Khan hiếm kịch bản sân khấu: Vẫn “thừa yếu, thiếu hay”
Sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, đời sống văn học nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng khá sôi động với nhiều hoạt động. Một loạt cuộc thi, liên hoan, tuần lễ sân khấu được tổ chức, các Nhà hát thường xuyên đỏ đèn với kịch mục phong phú. Tuy nhiên, đằng sau sự sôi động ấy thì thực trạng khan hiếm kịch bản hay vẫn nan giải và chưa có hồi kết.
Một tác phẩm sân khấu thành công là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố. Trong đó, kịch bản được ví như yếu tố đầu tiên, là “bột” để “gột nên hồ” trong một tác phẩm hoàn chỉnh. Nhưng nhiều năm trở lại đây, một số đơn vị sân khấu trên địa bàn Hà Nội như Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát kịch Hà Nội, Nhà hát Tuổi trẻ… vẫn phải phục dựng lại các kịch bản nổi tiếng trước đó hoặc kịch bản nước ngoài. Để kỷ niệm 35 năm ngày mất của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, kịch mục tháng 8 năm 2023 của Nhà hát Kịch Việt Nam đều là những tác phẩm nổi tiếng của ông như “Bệnh sĩ”, “Người tốt nhà số 5”, “Nguồn sáng trong đời”, “Người trong cõi nhớ”. Tuy nhiên, trước đó, những vở diễn được Nhà hát chọn mang đến cho khán giả cũng đều là những vở đã từng thành công như “Đêm trắng”, “Kiều”, “Bão tố Trường Sa”, “Điều còn lại”, “Người trong cõi nhớ”, “Người yêu tôi là hoa hậu”, “Nghêu sò ốc hến”…
Kỷ niệm 45 năm thành lập, Nhà hát Tuổi Trẻ công diễn 3 tác phẩm “Trại hoa vàng”, “Sống mãi tuổi 17” và “Đời cười tuyển chọn”. Cùng những vở kinh điển thế giới như “Trưởng giả học làm sang”, “Romeo và Juliet”, “Othello”… Đây là những tác phẩm đã ghi dấu ấn trong lòng khán giả, tạo nên thương hiệu của Nhà hát Tuổi trẻ. Với “Mùa kịch Lưu Quang Vũ” đơn vị này cũng mang đến cho khán giả những tác phẩm như “Lời thề thứ 9”, “Ai là thủ phạm”, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”, “Ông không phải là bố tôi”… Gần đây nhất, trong Dự án “Mùa hè yêu thương” nhằm phục vụ khán giả nhí có sự góp mặt của kịch bản nước ngoài là “Chú mèo dạy hải âu bay”. Đơn vị đã phải mua bản quyền của nước ngoài thông qua sự giúp đỡ của Nhã Nam để vở diễn có thể đến với khán giả trong dịp hè. Tương tự, những đêm đỏ đèn tại Nhà hát kịch Hà Nội cũng là những vở diễn tiêu biểu của Nhà hát như “Trái tim người Hà Nội”, “Thúy Kiều – một kiếp đoạn trường”, “Làng song sinh”, “Mảnh đất lắm người nhiều ma”…
Sự thiếu vắng kịch bản sân khấu hay thể hiện rõ nhất ở các cuộc thi, liên hoan sân khấu gần đây. Tại “Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế” lần thứ 5 diễn ra đầu năm 2023 tại Hà Nội thì trong số 4 giải Vàng chỉ có duy nhất 1 kịch bản được viết mới là “Thượng Thiên Thánh Mẫu” (tác giả: Lê Thế Song và Xuân Hồng). Các kịch bản còn lại đều được viết lại, biên tập mới, hoặc viết từ trước của Lưu Quang Vũ, Nguyễn Huy Thiệp và Đặng Lợi. Tương tự, trong số 5 vở giải bạc chỉ có duy nhất vở “Lời thề” (kịch bản: Nguyễn Hiếu và Lê Chức) là viết mới.
Không chỉ thiếu vắng kịch bản mới, sân khấu còn khan hiếm kịch bản đề tài hiện đại. Tại “Liên hoan sân khấu Thủ đô” lần thứ V (năm 2022), trong số 13 vở thì các vở diễn lịch sử chiếm số lượng áp đảo. Thậm chí có những vở không gắn với Hà Nội vẫn tham gia như “Án tình”, “Thúy Kiều – Một kiếp đoạn trường”, “Mưa đỏ”… mà Ban tổ chức vẫn phải chấp nhận vì nếu không thì quá ít tác phẩm dự thi. Kịch bản hay đã khó, kịch bản hay về Hà Nội hiện đại còn khó kiếm hơn. Ở vai trò lãnh đạo đơn vị nghệ thuật, tại Hội thảo “Sân khấu với đề tài hiện đại” do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức (tháng 8/2022), NSND Trung Hiếu – Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội thấm thía nỗi vất vả khi chọn kịch bản: “Hàng năm Nhà hát Kịch Hà Nội nhận được không ít kịch bản của các nhà viết kịch, nhà văn. Nhưng để lựa chọn được một kịch bản phù hợp đưa vào nội dung dàn dựng là vô cùng khó khăn”.
Trăn trở với thực trạng sân khấu thiếu trầm trọng kịch bản hay, NSND Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho rằng kịch bản hay phụ thuộc vào tài năng của tác giả. “Hiện nay, có nhiều kịch bản nhưng nội dung vở diễn chưa sâu, tính cách nhân vật thiếu logic, thông điệp chưa rõ ràng. Tôi đồ rằng, nhiều tác giả mới chỉ đọc mạng, xem sách báo, hiểu vấn đề một cách hời hợt mà chưa thực sự sâu sát với cuộc sống. Để có những kịch bản phản ánh trúng vấn đề mà công chúng quan tâm, tác giả phải chịu khó xông xáo, lăn lộn với thực tế cuộc sống bằng bản lĩnh, trí tuệ và sự ấm áp của trái tim. Tôi rất tâm đắc với quan niệm “sống rồi hãy viết”. Nếu không sống nhiệt tình, không hiểu cặn kẽ, bản chất vấn đề thì chỉ có thể mang đến tác phẩm sáo rỗng. Sự trải nghiệm của tác giả sẽ giúp cho tác phẩm ngồn ngộn chất liệu đời sống” – NSND Thúy Mùi thẳng thắn.
Nhiều ý kiến cho rằng, sân khấu đã qua thời kỳ đỉnh cao bởi một thế hệ nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng như nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, nhà văn Xuân Trình, Anh Biên, Xuân Đức, Triệu Huấn đều đã ra đi. Một số tác giả còn sống nhưng tuổi đã cao. Đội ngũ sáng tác sân khấu thiếu nhiều yếu tố để tạo nên một tác giả thành danh, đặc biệt là phương pháp, kỹ năng và thủ pháp nghệ thuật biên kịch phù hợp với nhu cầu của các nhà hát hiện nay. Vì thế, sân khấu hiện nay thiếu vắng thế hệ kế cận xứng đáng. Tâm lý an toàn đã khiến các đơn vị nghệ thuật chọn phục dựng lại những kịch bản cũ hay kịch bản nước ngoài.
Đồng quan điểm về việc lâu nay, sân khấu chưa có được những tác phẩm xuất sắc, mang tầm thời đại, gây tiếng vang trong xã hội như giai đoạn trước đây, tuy nhiên, nhà viết kịch Lê Quý Hiền lại thận trọng: “Thế nào gọi là kịch bản hay? Theo tôi, mỗi lãnh đạo nhà hát, mỗi đối tượng khán giả sẽ quan niệm về sự hay khác nhau”. Với tư cách là tác giả kịch bản, ông cho rằng, xã hội hiện đại đặt ra nhiều vấn đề có thể đưa vào tác phẩm sân khấu nhưng không phải ai cũng biết viết vì kịch bản sân khấu có đặc thù riêng. Thế hệ cũ đã già, lớp trẻ đông đảo, nhiệt tình nhưng lại thiếu sự kiên nhẫn chỉn chu để đi đường dài với sân khấu. Một số tác giả trẻ thích gì viết nấy, không học hành bài bản, chưa nắm chắc đặc trưng thể loại nên kịch bản thiếu sự chặt chẽ, khó có thể dàn dựng.
Ngoài lý do chính dẫn đến việc thiếu kịch bản hay để đưa lên sân khấu là chất lượng kịch bản còn hạn chế, kịch bản tốt nhưng chưa phù hợp với định hướng nghệ thuật của đơn vị, yếu tố văn học, lịch sử còn hạn chế… Nhà viết kịch Lê Quý Hiền cũng phải thẳng thắn chỉ ra sân khấu vẫn còn tình trạng dựng vở vì nể nang, vì mối quan hệ, vì tác giả kịch bản có khả năng đầu tư… Đây là lý do khiến đôi khi có những kịch bản hay nhưng không được sử dụng bởi tác giả chưa nổi tiếng hoặc không có người “bảo lãnh”. Nên ông cho rằng, người đứng đầu đơn vị nghệ thuật phải có “con mắt xanh”, sự công tâm cũng như bản lĩnh để bảo vệ và tạo điều kiện cho những cây bút trẻ có cơ hội khẳng định mình. Nếu làm được như vậy thì công chúng không bao giờ quay lưng với sân khấu cả.
Hàng năm, Hội Nghệ sĩ sân khấu cũng như nhiều đơn vị đều tổ chức trại sáng tác, quy tụ tới vài chục người viết trên cả nước. Có những kịch bản được thực hiện chuyên nghiệp từ việc lên ý tưởng, đi thực tế, lập đề cương và được tạo điều kiện để tác giả tập trung sáng tác, nâng cao chất lượng tác phẩm. Năm 2022, Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã tiến hành trao giải thưởng cho các kịch bản xuất sắc. Tuy nhiên, số lượng các kịch bản được dàn dựng vẫn chiếm số lượng rất ít. Theo NSND Thúy Mùi, các tác phẩm không được dựng đa phần đều là những tác phẩm có thông điệp cũ kỹ, sáo rỗng, vốn văn chương nghèo nàn.
Ở góc độ đạo diễn, NSND Thúy Mùi chia sẻ, chị luôn ấn tượng với những tác phẩm mà trong đó có những điểm nhấn lấp lánh để đạo diễn có thể tiếp tục đồng sáng tạo. Còn theo nhà viết kịch Lê Quý Hiền: “Để nâng cao chất lượng kịch bản sân khấu cần sự đầu tư từ cơ sở cho những cây bút trẻ. Vừa rồi tôi có tham gia làm Ban giám khảo ở một số cuộc thi sân khấu chuyên và không chuyên. Tôi thấy tiếc vì một số tác phẩm có ý tưởng nhưng tác giả không biết cách hoàn thiện, nâng tầm. Nên chăng, các đơn vị chuyên môn nên thành lập câu lạc bộ để mỗi buổi sinh hoạt mọi người cùng thảo luận hoặc mời các chuyên gia, các nhà viết kịch chuyên nghiệp sửa chữa, góp ý. Vừa rồi, ở một trại sáng tác kịch bản sân khấu, Ban tổ chức ngẫu nhiên lấy ra vài kịch bản mọi người cùng đọc tham khảo, tôi thấy rất hiệu quả”.
Nguồn:https://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/khan-hiem-kich-ban-san-khau-van-thua-yeu-thieu-hay-i705939/
Ý kiến ()