Khai thác và phát triển hợp lý cảng hàng không và sân bay
Thiết lập hệ thống kết cấu hạ tầng hàng không đồng bộ, hiện đại là một trong những nhiệm vụ chính của ngành hàng không Việt Nam. Công tác quy hoạch, phát triển cảng hàng không (CHK), sân bay (SB) theo Quyết định số 21/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đang được ngành nỗ lực phấn đấu triển khai.Quá tải và bất cậpLà hành khách thường xuyên đi công tác qua CHK quốc tế Nội Bài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam Đặng Thị Phương Dung cho biết, mỗi lần làm thủ tục đi từ Nội Bài thường mất nhiều thời gian xếp hàng làm thủ tục từ lấy thẻ lên máy bay, kiểm tra an ninh, xếp hàng lên máy bay đều phải chờ đợi khá lâu vì lượng khách đông. Những lần có nhiều chuyến bay về CHK Nội Bài cùng thời điểm, hành khách phải chờ đợi lấy hành lý lâu vì nhà ga chỉ bố trí được vài băng chuyền nhận hành lý khiến cho việc quá tải tại CHK này gia tăng cùng với sự tăng trưởng của lượng khách đi, đến nơi đây.Chia sẻ với nhận xét...
Quá tải và bất cập
Là hành khách thường xuyên đi công tác qua CHK quốc tế Nội Bài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam Đặng Thị Phương Dung cho biết, mỗi lần làm thủ tục đi từ Nội Bài thường mất nhiều thời gian xếp hàng làm thủ tục từ lấy thẻ lên máy bay, kiểm tra an ninh, xếp hàng lên máy bay đều phải chờ đợi khá lâu vì lượng khách đông. Những lần có nhiều chuyến bay về CHK Nội Bài cùng thời điểm, hành khách phải chờ đợi lấy hành lý lâu vì nhà ga chỉ bố trí được vài băng chuyền nhận hành lý khiến cho việc quá tải tại CHK này gia tăng cùng với sự tăng trưởng của lượng khách đi, đến nơi đây.
Chia sẻ với nhận xét trên, Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam Lê Mạnh Hùng cho biết, CHK Nội Bài và Tân Sơn Nhất luôn trong tình trạng quá tải. CHK quốc tế Nội Bài đi vào hoạt động từ tháng 2-1977 và từ năm 2001 nhà ga T1 của CHK này đi vào hoạt động có công suất thiết kế sáu triệu hành khách/năm nhưng hiện nay lượng hành khách qua CHK này năm 2012 dự kiến là 11 triệu lượt khách khiến nhà ga này quá chật chội; lượng khách qua CHK Tân Sơn Nhất khoảng 17 triệu lượt khách. Do hầu hết các CHK dùng chung dân dụng, quân sự, cho nên khi hoạt động bay dân dụng tăng tại các CHK quốc tế lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài thì phương án phối hợp điều hành khai thác gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc máy bay dân dụng phải bay chờ để được hạ cánh hoặc phải xếp hàng chờ cất cánh. Tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất có 46 hãng hàng không nước ngoài đến khai thác thường xuyên, CHK quốc tế Nội Bài có hơn 30 hãng hàng không nước ngoài đến khai thác.
Hiệp hội CHK quốc tế (ACI) đánh giá, năm 2010, CHK quốc tế Nội Bài là một trong những CHK có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới về sản lượng hành khách thông qua, đạt 9,5 triệu lượt hành khách, tăng 22% so năm 2009. Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), trong vòng ba năm tới, Việt Nam sẽ là thị trường vận tải hàng không có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai thế giới. Điều đó nói lên rằng để phát triển giao thông hàng không, hai lĩnh vực kết cấu hạ tầng đặc biệt quan trọng là hệ thống CHK, SB và hệ thống đường hàng không. Hệ thống CHK, SB hiện đang khai thác phần nào đã đáp ứng được nhu cầu giao thông hàng không, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, nhất là phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; phục vụ lợi ích an ninh quốc phòng; hệ thống CHK, SB còn tạo điều kiện hoàn thiện mạng đường bay trong nước, tăng lợi thế cạnh tranh cho mạng đường bay quốc tế cho các hãng hàng không Việt Nam.
Theo Cục trưởng Hàng không Việt Nam (HKVN) Lại Xuân Thanh, các CHK, SB của Việt Nam đang hoạt động phần lớn đều tận dụng lại các sân bay đã có từ thời chiến tranh để lại. Sau năm 1955 đối với miền bắc và sau năm 1975 đối với miền nam, đã tiếp quản 138 CHK, SB do Pháp và Mỹ xây dựng, bao gồm 61 CHK, SB, 67 bãi hạ cánh dự bị, 10 đoạn quốc lộ hạ cất cánh. Hiện nay, ngành hàng không Việt Nam đang khai thác 20 CHK. Hai CHK Nà Sản, Gia Lâm hiện tạm ngừng khai thác. Các CHK quốc tế như Chu Lai, Phú Bài hiện không khai thác các chuyến bay quốc tế, CHK Cần Thơ, Cát Bi thi thoảng đón một vài chuyến bay quốc tế thăm dò thị trường hoặc cho thuê chuyến. CHK quốc tế Đà Nẵng cũng chỉ mới có hai hãng hàng không quốc tế mở đường bay đến.
Một số CHK, nhất là các CHK quốc tế lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng đã được đầu tư xây dựng từ nhiều năm trước, quá trình khai thác đã được cải tạo, nâng cấp, mở rộng, tuy nhiên hiện nay, một số hạng mục công trình đang quá tải cần được đầu tư mở rộng, nâng cấp ngay để bảo đảm khai thác. Do hạn chế về quỹ đất, cho nên việc quy hoạch mở rộng CHK gặp nhiều khó khăn và cần nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng lớn. CHK Cát Bi được xác định là CHK quốc tế quan trọng trong hệ thống CHK quốc tế của Việt Nam. Với chức năng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bằng sông Hồng, vùng duyên hải Bắc Bộ và thành phố Hải Phòng, và phục vụ các mục đích quốc phòng. Nhiệm vụ chính của CHK này là vận chuyển hành khách, hàng hóa quốc tế, trong nước, ngoài ra có nhiệm vụ dự bị cho CHK quốc tế Nội Bài và thực hiện các nhiệm vụ quân sự. Tuy nhiên, theo đánh giá, CHK quốc tế Cát Bi nằm trong phạm vi thành phố có mật độ dân cư cao, cho nên việc mở rộng, phát triển CHK này chỉ đáp ứng đến năm 2025, CHK quốc tế Tiên Lãng được quy hoạch theo Quyết định 21 của Thủ tướng thay thế Cát Bi. Việc đầu tư xây dựng CHK Tiên Lãng cần nguồn vốn lớn 5 tỷ USD, trong khi nếu đầu tư nâng cấp CHK Cát Bi chỉ cần 200 triệu USD, theo yêu cầu khai thác từ nay đến năm 2025 CHK quốc tế Cát Bi sẽ đón tám triệu hành khách/năm và đạt 250 nghìn tấn hàng hóa/năm.
Việc đầu tư xây dựng nâng cấp SB Sao Vàng (Thanh Hóa) để đưa vào khai thác dân dụng cũng có những ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho là sân bay này đang dùng chung quân sự cho nên chỉ cần đầu tư nâng cấp là đưa vào khai thác dân dụng. Nhưng lại có ý kiến cho rằng, từ Thanh Hóa vào Nghệ An chỉ hơn 100 km, từ Vinh vào Hà Tĩnh cũng với khoảng cách tương tự cho nên không cần thiết đầu tư sân bay Sao Vàng. Lãnh đạo một hãng hàng không trong nước chia sẻ, chưa thấy tiềm năng cả lượng khách lẫn hàng hóa để khai thác SB này do đó hãng này chưa tính đến khả năng mở đường bay đi/đến SB Sao Vàng.
Thị trường vận tải hàng không Việt Nam đạt tăng trưởng trung bình 15,6% về hành khách và 16,5% về hàng hóa giai đoạn 2001-2010, sản lượng khai thác CHK năm 2010 đạt 32,4 triệu khách và 0,62 triệu tấn hàng hóa. Năm 2011, với bốn hãng hàng không Việt Nam, 46 hãng hàng không nước ngoài thuộc 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, 54 đường bay quốc tế, 40 đường bay trong nước, tổng lượng khách thông qua CHK, SB Việt Nam đạt hơn 36 triệu lượt hành khách, tăng 14% so năm 2010, gấp 4,5 lần năm 2001, đứng thứ năm trong ASEAN. Tổng năng lực thông qua các CHK Việt Nam từ mức sáu triệu hành khách năm 2000 nâng lên 48 triệu hành khách năm 2011; trong đó 25% số CHK có khả năng tiếp nhận máy bay thân rộng như B777, B747 và tương đương, 45% số CHK có khả năng tiếp nhận máy bay A320/A321 và tương đương, còn lại 30% số CHK trong nước tiếp nhận các loại máy bay CRJ900/ATR72/R70.
Định hướng phát triển hệ thống cảng và sân bay
Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 8-1-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải ngành hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, định hướng phát triển giao thông hàng không phải là phương tiện giao thông an toàn, phổ biến và thuận tiện; đóng góp tích cực vào công cuộc CNH, HĐH. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành hàng không phát triển ngang tầm tiên tiến với các nước khu vực và thế giới. Sản lượng khai thác CHK đến năm 2015 đạt 65 triệu khách và 1,4 triệu tấn hàng hóa, năm 2020 đạt 123 triệu khách và 3,1 triệu tấn hàng hóa và đến năm 2030 đạt 260 triệu khách và 11,5 triệu tấn hàng hóa.
Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng khẳng định, đến năm 2020, mạng CHK được quy hoạch theo kết cấu trục nan làm cơ sở chính với Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh là ba điểm gom tụ lưu lượng hành khách, hàng hóa để nối với các đường bay trong nước và quốc tế. Việc quy hoạch mạng CHK được cân nhắc nhu cầu phát triển một cách hợp lý, các CHK tại các khu vực có vai trò quan trọng về kinh tế và quốc phòng nhằm thúc đẩy sự phát triển của các khu vực này thông qua việc mở các tuyến bay trong nước liên vùng cũng như các tuyến bay quốc tế khu vực khi có nhu cầu. Trong 26 CHK được đưa vào khai thác, sử dụng, có 10 CHK quốc tế là Nội Bài, Cát Bi, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Long Thành, Cần Thơ, Phú Quốc còn lại là CHK trong nước như Điện Biên Phủ, Nà Sản, Lào Cai, Quảng Ninh, Gia Lâm, Vinh, Đồng Hới, Phù Cát, Tuy Hòa, Plây Cu, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Sơn, Vũng Tàu.
Việc đầu tư phát triển mở rộng CHK quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất được ngành hàng không quan tâm. Nhà ga quốc tế T2 của CHK quốc tế Nội Bài bắt đầu khởi công xây dựng từ đầu năm 2012, dự kiến đầu năm 2015 đi vào hoạt động với công suất 10 triệu lượt hành khách/năm, góp phần để CHK này mở rộng diện tích khai thác, tăng quầy làm thủ tục, thêm băng chuyền hành lý. Sau khi Nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất đưa vào hoạt động từ năm 2008 có công suất giai đoạn đầu là tám triệu hành khách/năm, CHK này tiếp tục cải tạo nâng cấp nhà ga trong nước, đầu tư nâng công suất nhà ga quốc tế giai đoạn hai với mục tiêu đến năm 2020 đạt 25 triệu lượt hành khách cả trong nước và quốc tế.
Cục trưởng Lại Xuân Thanh nhấn mạnh, việc khai thác và phát triển hợp lý mạng CHK, SB cần thực hiện theo lộ trình quy hoạch. Giai đoạn đến năm 2020 trên cơ sở quy hoạch phát triển vùng, quy hoạch các địa phương, cần nghiên cứu, quy hoạch xây dựng các SB phục vụ cho hoạt động hàng không chung, bay trực thăng và máy bay cánh bằng loại nhỏ tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa, các tỉnh chưa có CHK, cứ 16 nghìn km2 diện tích thì có một CHK, như vậy so với các nước trong khu vực chúng ta đang ở mức trung bình, thấp hơn In-đô-nê-xi-a, Thái-lan (20 nghìn km2/CHK) nhưng cao hơn Nhật Bản, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a (6.000 km2/CHK).
Tính đến tháng 5-2012, Cục Hàng không Việt Nam đã hoàn thành quy hoạch 25/26 CHK, đồng thời nghiên cứu quy hoạch các SB nhỏ, SB chuyên dụng và bãi đáp trực thăng. Đó là các sân bay phục vụ cho hoạt động bay trực thăng và máy bay cánh bằng loại nhỏ tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa, các tỉnh chưa có CHK như Lai Châu (Lai Châu), Cao Bằng (Cao Bằng), Lạng Sơn, Kon Tum, Đắc Nông, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Bình Thuận, An Giang… đáp ứng nhu cầu phát triển và phù hợp với quy hoạch phát triển các vùng và các địa phương.
Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu trong giai đoạn 2020 tập trung đầu tư phát triển bảy CHK quốc tế trọng điểm, đó là nâng công suất khai thác mỗi năm của Nội Bài đạt 25 triệu hành khách, Đà Nẵng đạt sáu triệu hành khách, Tân Sơn Nhất đạt 25 triệu hành khách, Long Thành 24 triệu hành khách, Cát Bi tám triệu hành khách, Cam Ranh 5,3 triệu hành khách, Phú Bài ba triệu hành khách. Sau năm 2030 mới nghiên cứu quy hoạch CHK quốc tế Tiên Lãng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()