Tư vấn khám chữa bệnh từ xa: Nâng tay nghề cho bác sĩ tuyến dưới
- Với đặc thù địa hình miền núi, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, việc triển khai hệ thống khám chữa bệnh từ xa không chỉ giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao mà còn tạo điều kiện để đội ngũ bác sĩ tuyến dưới nâng cao trình độ chuyên môn.

Ngày 13/3/2025, Bệnh viện Đa khoa tỉnh sử dụng hệ thống khám chữa bệnh từ xa tham gia chương trình “Tư vấn khám chữa bệnh từ xa” của Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Trong chương trình, các chuyên gia của Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã tư vấn chi tiết về những trường hợp sản phụ tắc mạch ối, cách xử trí, cấp cứu bệnh nhân, việc thực hiện một số xét nghiệm phục vụ chẩn đoán và điều trị, liều lượng sử dụng các loại thuốc phù hợp trên bệnh nhân… Qua tư vấn, các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân, từ đó nâng cao trình độ cấp cứu, xử trí, cứu sống các sản phụ tắc mạch ối có diễn biến nhanh và nặng.
Bác sĩ Đặng Huy Du, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Tính từ năm 2021 đến nay, bệnh viện đã tham gia tư vấn khám chữa bệnh từ xa, hội chẩn 38 ca bệnh trực tuyến với Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện K, Bệnh viện Nhi Trung ương… Đồng thời chủ trì, tổ chức các buổi hội chẩn, tư vấn khám chữa bệnh từ xa 52 ca bệnh cấp cứu, ca bệnh khó của các bệnh viện tuyến huyện. Các ca bệnh khó được kết nối trực tiếp giữa các bác sĩ tuyến tỉnh và tuyến huyện, với sự tham gia của chuyên gia đầu ngành từ trung ương để cùng trao đổi và đưa ra phương án điều trị tối ưu. Chúng tôi nhận thấy khám chữa bệnh từ xa là một hình thức đào tạo hiệu quả cho bác sĩ tuyến dưới. Thay vì phải về Hà Nội học các lớp ngắn hạn, giờ đây các bác sĩ ở huyện có thể học ngay tại bệnh viện qua từng ca bệnh thực tế.
Từ năm 2024 đến nay, các bệnh viện trên địa bàn tổ chức được 197 buổi hội chẩn tư vấn khám chữa bệnh từ xa (riêng năm 2024 là 193 buổi, tăng 114 buổi so với năm 2023) cho trên 200 lượt bệnh nhân với 115 lượt cơ sở y tế, trên 700 lượt nhân viên y tế tham dự.
|
Cùng với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, việc tư vấn khám chữa bệnh từ xa được triển khai tại 14/14 bệnh viện tuyến tỉnh và huyện từ năm 2020 đến nay đã cho thấy hiệu quả thực tế trong việc kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các bệnh viện trong quá trình khám, điều trị cho bệnh nhân. Đặc biệt, qua hình thức này, các bác sĩ tuyến dưới có thể dễ dàng trao đổi kiến thức, phương pháp KCB, xin ý kiến các chuyên gia tuyến trên, từ đó đưa ra phương án chữa trị hiệu quả.
Bác sĩ Hoàng Văn Nội, Trưởng Khoa Ngoại – Phẫu thuật, Gây mê, Hồi sức, Trung tâm Y tế huyện Lộc Bình cho biết: Trước đây khi gặp các ca bệnh phức tạp, thường phải chuyển tuyến và chỉ được biết kết quả điều trị sau đó. Tuy nhiên, từ khi tham gia hệ thống khám chữa bệnh từ xa, tôi không chỉ được học cách chẩn đoán mà còn tự tin đưa ra hướng xử trí tại chỗ. Ban đầu tôi hơi lo lắng khi phải trình bày trước các bác sĩ ở bệnh viện tuyến trên, nhưng dần dần nhờ được hướng dẫn tận tình, tôi đã rút ra nhiều kinh nghiệm. Có những ca bệnh tôi từng nghĩ là bắt buộc chuyển tuyến thì nay đã có thể điều trị thành công ngay tại huyện. Các bác sĩ trong khoa được nâng cao trình độ, tự tin triển khai hội chẩn từ xa, tư vấn cho các trạm y tế tuyến xã khi có ca bệnh khó.
Từ năm 2024 đến nay, các bệnh viện trên địa bàn tổ chức được 197 buổi hội chẩn tư vấn khám chữa bệnh từ xa (riêng năm 2024 là 193 buổi, tăng 114 buổi so với năm 2023) cho trên 200 lượt bệnh nhân với 115 lượt cơ sở y tế, trên 700 lượt nhân viên y tế tham dự.
Bà Hoàng Thị Sâm, xã Tân Liên, huyện Cao Lộc từng bị tai biến nhẹ nhưng được theo dõi và điều trị hiệu quả ngay tại tuyến huyện nhờ hội chẩn từ xa. Bà Sâm bộc bạch: Bây giờ ở bệnh viện huyện khám bệnh rất cẩn thận, chẩn đoán chính xác, điều trị hiệu quả. Trước đây bệnh gì cũng phải lên tuyến tỉnh khám, giờ yên tâm hơn nhiều vì bác sĩ ở đây được các chuyên gia y tế ở bệnh viện lớn hướng dẫn qua màn hình.
Như vậy, tư vấn khám chữa bệnh từ xa không chỉ là một giải pháp mang tính tình thế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 trước đây, mà đang dần trở thành một phần trong hệ thống y tế thông minh của Lạng Sơn, giúp người dân được hưởng thụ dịch vụ y tế chất lượng cao và tạo môi trường để đào tạo liên tục cho cán bộ y tế tuyến cơ sở, hướng tới mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn diện và hiệu quả cho người dân tại cộng đồng.
Thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục đầu tư hạ tầng, nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin và chuyên môn cho đội ngũ bác sĩ, nhất là ở các huyện vùng cao, biên giới đồng thời mở rộng phạm vi kết nối đến các trạm y tế xã, tăng cường đào tạo về ứng dụng công nghệ và chuẩn hóa quy trình hội chẩn từ xa.

Ý kiến ()