Khám phá những kho tàng mỹ thuật ẩn giấu
Triển lãm “Phan Kế An-Kho tàng ẩn giấu” đang diễn ra tại Viện Pháp, Hà Nội (L’Espace 24 Tràng Tiền), trước đó là Không gian trưng bày mỹ thuật đương đại được mở cửa tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội)… đang giúp công chúng có những khám phá thú vị kho tàng mỹ thuật Việt Nam.
Cơ hội cho công chúng và nhà sưu tầm
“Phan Kế An-Kho tàng ẩn giấu”-đúng tựa với cái tên triển lãm mà con gái của cố họa sĩ Phan Kế An-Phan Mai Thanh Thúy, ê kíp tuyển chọn và đơn vị tổ chức là Viện Pháp Hà Nội dày công thực hiện để đưa đến công chúng những điều mới lạ, hấp dẫn về tài năng của cây đại thụ làng hội họa Việt Nam. Loạt tác phẩm trưng bày tại triển lãm chưa từng công bố của cố họa sĩ Phan Kế An hé lộ nhiều điều bất ngờ về hành trình sáng tác và cuộc sống nghệ thuật của ông giai đoạn 1945-1960.
Nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa cho biết, khá thích thú với những bức tranh về chủ đề thiếu nữ của danh họa: “Cũng là các cô gái mẫu, nhưng xem tranh của các họa sĩ đương đại thể hiện rất hiện đại, vẻ đẹp nhìn thoáng qua chứ không để lại ấn tượng. Còn thiếu nữ trong tranh của họa sĩ Phan Kế An càng ngắm càng hấp dẫn bởi nét dịu dàng, truyền thống, thể hiện sự trong veo của các thiếu nữ ở những giai đoạn trước”.
Triển lãm “Phan Kế An-Kho tàng ẩn giấu” với các tác phẩm lần đầu công bố thu hút sự quan tâm của công chúng. |
Họa sĩ Bằng Lâm cho rằng, triển lãm tranh của cố họa sĩ Phan Kế An có rất nhiều ý nghĩa. Bởi có rất nhiều họa sĩ, ngay cả bản thân ông cũng có rất nhiều bức tranh muốn được tổ chức nhưng không có cơ hội và điều kiện. “Tôi được chiêm ngưỡng khá nhiều tác phẩm của họa sĩ Phan Kế An, một trong những tên tuổi nổi bật của mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20 với những tác phẩm lớn thể loại tranh sơn dầu, sơn mài như: “Bác Hồ làm việc ở lán Nà Lừa”, “Nhớ một chiều Tây Bắc”, “Những đồi cọ”, “Hà Nội tháng 12 năm 1972”… được coi là di sản của mỹ thuật Việt Nam. Đến triển lãm này thấy khá bất ngờ ở góc trưng bày “Ký họa vui”, ông ký họa chân dung các tên tuổi của nền văn chương, nghệ thuật Việt Nam với cái tên Phan Kích; rồi cả những tác phẩm thể hiện sự nghiêm cẩn, đa tài trong nghiên cứu lịch sử, khoa học hội họa của ông. Nên có nhiều triển lãm như thế này để công chúng và người sưu tập tranh so sánh và nâng cao thẩm mỹ”, họa sĩ Bằng Lâm cho hay.
Hành trình mới cho tác phẩm hội họa
Họa sĩ Vũ Đỗ, giám tuyển và là người trực tiếp phục dựng, làm cầu nối giữa gia đình cố họa sĩ Phan Kế An với Viện Pháp Hà Nội tổ chức triển lãm, cho biết: “Điểm đặc biệt trong triển lãm tranh của cố họa sĩ Phan Kế An là những tác phẩm dang dở, chưa hoàn thiện nhưng không vì thế mà mất đi giá trị. Bản thân chúng như là nhân chứng của lịch sử, chứa đựng câu chuyện, kỷ niệm riêng của người họa sĩ. Những bức tranh này phản ánh quá trình làm việc, những trăn trở, suy nghĩ, thậm chí là sự thất vọng trong hành trình sáng tác gian khổ của một người nghệ sĩ, đồng thời hé lộ nhiều manh mối, câu chuyện về cuộc đời sáng tác của ông. Từ việc phục dựng những tác phẩm của họa sĩ mở ra cho chúng tôi một hành trình mới. Chắc chắn chúng tôi sẽ tiếp tục khám phá nhiều kho tàng mỹ thuật của các họa sĩ khác, mang đến cho công chúng những cái nhìn đa chiều, phong phú của nền hội họa nước nhà. Chúng tôi rất mong nhận được sự ủng hộ của các họa sĩ, gia đình họa sĩ cũng như các bảo tàng, trung tâm triển lãm”.
Theo nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa, có khá nhiều họa sĩ tên tuổi còn ẩn giấu nhiều tác phẩm quý. Tuy nhiên tùy từng gia đình, nếu có người theo truyền thống hội họa sẽ giữ lại những tác phẩm “đinh”, không có điều kiện hoặc đi theo nghệ thuật họ sẽ bán, đây là điều đáng tiếc cho mỹ thuật Việt Nam. Bên cạnh đó, việc trưng bày triển lãm phát huy giá trị di sản văn hóa mỹ thuật thời gian qua còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa thực sự đáp ứng, thỏa mãn yêu cầu thưởng thức của công chúng. Chính vì thế, rất cần sự chung tay giúp sức của các bảo tàng, tổ chức đối với kho tàng mỹ thuật của các họa sĩ.
Đến với không gian trưng bày mỹ thuật đương đại được mở cửa tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với 65 tác phẩm thuộc các thể loại hội họa, đồ họa, điêu khắc… từ năm 1986 đến nay lại giúp công chúng có cái nhìn toàn diện hơn về nền mỹ thuật Việt Nam đương đại. Đặc biệt, phần trưng bày được cập nhật lên ứng dụng thuyết minh đa phương tiện (iMuseum VFA) để hỗ trợ khách tham quan trực tiếp và trực tuyến. Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, từ sau năm 1986, bầu không khí đổi mới đã thổi một luồng gió mới, tạo thêm sinh khí và cảm hứng sáng tạo nghệ thuật cho các họa sĩ, nhà điêu khắc. Nhiều khuynh hướng, tư duy sáng tác mới từ bên ngoài được các nghệ sĩ tiếp nhận nhanh chóng, có chọn lọc, từng bước tô đậm thêm cho diện mạo nền mỹ thuật Việt Nam-một nền mỹ thuật giàu truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc, mang hơi thở của thời đại. Bảo tàng thực hiện không gian trưng bày nhằm mang đến những góc nhìn đa chiều cũng như tạo cơ hội cho công chúng thưởng ngoạn kho tàng mỹ thuật đặc sắc của Việt Nam.
Ông Nguyễn Anh Minh khẳng định, phát huy giá trị hiện vật luôn là ưu tiên hàng đầu của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Từ Không gian trưng bày mỹ thuật đương đại, bảo tàng đã tạo tiền đề cho sự khai mở một khuynh hướng trưng bày mới, tiếp tục nghiên cứu khai thác thêm các không gian trưng bày nhằm hướng đến phục vụ công chúng, như: Không gian trưng bày sưu tập tranh cổ động Việt Nam; không gian trải nghiệm dành cho học sinh…
Ý kiến ()