Khám bệnh từ xa - giải pháp hữu hiệu chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Mô hình khám chữa bệnh từ xa đã góp phần lấp đầy khoảng trống hiện nay trong công tác chăm sóc ban đầu cho người dân tại các trạm y tế; nhất là nhu cầu chăm sóc tại nhà cho người cao tuổi.
Dịch COVID-19 xảy ra khiến nhiều người dân lo ngại đến những nơi đông người, trong đó có các bệnh viện.
Từ đó, nhu cầu được khám bệnh, chăm sóc sức khỏe tại nhà ngày càng trở nên cấp thiết. Mới đây, Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh , đã triển khai thí điểm mô hình khám, chữa bệnh tại nhà trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin (telemedicine).
Ở nhà vẫn được khám bệnh
Bà Lê Thị Yến (75 tuổi, ngụ Phường 16, quận Gò Vấp) bị bệnh tiểu đường và trước đây vẫn đều đặn đến Bệnh viện quận Gò Vấp tái khám 2 tuần 1 lần. Tuy nhiên, vài năm gần đây bà xin chuyển về Trạm y tế Phường 16, quận Gò Vấp, để theo dõi sức khỏe do mắc thêm bệnh đau khớp gối, đi lại khó khăn.
Từ khi dịch COVID-19 xảy ra, nghe tin Trạm y tế Phường 16, quận Gò Vấp, có thí điểm khám bệnh từ xa, bà đăng ký và may mắn được các bác sỹ ưu tiên lựa chọn sử dụng dịch vụ này.
Theo đó, cứ mỗi tháng 1 lần, một điều dưỡng viên của Trạm y tế đến tận nhà thăm khám, đo huyết áp, đo đường huyết, kiểm tra việc sử dụng đơn thuốc cũ, hỏi thăm tình hình sức khỏe… Sau đó, bà Yến được kết nối trực tuyến với bác sỹ Nguyễn Thị Thương, Trạm trưởng Trạm Y tế Phường 16, quận Gò Vấp thông qua máy tính bảng.
Tại những cuộc nói chuyện này, bác sỹ Thương nắm được diễn tiến sức khỏe trong từng thời điểm của bà Yến, kết hợp với báo cáo của điều dưỡng viên để cho y lệnh và đơn thuốc. Thuốc được chuyển đến tận nhà cho bà Yến hoặc người nhà của bà Yến đến trạm y tế lấy ngay trong ngày. “Tôi già rồi, mỗi lần đi khám bệnh khổ cực quá, nhưng nếu không đi thì bệnh càng nặng hơn. Giờ có dịch vụ khám từ xa này thật sự tiện lợi,” bà Yến chia sẻ.
Mô hình khám, chữa bệnh tại nhà trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin là mô hình khám, chữa bệnh từ xa do Trung tâm Y tế quận Gò Vấp triển khai thí điểm tại một số trạm y tế phường trên địa bàn. Thay vì người dân phải đến trạm y tế hoặc bệnh viện quận khám bệnh thì một điều dưỡng được cử đến nhà, thực hiện các công đoạn đo huyết áp, thử đường huyết… Sau đó, bệnh nhân kết nối trực tuyến với trạm y tế thông qua hệ thống telemedicine để được bác sỹ của trạm thăm khám, tư vấn và chỉ định đơn thuốc.
Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp hội chẩn từ xa với bác sỹ Bệnh viện quận Gò Vấp.
Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp cho biết, mô hình khám bệnh từ xa đã có ý tưởng từ lâu nhưng đến tháng 10/2019, đơn vị này mới quyết định đầu tư hệ thống telemedicine ở 4 điểm cầu để thực hiện hội chẩn trực tuyến giữa tuyến trên – tuyến dưới, giữa các trạm y tế với phòng khám đa khoa và giữa trạm y tế với người dân, nhằm tăng niềm tin của người bệnh và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại trạm y tế.
“Khi có hệ thống telemedicine thì cũng là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, chúng tôi nhận thấy nhu cầu khám chữa bệnh từ xa của người dân là rất bức thiết, nhất là đối với những người lớn tuổi mắc bệnh mạn tính và đi lại khó khăn. Nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng, từ tháng 3/2020, chúng tôi bắt đầu vận hành mô hình khám chữa bệnh từ xa thông qua hệ thống telemedicine cho người dân trên địa bàn với các điểm cầu đặt tại các trạm y tế: Phường 16, Phường 8, Phường 12 và Phòng khám đa khoa Nguyễn Thái Sơn,” bác sỹ Hòa cho hay.
Nhận xét ưu điểm của hệ thống telemedicine trong khám chữa bệnh cho người cao tuổi, bác sỹ Nguyễn Thị Thương, Trạm trưởng Trạm Y tế Phường 16, quận Gò Vấp, cho biết Phường 16 hiện có 1.052 người trên 80 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay Trạm Y tế mới chỉ quản lý sức khoẻ cho khoảng 20% người cao tuổi.
“Được khám và chăm sóc sức khỏe tại nhà là mong muốn thật sự của người dân, nhất là những người mắc các bệnh không lây như tăng huyết áp, tiểu đường, người bệnh lớn tuổi đi lại khó khăn. Trong khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội do dịch COVID-19 vừa qua, nhiều người dân e ngại khi phải đi đến bệnh viện để khám bệnh do sợ bệnh lây lan, hệ thống telemedicine đã giải quyết được vấn đề này. Nhờ đó, việc khám chữa bệnh, quản lý sức khỏe đối với người cao tuổi cũng được kiểm soát chặt chẽ hơn,” bác sỹ Thương cho hay.
Mô hình cần nhân rộng
Sau 3 tháng triển khai, mô hình đã đạt được những kết quả ấn tượng. Theo Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Trung Hòa, chỉ trong 3 tháng đầu thực hiện mô hình, 4 điểm cầu đã kết nối và khám bệnh thông qua hệ thống telemedicine cho gần 800 lượt bệnh nhân. Được hưởng lợi nhất chính là những người dân khi họ không mất chi phí đi lại, đưa đón, không cần phải chờ đợi lâu.
Với trường hợp của gia đình bà Hồ Mỹ Ngọc (ngụ Phường 16, quận Gò Vấp), đây là “cứu cánh” khi trong nhà bà Ngọc có đến 2 người bệnh lớn tuổi cần tái khám thường xuyên.
“Trước đây, mỗi lần chồng tôi và chị chồng đi tái khám là một lần tốn kém tiền thuê xe taxi vì cả hai đều không thể tự di chuyển được. Khi được các bác sỹ đến tận nhà khám bệnh, lấy mẫu xét nghiệm, đo đường huyết, cho đơn thuốc… chúng tôi mừng lắm,” bà Ngọc chia sẻ.
Đặc biệt, Trung tâm Y tế quận Gò Vấp còn phối hợp với Bệnh viện quận Gò Vấp cho phép các bác sỹ của các trạm y tế phường kết nối với bác sỹ bệnh viện quận. “Việc kết nối được thực hiện khi cần có sự trao đổi kinh nghiệm về một số trường hợp bệnh nhân cụ thể mà trước đây đã được bác sỹ của bệnh viện trực tiếp điều trị hoặc hỗ trợ chuyển viện cấp cứu khi phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu nặng cần nhập viện cấp cứu ngay. Ngoài ra, chúng tôi còn tạo thêm một kênh hội chẩn từ xa giữa các bác sỹ của trạm y tế với bác sỹ của Phòng khám đa khoa thuộc Trung tâm Y tế quận, nhất là hội chẩn hình ảnh siêu âm và X-quang,” bác sỹ Hòa cho biết.
Sau thời gian thí điểm, nhận được sự đánh giá hài lòng của người dân, Trung tâm Y tế quận Gò Vấp dự kiến sẽ mở rộng mô hình này đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính khác, nhất là các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính không lây như tiểu đường, tăng huyết áp đã được điều trị ổn định.
Điều dưỡng Trạm Y tế phường 16, quận Gò Vấp đến nhà người bệnh, giúp người bệnh kết nối với bác sỹ trạm y tế thông qua máy tính bảng.
Tiến sỹ-bác sỹ Nguyễn Trung Hòa nhìn nhận: “Người dân mắc bệnh mạn tính có nhu cầu khám chữa bệnh tại nhà bởi đa phần họ và bác sỹ đã thân quen với nhau. Bệnh nhân sử dụng phác đồ điều trị nào, dị ứng hay không dị ứng với loại thuốc nào… bác sỹ đã nắm rõ. Do đó, bệnh nhân không nhất thiết phải lên đến bệnh viện mà điều dưỡng có thể đến nhà thực hiện công đoạn khám lâm sàng, sau đó bác sỹ chỉ định y lệnh từ xa, vừa đúng theo quy định vừa mang ý nghĩa nhân văn rất lớn.”
Phó giáo sư-tiến sỹ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những định hướng mà ngành y tế Thành phố luôn hướng tới trong những năm gần đây. Mục đích là mang lại những tiện ích tốt nhất, tăng sự hài lòng cho người bệnh.
Mô hình khám chữa bệnh từ xa đã góp phần lấp đầy khoảng trống hiện nay trong công tác chăm sóc ban đầu cho người dân tại các trạm y tế; trong đó, đáng chú ý là nhu cầu chăm sóc tại nhà cho người cao tuổi và nguồn nhân lực còn hạn chế của các trạm y tế, nhất là bác sỹ.
Bên cạnh đó, khám bệnh từ xa cũng giúp đảm bảo tính liên tục trong điều trị tại bệnh viện và chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cộng đồng, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Ngoài ra, việc hội chẩn trực tuyến cũng giúp các bác sỹ tuyến trên và tuyến dưới chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, thu hẹp khoảng cách giữa các bác sỹ làm công tác khám, chữa bệnh ban đầu.
“Từ những tín hiệu lạc quan của mô hình thí điểm tại Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, dự kiến từ nay đến cuối năm 2020, chúng tôi sẽ xây dựng quy trình khám chữa bệnh từ xa một cách chặt chẽ và kiến nghị Bộ Y tế xem xét chi trả Bảo hiểm y tế cho người dân đối với hình thức khám bệnh này,” ông Tăng Chí Thượng cho hay./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()