Khám phá Di sản Phi vật thể Quốc gia Lễ Xên đông của người Thái Nghĩa Lộ
Cứ đến ngày 12 tháng Giêng âm lịch hằng năm là người Thái tổ chức Lễ hội Xên đông - cúng rừng để tưởng nhớ tiên tổ, đồng thời cầu mong các vị thần linh phù hộ cho bản làng bình an, ấm no, hạnh phúc.
Lễ Xên đông (trong tiếng Thái "xên” có nghĩa là cúng, "đông” có nghĩa là rừng, "xên đông” tức là cúng rừng) là một trong những tập quán xã hội và tín ngưỡng khá điển hình của đồng bào Thái ở khu vực miền Tây tỉnh Yên Bái.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký Quyết định số 2319/QĐ-BVHTTDL ngày 9/8/2024 về việc công bố Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia đối với Lễ Xên đông (cúng rừng) của người Thái ở Nghĩa Lộ ở loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng.
Theo Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Yên Bái, Lễ Xên đông (cúng rừng) có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của tộc người Thái. Trong tâm thức của mỗi người, ai cũng nhận biết được tầm quan trọng của rừng đối với đời sống hằng ngày. Rừng chính là nơi bảo vệ cho bản mường luôn mát lành, đem lại cuộc sống ấm no, mùa màng tươi tốt, cung cấp những nguồn nước sạch cho đồng bào, cung cấp cho con người những sản vật quý. Rừng đã góp phần nuôi sống con người và đến khi theo quy luật của tạo hóa, mỗi người qua đời, rừng lại đón về ấp ủ như người mẹ.
Với người Thái, giữ rừng đầu nguồn, rừng thiêng đã thành lệ của bản mường. Từ đời này sang đời khác, người Thái truyền nhau câu ca "Tai pá phăng, nhăng pá liệng" có nghĩa là "Sống rừng nuôi, chết rừng chôn." Vì vậy, việc bảo vệ rừng, đặc biệt là những khu rừng đầu nguồn là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người, đến nay việc bảo vệ rừng đã trở thành lệ của bản mường.
Người Thái nơi đây, từ thế hệ cha ông đến nay vẫn luôn nhắc nhau: "Giữ rừng cho muôn đời phát triển, để cho muôn mó nước tuôn trào," đồng bào quan niệm ai nhớ được câu ấy thì mới thành người.
Theo các bậc cao niên, ngày xưa, ở vùng đất Mường Lò còn hoang vu, núi rừng rậm rạp. Đời sống người dân cực khổ, làm quanh năm, ngày tháng mà vẫn không đủ ăn, họ chỉ biết trồng lúa ở ven bờ suối nhưng toàn bị con sâu, con bọ ăn hết cây lúa, hạn hán mất mùa quanh năm. Lên rừng thì không thể kiếm sống bởi đồng bào quan niệm rừng chỉ có cây cối rậm rạp, là nơi ẩn nấp của các loài thú dữ.
Bỗng dưng một ngày, xuất hiện đôi vợ chồng từ Tây Tạng xuống khai thác tại các chân rừng để làm thành ruộng, thành nương. Lúc bấy giờ, nhiều người dân cũng lên làm ăn, sinh sống cùng họ. Sau một vài năm, cuộc sống của người dân khấm khá hơn trước, không bị đói, bị rét như xưa. Họ đã có nhà để trú mưa, ruộng nương ngày càng tươi tốt.
Sau khi đôi vợ chồng chết đi, đúng vào năm đó, ruộng nương dân làng bỗng nhiên bị sâu bọ ăn hết, cả làng đều mất mùa. Người dân quan niệm, người khai phá ra những mảnh ruộng, mảnh nương chết đi thì ruộng nương cũng chết theo.
Để cảm tạ công ơn người đã khai phá ra những mảnh ruộng, nương, nhân dân đã mang lễ vật, những của cải làm ra để đem cúng lễ cho đôi vợ chồng và dâng những lễ vật đó lên các thần thánh để cầu mong các thần phù hộ. Từ năm đó, ruộng nương bỗng trở lại tươi tốt, đời sống người dân no đủ. Trong tâm thức của người dân lúc này đã hiện lên các vị thần linh cứu giúp nhân dân.
Cũng từ đây, cứ vào ngày giỗ của đôi vợ chồng, họ lại tổ chức lễ cúng tại khu rừng thiêng để cảm tạ công ơn của đôi vợ chồng, cảm tạ thần rừng đã đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Tục này được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đến nay đã trở thành lệ của bản mường. Cứ đến ngày 12 tháng Giêng âm lịch hằng năm là người Thái tổ chức Lễ hội Xên đông - cúng rừng để tưởng nhớ tiên tổ, đồng thời cầu mong các vị thần linh phù hộ cho bản làng bình an, ấm no, hạnh phúc.
Lễ Xên đông được bắt đầu bằng nghi thức cúng rừng, được tổ chức dưới gốc một cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Người dân thường mổ trâu làm ba mâm lễ cúng tế thần linh. Ba thầy mo phụ trách ba mâm cúng tế sẽ mời người đại diện cho nhân dân trong xã uống chén rượu đoàn kết.
Buổi cúng Lễ Xên đông giống như một cuộc trao đổi, chuyện trò giữa ba thầy mo và các vị thần rừng để các vị thần chứng giám lòng thành kính của người dân, ban cho một năm mới mưa thuận gió hòa, ấm no, hạnh phúc.
Khi phần lễ cúng rừng kết thúc, tất cả mọi người cùng nhau về bản Viềng Công làm lễ cúng thành lũy Viềng Công - nơi gắn với truyền thuyết kể về người anh hùng Cầm Hánh - một người Thái trong vùng đã cùng nhân dân đánh giặc cờ vàng phương Bắc bảo vệ bản mường từ thế kỷ 19.
Cuối cùng, thầy mo và các thành phần tham dự lễ cúng sẽ làm lễ cúng tổ tiên bản mường tại gia đình của người có chức vụ to nhất trong xã để báo cáo đã hoàn tất các thủ tục nghi lễ của bản mường và xin được phù hộ cho dân bản năm mới mọi điều tốt lành, mùa màng bội thu.
Phần lễ kết thúc là đến phần hội với các hình thức nghệ thuật trình diễn dân gian như: múa xòe, hát khắp, nhảy sạp, biểu diễn nhạc cụ và các trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào Thái vùng Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ.
Lễ hội Xên đông là một nghi lễ mang đậm dấu ấn tín ngưỡng văn minh nông nghiệp, tuy quy mô nhỏ, ngắn gọn nhưng có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện những nét đặc trưng trong đời sống người Thái.
Nghi lễ thể hiện quan niệm của cộng đồng về thế giới tâm linh, những đặc điểm tôn giáo-tín ngưỡng của tộc người cũng như các giá trị văn hóa văn nghệ, những phong tục tập quán của cộng đồng./.
Trong số các Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia mới được bổ sung, có các lễ hội truyền thống như Lễ hội giã cốm của người Tày, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang), Lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai (xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang), Lễ hội Đền Tiên La (xã Đức Giang, huyện Yên Dũng, Bắc Giang), Lễ hội Gầu tào của người Mông (các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, Yên Bái). Ở loại hình Nghề thủ công truyền thống, có Nghề làm nhang (tỉnh Tây Ninh), Nghề làm chiếu Cà Hom của người Khmer (xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, Trà Vinh), Nghề làm gốm ở Sa Huỳnh (xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi), Nghề dệt thổ cẩm của người Mường (các xã Kim Thượng, Xuân Đài, huyện Tân Sơn, Phú Thọ), nghề ướp trà sen Quảng An (phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội). Ở loại hình Tri thức dân gian, có Phở Hà Nội, Phở Nam Định, Mỳ Quảng (Quảng Nam), Tri thức may, mặc áo dài Huế (Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế), Nghệ thuật trang trí cây nêu của người Co (huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi). Ở loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng, có Lễ Xên đông (Cúng rừng) của người Thái (thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái) và Nghi lễ Tết Xíp xí của người Thái trắng (huyện Quỳnh Nhai, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La). Ở loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian, có Ru ún (hát ru) của người Mường (huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa). |
Ý kiến ()