Khai thác tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Á-Âu
Khu vực Á-Âu (Eurasia) gồm 28 nước, trải dài từ Đông Âu sang Trung Á, vốn là thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam trước đây. Thời gian vừa qua, mặc dù giao thương hàng hóa giữa hai bên bị sụt giảm, nhưng thị trường này vẫn được đánh giá còn nhiều tiềm năng để khai thác đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Đình Vũ, thành phố Hải Phòng. (Ảnh AN KHÁNH) |
Trong khu vực Á-Âu, có 15 quốc gia thuộc Đông Âu, năm quốc gia khu vực Tây Balkan và tám quốc gia thuộc khu vực Trung Á. Liên khu vực rộng lớn này có dân số hơn 400 triệu người và tổng GDP lên tới gần 4.500 tỷ USD.
Còn nhiều dư địa
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, năm 2022, trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động bất thường, nhiều khó khăn, thách thức, thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước khu vực Á-Âu chỉ đạt 13,3 tỷ USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng năm 2023, giao thương hàng hóa giữa Việt Nam và khu vực này này tiếp tục sụt giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2022 (chỉ đạt 9 tỷ USD), trong đó riêng xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm 1,2% (đạt 6,3 tỷ USD).
Tuy nhiên, Vụ trưởng Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công thương) Tạ Hoàng Linh vẫn khẳng định, thị trường Á-Âu vẫn còn nhiều tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, do kim ngạch xuất khẩu của ta sang Á-Âu mới chiếm khoảng 0,4% tổng kim ngạch nhập khẩu của khu vực này. Trong khi đó, giữa hai bên đã hình thành nhiều thiết chế, khung khổ vững chắc làm nền tảng cho sự hợp tác thương mại song phương, đơn cử như VN-EAEU (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu, bao gồm các nước Liên bang Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia, Kyrgyzstan); EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU); 14 Ủy ban Hỗn hợp/ Ủy ban liên Chính phủ;…
Trong khu vực Á-Âu, có 15 quốc gia thuộc Đông Âu, năm quốc gia khu vực Tây Balkan và tám quốc gia thuộc khu vực Trung Á. Liên khu vực rộng lớn này có dân số hơn 400 triệu người và tổng GDP lên tới gần 4.500 tỷ USD.
Những cơ chế hợp tác này đã và đang được triển khai hiệu quả, làm cơ sở vững chắc để doanh nghiệp Việt Nam và các nước Á-Âu tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, nhất là thương mại và đầu tư. Đặc biệt, Á-Âu còn là nơi có đông đảo người Việt làm ăn và sinh sống. Việc thúc đẩy trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm giao thương, kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và cộng đồng người Việt tại khu vực này sẽ hỗ trợ hợp tác về thương mại và đầu tư của Việt Nam với Á-Âu càng thêm hiệu quả, thực chất.
Đồng tình quan điểm này, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bulgaria Nguyễn Thành Hải cho biết: Nhu cầu nhập khẩu hằng năm của các nước khối Trung Đông Âu đã đạt khoảng 1.600 tỷ USD, nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước này năm 2022 chỉ đạt 7,8 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 0,5%). Điều này cho thấy còn rất nhiều dư địa để doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam khai thác thị trường.
Với vùng Tây Balkan, Liên minh châu Âu (EU) đang thúc đẩy quá trình gia nhập EU của các nước trong khu vực với mục đích mở rộng biên giới. Các quốc gia này cũng đang hướng tới thành lập cộng đồng chung Tây Balkan để tạo thuận lợi cho di chuyển hàng hóa, dịch vụ, vốn và con người trong nội khối, hướng tới việc gia nhập EU. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Tây Balkan hiện vẫn ở mức dưới 20 triệu USD/năm và chủ yếu thông qua các nước trung gian tại EU.
Cạnh tranh về giá và chất lượng
Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga Dương Hoàng Minh thông tin: Các sản phẩm như gia vị, nước chấm, các loại trái cây tươi và sấy khô, đồ uống, thực phẩm,… có xuất xứ Việt Nam đang xuất hiện ngày một nhiều hơn tại các chuỗi cửa hàng, siêu thị lớn của Nga và các nước thuộc SNG (gồm Azerbaijan, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgystan, Moldova, Tajikistan và Uzbekistan). Nhiều thương hiệu Việt như nước uống Vinus, trái cây sấy King, mì Gấu đỏ, bia Hà Nội, cà-phê Trung Nguyên,… đã từng bước được người tiêu dùng trong khu vực đón nhận; hàng dệt may “made in Vietnam” cũng hiện diện nhiều hơn tại các trung tâm thương mại lớn.
Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga cũng nhận được nhiều phản ánh từ doanh nghiệp và người tiêu dùng Nga về các vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm, nhãn mác, bảo quản và giao hàng không đáp ứng yêu cầu của bên mua. Ở chiều ngược lại, không ít doanh nghiệp Việt Nam gặp phải tình trạng thanh toán chậm, từ chối nhận hàng hoặc một số trường hợp nhận hàng không thanh toán.
Ông Minh khuyến cáo doanh nghiệp Việt cần tìm hiểu kỹ về khách hàng trước khi tiến hành giao dịch, ký hợp đồng. Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga luôn sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm hiểu, xác minh đối tác. Bên cạnh đó, các kênh vận tải từ Việt Nam sang Nga và các nước SNG đang ngày càng được đa dạng hóa, giá cước giảm, nhất là vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt từ Việt Nam đến ga Vorsino (cách Thủ đô Moscow của Nga 70 km) đã được rút ngắn chỉ còn 25-27 ngày. Các doanh nghiệp nên xem xét việc sử dụng vận tải hàng hóa bằng đường sắt để xuất khẩu sang các nước SNG.
Bộ Công thương sẽ phối hợp với các đại sứ quán, cơ quan đại diện thương mại của các nước trong khu vực và Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật, nắm bắt thông tin thị trường và tận dụng cơ hội hợp tác mới; đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giao thương; tiếp tục hoàn thiện và triển khai các giải pháp tổng thể nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với thị trường Á-Âu.
Vụ trưởng Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công thương) Tạ Hoàng Linh
Về kinh nghiệm thâm nhập thị trường các nước Trung Đông Âu, ông Nguyễn Thành Hải cho rằng, giá cả và chất lượng là hai yếu tố quan trọng trong cạnh tranh, quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. Các hãng điện thoại thông minh của Trung Quốc như Huawei, Vivo, Oppo,… đã thành công trong việc thâm nhập khu vực thị trường Trung Đông Âu nhờ giá rẻ và chất lượng tốt, trong đó Huawei có tốc độ phát triển nhanh nhất trong những năm gần đây. Tính riêng ở Hungary, trong tổng số khoảng 6 triệu người sử dụng điện thoại thông minh, thương hiệu Huawei đứng thứ hai với thị phần 23%. Trong khi đó, điện thoại Vinsmart của Việt Nam trước đây đã thất bại khi thâm nhập thị trường Hungary do không cạnh tranh được với điện thoại Trung Quốc về giá cả và chất lượng.
Theo Vụ trưởng Tạ Hoàng Linh, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, việc nắm bắt thông tin thị trường, cập nhật chính sách của các nước nhập khẩu cũng như tối ưu hóa các giải pháp marketing, thanh toán, vận tải,… cần được doanh nghiệp hết sức chú trọng. Bộ Công thương sẽ phối hợp với các đại sứ quán, cơ quan đại diện thương mại của các nước trong khu vực và Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật, nắm bắt thông tin thị trường và tận dụng cơ hội hợp tác mới; đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giao thương; tiếp tục hoàn thiện và triển khai các giải pháp tổng thể nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với thị trường Á-Âu ■
Nguồn: https://nhandan.vn/khai-thac-tiem-nang-xuat-khau-sang-thi-truong-a-au-post786052.html
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()