Khan hiếm nguồn cung, giá tăng đột biến
LSO-Trong quý II và đầu quý III/2017, giá cát xây dựng trên địa bàn tỉnh tăng bình quân từ 10% đến 15%, có thời điểm tăng tới 40% so với các tháng trước đó. Giá tăng cao, nhưng các nhà thầu vẫn khó khăn trong việc tìm mua tại thị trường.
Khu vực khối 5 thị trấn Cao Lộc là trung tâm buôn bán cát xây dựng các loại cho thị trường thành phố Lạng Sơn và huyện Cao Lộc |
Tăng giá đột biến
Đầu tháng 3/2017, chị Hoàng Thị Xuân, trú tại thôn Mai Thành, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn xây nhà với dự kiến kinh phí là 230 triệu đồng. Sau khi hoàn thành công trình, kinh phí tăng 40 triệu đồng so với dự kiến ban đầu. Đội giá chủ yếu do chi phí mua cát. Chị Xuân cho biết: Cuối tháng 3/2017, giá cát mịn tự nhiên tại đại lý trên đường Hùng Vương, thôn Co Măn, xã Mai Pha là 160.000 đồng/m3 nhưng giữa tháng 4/2017 giá cát tại đại lý đó đã tăng lên 260.000 đồng/m3. Ngoài ra, cát vàng tự nhiên tăng từ 350.000 đồng/m3 lên 540.000 đồng/m3.
Theo thông báo giá vật liệu xây dựng do Sở Xây dựng công bố, tháng 3/2017, giá cát mịn tại thành phố Lạng Sơn là 164.000 đồng/m3; cát vàng là 376.000 đồng/m3. Tuy nhiên giá cát xây dựng công bố trong tháng 4/2017 đã tăng chóng mặt, cụ thể: cát mịn là 220.000 đồng/m3 và cát vàng là 500.000 đồng/m3. Đến tháng 7/2017 giá cát tự nhiên tại thành phố, nhất là cát vàng vẫn giữ ở mức gần 460.000 đồng/m3; tại một số huyện giá cát vẫn cao như Lộc Bình là 480.000 đồng/m3. Đối với cát mịn tự nhiên tại các huyện: Bình Gia, Bắc Sơn giá duy trì ở mức từ 280.000 đồng/m3 đến 300.000 đồng/m3.
Ông Vũ Đình Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Hà Sơn Lạng Sơn chuyên thi công các công trình dân dụng lớn trên địa bàn tỉnh cho biết: Hiện giá cát tự nhiên không chỉ tăng mạnh tại thị trường Lạng Sơn, giá cát tại các tỉnh như: Bắc Giang, Bắc Ninh cũng tăng và chênh lệch mỗi mét khối cát từ 40.000 đồng đến 50.000 đồng/m3 so với thời điểm đầu năm tại cùng địa bàn, đặc biệt cát vàng giá rất cao và khó mua. Nếu mua ở Bắc Giang vận chuyển đến Lạng Sơn tiêu thụ thì giá chênh lệch tăng tại Lạng Sơn khoảng 80 nghìn đồng/m3 so với tỉnh Bắc Giang.
Nguồn cung khan hiếm
Theo tìm hiểu, giá cát tự nhiên các loại tăng đột biến bởi nguồn cung tại các tỉnh có sản lượng khai thác lớn ở khu vực đồng bằng sông Hồng sụt giảm, do các tỉnh như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Hà Nội, Vĩnh Phúc siết chặt quản lý hoạt động khai thác cát trên sông, trong khi đây là những thị trường chủ yếu cung cấp cát.
Theo số liệu của Sở Xây dựng, hiện toàn tỉnh có 3 đơn vị được cấp phép khai thác cát xây dựng với công suất 257.000 m3, trong đó có 2 đơn vị đã được cấp chứng nhận sản phẩm hợp quy. Tuy nhiên, năng lực sản xuất cũng chỉ đạt 28.000 m3/năm. Ngoài ra một số đơn vị sản xuất cát nghiền từ đá vôi với khối lượng lớn, nhưng mức tiêu thụ vào các công trình nhà dân hạn chế chỉ được khoảng 10.000 m3/năm. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng cát trên địa bàn tỉnh ngày càng lớn, nhất là khu vực xây dựng tư nhân, theo Sở Xây dựng mỗi năm trên địa bàn tỉnh cần trên 900.000 m3 cát.
Theo báo cáo của thành phố Lạng Sơn, hiện thành phố không có mỏ cát tự nhiên và nhu cầu cát xây dựng của người dân thành phố 2 năm gần đây mỗi năm cần khoảng gần 60.000 m3 cát, gồm: 50.000 m3 cát mịn và 10.000 m3 cát vàng. Trong khi đó, hiện thành phố có 8 cơ sở kinh doanh cát tự nhiên với khối lượng bán ra hằng năm chỉ đạt gần 24.000 m3/năm, còn lại người dân phải mua tại các nơi khác. Tại huyện Cao Lộc, huyện này hiện chưa thống kê được nhu cầu sử dụng cát phục vụ riêng cho các công trình của người dân. Hiện huyện có 12 cơ sở cung cấp cát tự nhiên và cát nhân tạo với khối lượng tiêu thụ khoảng gần 100.000 m3/năm. Con số này thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế.
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()