguồn lực cho công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ cần phải được quan tâm hơn nữa”, Phó Thủ tướng nói.
Qua kinh nghiệm lập bản đồ số về mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước, Phó Thủ tướng đề nghị đẩy nhanh việc cập nhật, liên thông dữ liệu của các bộ ngành về công tác liệt sĩ để hoàn thành sớm nhất có thể thay vì mục tiêu đến năm 2020. Đồng thời công khai các dữ liệu để người dân cũng có thể tra cứu, phản hồi, đính chính, bổ sung thêm cho những thông tin đã được đăng tải.
Cùng với đó, các bộ ngành, đơn vị, địa phương chủ động khai thác thêm nhiều nguồn thông tin từ tư liệu, hiện vật của các cán bộ, chiến sĩ đang được lưu giữ phục vụ đối chiếu, xác minh thông tin liệt sĩ.
Ý kiến ()