Khám, chữa bệnh từ xa: Người dân được thụ hưởng những dịch vụ y tế tốt nhất
(LSO) – Đề án Khám, chữa bệnh (KCB) từ xa (Telehealth) của Bộ Y tế đang bước đầu triển khai tại các cơ sở khám bệnh trên địa bàn tỉnh không chỉ giúp tăng cường năng lực chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới, giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên mà còn đáp ứng nhiệm vụ KCB cho người dân được tốt hơn.
Thực hiện Đề án KCB từ xa giai đoạn 2020 – 2025 của Bộ Y tế, Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn rà soát, đăng ký nhu cầu tham gia đề án. Qua đó, 14 đơn vị (4 bệnh viện tuyến tỉnh, 10 trung tâm y tế huyện) đăng ký tham gia và bước đầu thực hiện kết nối với các bệnh viện tuyến Trung ương như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện K… để từng bước nâng cao chất lượng KCB.
Từ tháng 7/2020 đến nay, các đơn vị trên địa bàn đã tham gia dự thính KCB từ xa được hơn 20 cuộc để học tập kinh nghiệm, phương pháp điều trị các trường hợp cụ thể do chuyên gia bệnh viện tuyến trung ương tham gia hội chẩn, hướng dẫn điều trị. Đồng thời tổ chức hội chẩn 1 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện trên địa bàn.
Cán bộ, y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện hội chẩn, tư vấn khám chữa bệnh từ xa với Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội
Bệnh viện Đa khoa tỉnh (BVĐK) là đơn vị đầu tiên triển khai KCB từ xa và đã thực hiện hội chẩn với các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Bác sĩ Đặng Huy Du, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết: Ngày 9/9/2020, đơn vị tham gia KCB, hội chẩn từ xa với Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) về trường hợp bệnh nhân nữ, 35 tuổi ở thành phố Lạng Sơn. Sau khi nghe báo cáo bệnh án trực tuyến, các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai chẩn đoán bệnh nhân bị viêm não, màng não, tăng huyết áp. Đồng thời đưa ra nguyên nhân, hướng điều trị tiếp theo đối với bệnh nhân. Hiện tại, bệnh nhân đang được điều trị tại Khoa Phục hồi chức năng, BVĐK tỉnh, 2 tay đã tự cầm, nắm và 2 chân đã cử động được, sức khỏe tiến triển tốt.
Mặc dù thực hiện chưa lâu song việc kết nối, KCB từ xa đã kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các bệnh viện trong quá trình khám, điều trị cho bệnh nhân. Đặc biệt, qua hình thức này, các bác sĩ viện có thể dễ dàng trao đổi kiến thức, phương pháp KCB, từ đó đưa ra phương án chữa trị hiệu quả, giảm chi phí đi lại và điều trị bệnh ở tuyến trên cho bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Thế Độ, Giám đốc Trung tâm Y tế Hữu Lũng cho biết: Thực hiện Đề án KCB từ xa, đơn vị đã kết nối với Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Nếu như trước đây, để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị bởi các bác sĩ tuyến trên, người bệnh phải chuyển viện với nhiều vấn đề phát sinh như: chi phí đi lại, chăm sóc, khoảng cách địa lý… Với sự phát triển của ngành y tế, KCB từ xã giúp người bệnh có thể được điều trị bởi các chuyên gia hàng đầu.
Hệ thống Telehealth được Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel) phát triển với sự hỗ trợ của các công nghệ truyền dẫn, lưu trữ và hệ thống trí tuệ nhân tạo AI. Tháng 6/2020, Viettel Lạng Sơn triển khai kết nối hệ thống Telehealth cho các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh. Ông Trần Văn Khuê, Trưởng Phòng Khách hàng, doanh nghiệp, Viettel Lạng Sơn cho biết: Đến tháng 10/2020, chúng tôi đã cơ bản triển khai kết nối hệ thống tại 14 bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, chất lượng hạ tầng, phần mềm đã được nâng cấp, đảm bảo phục vụ việc kết nối giữa bệnh viện cơ sở đối với các bệnh viện tuyến Trung ương. Viettel Lạng Sơn đã xây dựng xong phương án, kế hoạch cho việc triển khai Telehealth kết nối với trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Ngọc Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Sở đang tích cực xây dựng Đề án KCB từ xa trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025 để trình UBND tỉnh phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, đề án sẽ đánh dấu một bước tiến mới trong việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát huy thế mạnh về phát triển kỹ thuật y học cho các bệnh viện của tỉnh. Đây cũng được coi là bước đi đầu tiên trong ứng dụng công nghệ cao để chẩn đoán, KCB từ xa tại các bệnh viện, đem lại những điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân.
Hệ thống Telehealth được Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel) phát triển với sự hỗ trợ của các công nghệ truyền dẫn, lưu trữ và hệ thống trí tuệ nhân tạo AI. Tháng 6/2020, Viettel Lạng Sơn triển khai kết nối hệ thống Telehealth cho các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh. |
Ý kiến ()