Khai thông bế tắc chính trị ở Pa-le-xtin
Việc Phong trào Pha-ta và Phong trào Hồi giáo Ha-mát mới đây ký thỏa thuận thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc đã cởi nút thắt trong quan hệ vốn đối đầu thời gian dài giữa hai phái, hướng tới hòa giải, hòa hợp dân tộc ở Pa-le-xtin. Hai bên đã bàn thảo chọn lựa các thành viên chính phủ kỹ trị, mở đường cho cuộc tổng tuyển cử bầu tổng thống và QH Pa-le-xtin trong thời gian tới.Pa-le-xtin rơi vào bế tắc chính trị kéo dài kể từ sau cuộc tổng tuyển cử năm 2006, khi Phong trào Pha-ta của Tổng thống M.Áp-bát thất bại trước Phong trào Ha-mát, lực lượng bị Mỹ và phương Tây liệt vào danh sách khủng bố. Kết quả này đã dẫn tới sự phân chia quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ Pa-le-xtin. Pha-ta kiểm soát khu Bờ Tây và Ha-mát nắm giữ dải Ga-da. Quan hệ giữa hai phái này đã trải qua nhiều thăng trầm, lúc hợp, túc tan. Mặc dù Ha-mát đã tham gia bộ máy lãnh đạo lâm thời của Pa-le-xtin, song không hội nhập đầy đủ vào hệ thống chính trị khi hai bên không tìm được...
Pa-le-xtin rơi vào bế tắc chính trị kéo dài kể từ sau cuộc tổng tuyển cử năm 2006, khi Phong trào Pha-ta của Tổng thống M.Áp-bát thất bại trước Phong trào Ha-mát, lực lượng bị Mỹ và phương Tây liệt vào danh sách khủng bố. Kết quả này đã dẫn tới sự phân chia quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ Pa-le-xtin. Pha-ta kiểm soát khu Bờ Tây và Ha-mát nắm giữ dải Ga-da. Quan hệ giữa hai phái này đã trải qua nhiều thăng trầm, lúc hợp, túc tan. Mặc dù Ha-mát đã tham gia bộ máy lãnh đạo lâm thời của Pa-le-xtin, song không hội nhập đầy đủ vào hệ thống chính trị khi hai bên không tìm được sự đồng thuận trong nhiều vấn đề. Cách đây hơn một năm, sau khi Chính phủ Pa-le-xtin từ nhiệm hồi tháng 2-2011, các phe phái Pa-le-xtin đã không thể đi tới thống nhất để thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc. Mặc dù đến tháng 4-2011, hai bên đã đạt thỏa thuận hòa giải, theo đó sẽ thành lập một chính phủ lâm thời để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử, dự kiến diễn ra trong tháng 5 năm nay, song từ đó đến nay, phần lớn các điều khoản của thỏa thuận chưa được thực hiện, thời hạn liên tục bị trì hoãn và hai bên bất đồng về một số vấn đề, nhất là vị trí thủ tướng.
Trước tình trạng chính quyền của Tổng thống Áp-bát gần như tê liệt, dưới sự trung gian hòa giải của Ca-ta, tại cuộc đàm phán ở Đô-ha hồi tháng 2 năm nay, Tổng thống Áp-bát và người đứng đầu Phong trào Ha-mát Kh.Mê-san đã nhất trí để ông Áp-bát đứng đầu chính phủ lâm thời. Tuy nhiên, kể từ đó mọi việc dường như “giậm chân tại chỗ”, buộc Tổng thống Áp-bát phải quyết định thành lập chính phủ mới ở khu Bờ Tây. Ngày 16-5 vừa qua, chính quyền mới gồm 25 thành viên, dưới sự điều hành của Thủ tướng X.Phay-át, đã tuyên thệ nhậm chức tại thị trấn Ra-ma-la ở khu Bờ Tây. Động thái này của Pha-ta đã ngay lập tức bị Phong trào Ha-mát phản ứng. Ha-mát chỉ trích chính quyền của Tổng thống Áp-bát, coi đây là quyết định của Pha-ta từ bỏ tiến trình hòa giải giữa hai bên, dù Tổng thống Áp-bát trước đó đã để ngỏ cánh cửa thực thi thỏa thuận hòa giải khi nói rằng chính quyền mới ở khu Bờ Tây sẵn sàng “nhường chỗ” cho một chính phủ lâm thời chia sẻ quyền lực. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, dưới sự trung gian hòa giải của Ai Cập, hai bên đã gạt bỏ bất đồng, ký thỏa thuận cho phép Tổng thống M.Áp-bát thành lập chính phủ lâm thời và thống nhất về thời gian thực thi thỏa thuận Đô-ha về chia sẻ quyền lực. Thỏa thuận mới giữa hai bên đã ngay lập tức cho phép Ủy ban Bầu cử trung ương Pa-le-xtin hoạt động tại dải Ga-da, vùng lãnh thổ hiện nằm dưới sự kiểm soát của Ha-mát. Đây là động thái tích cực góp phần thúc đẩy tiến trình chính trị ở Pa-le-xtin. Theo đó, quá trình đăng ký cử tri sẽ diễn ra trong vòng sáu tuần và tiếp đó Tổng thống Áp-bát quyết định ngày tổ chức bầu cử tổng thống và QH.
Những mâu thuẫn quan điểm của Pha-ta và Ha-mát còn tác động tới cuộc đàm phán hòa bình giữa I-xra-en và Pa-le-xtin. Trong khi Pha-ta muốn xúc tiến đàm phán với I-xra-en nhằm giải quyết tranh chấp, tiến tới thành lập một Nhà nước Pa-le-xtin độc lập, Ha-mát luôn có quan điểm cứng rắn đối với Nhà nước Do thái khi tổ chức Hồi giáo này nhiều lần tuyên bố không công nhận sự tồn tại của Nhà nước I-xra-en. Trong khi đó, I-xra-en cũng không muốn đàm phán với một Chính phủ Pa-le-xtin có đại diện của Ha-mát bởi Ten A-víp vẫn liệt Phong trào Hồi giáo này vào danh sách khủng bố.
Việc thống nhất giữa hai phái Pha-ta và Ha-mát đã góp phần khai thông bế tắc chính trị ở Pa-le-xtin. Mặc dù còn gặp nhiều chông gai trên con đường tìm kiếm hòa bình ở vùng đất Trung Đông này, nhưng sự đoàn kết giữa các phe phái sẽ giúp Pa-le-xtin có cơ hội để ổn định, phát triển, đồng thời hợp nhất ý chí dân tộc nhằm thực hiện khát vọng tiến tới thành lập một Nhà nước Pa-le-xtin độc lập.
Theo Nhandan
Ý kiến ()