Khẩn cấp bảo tồn nhà dài ở Tây Nguyên
Nhà dài của đồng bào Ê Ðê là một kiến trúc độc đáo, thể hiện nét đặc trưng trong đời sống sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng của người dân Tây Nguyên nói chung, Ðác Lắc nói riêng. Hiện ở Ðác Lắc chỉ còn 2.608 ngôi nhà dài truyền thống, chiếm khoảng gần 30% trong tổng số nhà của đồng bào Ê Ðê. Nhiều buôn làng như buôn Kô Sir, buôn Păn Lăm ở TP Buôn Ma Thuột... không còn ngôi nhà dài truyền thống nào.
Gìa làng Ama Loan, người đứng đầu buôn làng Akô Dhông cho biết: Những người cao tuổi ở trong buôn đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức họp buôn, làng, ai có nhu cầu làm nhà ở mới theo kiểu nhà người Kinh (không phải nhà dài truyền thống) thì phải làm sau các ngôi nhà dài truyền thống. Nếu hộ gia đình nào không chấp hành, buôn làng phạt và buộc phải tháo dỡ. Từ cách làm này, buôn Akô Dhông giữ được 53 ngôi nhà dài truyền thống của đồng bào Ê Ðê. Hiện nay, buôn Akô Dhông đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Theo quan niệm cổ truyền đồng bào Ê Ðê, nhà dài là nơi chung sống của đại gia đình theo chế độ mẫu hệ. Ngôi nhà thường xuyên được nối dài mỗi khi một thành viên nữ trong đại gia đình xây dựng gia thất. Người con trai lấy vợ sẽ đến ở nhà vợ và không có quyền hành gì. Thông thường ngôi nhà dài của đồng bào dân tộc Ê Ðê có từ bảy đến chín cặp vợ chồng chung sống. Trong ngôi nhà dài truyền thống, các giá trị điêu khắc, trang trí, tạo hình đều mô phỏng theo mô típ chế độ mẫu hệ, tín ngưỡng phồn thực.
Không gian nhà dài bố trí ghế Kpan ngồi đánh chiêng, bếp lửa sinh hoạt; bài trí các sản vật trên rừng, dưới nước thể hiện sự giàu có: chiêng, ché, sừng trâu, ba ba, kỳ đà, rau dớn… Nguyên vật liệu để dựng nên ngôi nhà dài truyền thống của đồng bào Ê Ðê chủ yếu bằng gỗ, tre, nứa, mái tranh. Kết cấu của nhà là cột kèo bằng gỗ tốt có độ bền cao. Nhà được thưng vách và lót sàn bằng phên nứa, mái lợp cỏ tranh, đỉnh mái cách sàn nhà khoảng 4 – 5m, lòng nhà rộng khoảng 4,5m – 5,5m, ngôi nhà được dựng theo hướng bắc – nam.
Bố cục nhà dài chia làm hai phần: nửa phía trước gọi là “Gah” chứa các vật dụng như: ghế chủ, ghế khách, bếp chủ, ghế dài Kpan, cồng chiêng và là nơi tiếp khách, sinh hoạt chung trong gia đình. Nửa phía sau là “Ôk”, đây là chỗ ở của các đôi vợ chồng, đặt bếp nấu ăn chung…
Cầu thang là niềm tự hào của gia đình và cộng đồng. Nó là vật có hình khối cân đối làm bằng gỗ, có các bậc thang được đẽo vát nối tiếp nhau từ dưới đất lên đến sàn nhà… Mặt phẳng của các bậc thang thường nghiêng về bên trong và số bậc thang bao giờ cũng mang số lẻ, vì đây là con số lý tưởng theo quan niệm của đồng bào Ê Ðê… Ðáng chú ý, mỗi ngôi nhà dài bao giờ cũng có hai cầu thang, một dành cho khách và một dành cho người nhà khi lên xuống.
Từ đầu thế kỷ 21 đến nay, do tốc độ đô thị hóa cùng vật liệu làm nhà dài ngày càng khan hiếm, cho nên đồng bào ở các buôn, làng ở Ðác Lắc đã chuyển từ nhà dài truyền thống bằng gỗ sang nhà dài bằng bê-tông cốt thép hay làm nhà trệt theo kiểu thiết kế nhà ở của người Kinh. Hiện nay, nhà văn hóa cộng đồng đầu tư xây dựng tại các buôn làng của đồng bào Ê Ðê cũng chỉ mô phỏng theo kiểu kiến trúc nhà dài sàn bê-tông, tường xây bằng gạch, cầu thang, cột nhà đều đổ bê-tông… Nhiều già làng cho rằng, tuy có chỗ sinh hoạt, dạy con cháu đánh cồng chiêng… nhưng các ngôi nhà dài kiểu mới này không có hồn cốt của ngôi nhà dài truyền thống bằng gỗ của đồng bào Ê Ðê.
Buôn Akô Dhông nằm ngay trung tâm TP Buôn Ma Thuột đã có cách bảo tồn các ngôi nhà dài truyền thống của đồng bào Ê Ðê khá độc đáo. Tuy nhiên, phần lớn các ngôi nhà dài truyền thống của đồng bào Ê Ðê đang ngày một xuống cấp. Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ðác Lắc nhìn nhận: Nếu mất nhà dài truyền thống, các phong tục tập quán, nghi lễ của đồng bào Ê Ðê như văn hóa cồng chiêng, uống rượu cần, kể khan, hát ay ray và nhiều sinh hoạt truyền thống tốt đẹp khác của cộng đồng cũng có khả năng mất đi. Vì vậy cần bảo tồn khẩn cấp các ngôi nhà dài của đồng bào Ê Ðê.
Buôn Akô Dhông được thành lập từ năm 1958, trước đây cả buôn có nhiều nhà dài, đêm đến cả làng cùng nhau tụ họp quây quần bên bếp lửa vừa đánh cồng chiêng, vừa kể khan. Mấy năm trở lại đây, nhiều ngôi nhà dài xuống cấp, người dân trong buôn không giữ được phải phá bỏ. Già làng ở đây quan niệm, nhà dài là máu thịt của dân tộc Ê Ðê mình, chỉ có giữ lại nhà dài thì văn hóa truyền thống của dân tộc mình mới không bị mai một. Còn nhà dài thì còn ghế Kpan, còn cồng chiêng và không gian sinh hoạt nghi lễ của buôn, làng. Nỗi lo của già làng là nỗi lo chung của những người cao tuổi trong buôn.
Nhiều người dân trong buôn ra sức tìm mọi cách để giữ lại nếp nhà dài truyền thống của tổ tiên. Ðể có kinh phí tu sửa nhà dài, một số hộ như gia đình ông Ama Loan, Ama Tít… đã chuyển nhà dài sang làm dịch vụ du lịch. Ông Ama Tít, chủ nhân của ngôi nhà dài gần 30 tuổi cho biết: Thu nhập từ dịch vụ kinh doanh du lịch nhà dài không được là bao. Ðể bảo tồn nhà dài, TP Buôn Ma Thuột đã nỗ lực tuyên truyền vận động các hộ gia đình nâng cao ý thức lưu giữ giá trị nhà dài truyền thống và đang cố gắng tìm các nguồn kinh phí để hỗ trợ cho bà con. Việc sớm có biện pháp giữ gìn, bảo tồn kiến trúc giá trị văn hóa nhà dài của đồng bào Ê Ðê là việc làm cấp thiết, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()