Khẩn cấp ngăn chặn dịch cúm H7N9 xâm nhập vào Việt Nam
Trước tình trạng dịch cúm H7N9 đã áp sát biên giới nước ta, ngày 13/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có cuộc họp khẩn cấp với các cơ quan chức năng để tiến hành mọi biện pháp ngăn chặn không cho dịch cúm xâm nhập vào Việt Nam.
Tại cuộc họp, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo cấm nhập khẩu gia cầm dưới mọi hình thức. Hiện nay, tuy chưa phát hiện ca nhiễm cúm H7N9 nào tại Việt Nam, nhưng dịch cúm đã áp sát biên giới nước ta khi tại Quảng Tây (Trung Quốc) – tỉnh giáp ranh với 4 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta – đã phát hiện 3 ca nhiễm cúm H7N9. Do vậy, nguy cơ lây nhiễm sang Việt Nam là rất cao.
Ông Phạm Văn Đông nhấn mạnh: Cúm H7N9 lây truyền từ gia cầm sang người và có tỷ lệ tử vong rất cao, cơ chế lây truyền giống H5N1 và thường được phát hiện ở các điểm buôn bán gia cầm, điều kiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc kém. Trước tình hình này, để ngăn chặn dịch cúm gia cầm xâp nhập vào nước ta, chiều qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có cuộc họp khẩn với các ban ngành liên quan như: Bộ Tư lệnh Biên phòng, Bộ Công An, Bộ Công Thương… để phối hợp, nhằm không cho dịch cúm xâm nhập vào Việt Nam, đồng thời lên các phương án đối phó nếu dịch cúm xâm nhập.
Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nông thôn Cao Đức Phát nói: Virút H7N9 rất nguy hiểm, số lượng người nhiễm tăng nhanh và cứ 4 người nhiễm thì 1 người tử vong. Đồng thời, gia cầm nhiễm virút không có triệu chứng lâm sàng, không chết, nên chỉ biết nhiễm thông qua xét nghiệm và khi virút tích lũy nhiều sẽ lây sang người, điều này rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, virút còn lây lan bằng nhiều ngả, trên nhiều phương tiện, chim di trú… do vậy cần làm tốt công tác tiêu độc, khử trùng. Để phòng tránh dịch, Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo: “Cấm tuyệt đối nhập khẩu tất cả các loại gia cầm dưới mọi hình thức qua biên giới. Đây là việc khó nhưng tôi tin với cách làm quyết liệt, đồng lòng thì hoàn toàn có thể làm được”.
Bên cạnh đó, để đối phó với dịch cúm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng chủ động đề ra các giải pháp phòng chống dịch xâm nhập như: Ban chỉ đạo Quốc gia là đầu mối chỉ đạo đồng bộ, thường xuyên báo cáo và đề xuất cấp bách các chương trình phòng chống dịch. Định kỳ giao ban trực tuyến với cấp tỉnh, cập nhật thông tin, xây dựng kế hoạch để đối phó. Ngoài ra, do gia cầm nhiễm virút không có triệu chứng lâm sàng, nên cần chủ động lấy mẫu xét nghiệm, giám sát trên gia cầm. Đồng thời, nghiêm cấm buôn bán, vận chuyển gia cầm qua biên giới. Ngoài ra, cần tiến hành vệ sinh tiêu độc, khử trùng vùng biên giới các tỉnh phía Bắc, theo dõi, giám sát chặt chẽ vùng dịch cũng như tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống dịch của người dân, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()