Khai thác tiềm năng xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường Anh
Trong 3 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ sang Anh đạt hơn 72 triệu USD (chiếm tỷ trọng 5,1%), tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngày 19/4, Hội thảo giao thương trực tuyến với chủ đề “Tiềm năng xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường Anh” được tổ chức nhằm thảo luận các cơ hội, thách thức và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam sang Anh, đồng thời tạo cơ hội để doanh nghiệp hai nước kết nối, trao đổi trực tuyến về khả năng hợp tác, kinh doanh.
Theo phóng viên TTXVN tại London, là một trong những hoạt động thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2022, Hội thảo do Cục Xúc tiến Thương mại thuộc Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) và Thương vụ Việt Nam tại Anh tổ chức, thu hút sự tham gia đông đảo của doanh nghiệp hai nước hoạt động trong lĩnh vực thương mại đồ gỗ.
Hội thảo đã cập nhật tổng quan về thị trường đồ gỗ và thị hiếu người tiêu dùng Anh, tình hình xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam vào Anh, các yêu cầu, tiêu chuẩn, chứng chỉ đối với mặt hàng nội thất nhập khẩu vào Anh.
Hội thảo cũng đưa ra những dự báo và xu hướng kinh doanh đồ gỗ tại Anh, cũng như các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực này giữa doanh nghiệp hai nước.
Tại hội thảo, các chuyên gia Anh đã giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp Việt về thị trường đồ gỗ Anh và những lưu ý khi xuất khẩu vào thị trường này.
Các doanh nghiệp Việt cũng được giới thiệu cơ hội quảng bá sản phẩm tại các hội chợ đồ nội thất tại Anh, bao gồm January Furniture Show, triển lãm nội thất lớn nhất tại Anh.
Hội thảo cũng gồm phần giao thương trực tuyến giữa các doanh nghiệp bán hàng và mua hàng của Anh và Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết mặc dù bị ảnh hưởng trước những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, biến động về chuỗi cung ứng, chi phí vận chuyển, nguyên liệu đầu vào… kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt.
Năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục đứng thứ 6 về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa/nhóm hàng hóa của Việt Nam, đạt hơn 14,8 tỷ USD, tăng 19,7% so với năm 2020.
Theo bà Dương Thị Minh Tuệ, Ủy viên Ban thường vụ HAWA, Anh là một thị trường quan trọng, đứng thứ tư trong top 5 thị trường xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Anh năm 2021 đạt gần 267 triệu USD (chiếm tỷ trọng 4,6%), tăng 16,4% so với năm 2020, trong đó xuất khẩu nội thất văn phòng tăng tới 34%, đồ nội thất khác tăng 17% và đồ nội thất bếp tăng 10%.
Trong 3 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ sang Anh đạt hơn 72 triệu USD (chiếm tỷ trọng 5,1%), tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo bà Erica Colson, Giám đốc tiếp thị toàn cầu, Viện Tiêu chuẩn Anh (BSI), để thâm nhập thị trường Anh, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần nắm vững các quy định, tiêu chuẩn của Anh đối với nhóm hàng nội thất đồ gỗ, đặc biệt là các tiêu chuẩn về an toàn và chống cháy, đảm bảo đáp ứng yêu cầu kiểm tra, đánh giá về độ an toàn của sản phẩm.
Bà Colson cho biết hiện nay để được lưu hành trên thị trường Anh, các sản phẩm nhập khẩu phải được dán nhãn UKCA (tiêu chuẩn đánh giá sự phù hợp của Vương quốc Anh) hoặc CE (tiêu chuẩn đánh giá sự phù hợp của Liên minh châu Âu-EU).
Tuy nhiên, từ 2023, UKCA sẽ là tiêu chuẩn duy nhất được áp dụng tại Anh, vì vậy các doanh nghiệp phải chuẩn bị để đáp ứng tiêu chuẩn này, nhấn mạnh việc dán nhãn tiêu chuẩn và chất lượng là yếu tố quan trọng để chiếm được lòng tin của người tiêu dùng Anh.
Bà Colson chỉ ra rằng để tìm hiểu quy định, yêu cầu và tiêu chuẩn của thị trường Anh, doanh nghiệp Việt Nam cần khai thác nguồn thông tin hữu ích từ Bộ Thương mại Quốc tế (DIT), BSI, Cơ quan tiêu chuẩn quảng cáo (ASA) và Hiệp hội nghiên cứu ngành nội thất (FIRA).
Đánh giá tiềm năng của thị trường Anh, ông Kevin Phạm, Tổng thư ký Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Anh (VBUK) và Giám đốc công ty kinh doanh nội ngoại thất K&P Global, cho biết Anh là thị trường đồ gỗ lớn thứ 2 ở châu Âu sau Đức, với tổng sản lượng tiêu thụ hàng năm duy trì ở mức 15 tỷ bảng (19,5 tỷ USD).
Theo ông Kiên, việc Anh rời EU (Brexit) và dịch COVID-19 gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu khiến các doanh nghiệp Anh sẵn sàng tìm các nhà cung cấp mới, chỉ ra rằng sau dịch COVID-19 nhiều doanh nghiệp Anh đã chủ động liên hệ với K&P Global đề nghị hợp tác tìm nguồn cung mới.
Ông Kevin nhấn mạnh đây là cơ hội các doanh nghiệp đồ gỗ Việt Nam cần tận dụng triệt để để thúc đẩy xuất khẩu sang Anh và châu Âu.
Ông Paul Farley, Tổng biên tập tạp chí The Furniture News, tạp chí hàng đầu về đồ nội thất ở Anh, cũng cho rằng với doanh số tiêu thụ đồ nội thất lên tới 15-20 tỷ bảng mỗi năm, tiềm năng của thị trường Anh là cực kỳ lớn.
Thêm vào đó, dịch COVID-19 đã khiến nhu cầu đồ nội thất tại Anh tăng mạnh do người dân dành thời gian ở nhà nhiều hơn và vì vậy có nhu cầu sửa chữa, nâng cấp nhà cửa và đồ nội thất cao hơn.
Ông Farley nhấn mạnh điều quan trọng là doanh nghiệp cần có cách tiếp cận đúng để chiếm lĩnh thị trường lớn đầy tiềm năng như Anh, chỉ ra rằng yếu tố quan trọng đầu tiên là công tác nghiên cứu thị trường.
Ông Farley cho rằng để nắm bắt xu hướng thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng Anh, như chất liệu, màu sắc, hình thức, kiểu dáng… của sản phẩm, doanh nghiệp cần tham khảo các nguồn thông tin khác nhau và đặc biệt cần hợp tác với các chuyên gia thị trường sở tại.
Theo ông Farley, doanh nghiệp cũng cần đảm bảo sản phẩm có giá cả tốt, được kiểm soát về chất lượng, đồng thời doanh nghiệp phải đảm bảo uy tín và đạo đức kinh doanh trung thực để có thể chiếm lĩnh thị trường một cách bền vững tại Anh.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần chú trọng tiếp thị sản phẩm thông qua việc truyền tải các thông điệp và hình ảnh của sản phẩm bằng nhiều cách khác nhau, tham gia các hội chợ thương mại cũng như thực hiện các hình thức tiếp thị thương mại khác.
Trong khi đó, ông Kevin lưu ý doanh nghiệp về 3 yếu tố để đảm bảo hiệu quả kinh doanh tại Anh, đó là khách hàng, khả năng thanh toán và dịch vụ hậu mãi.
Theo ông Kevin, để tìm kiếm và mở rộng khách hàng, doanh nghiệp cần đăng ký gian hàng trên những nền tảng chuyên ngành ở Anh như Wayfair, Retailsystem, đồng thời tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm lớn.
Để đảm bảo hàng được thanh toán, doanh nghiệp cần làm việc với các tổ chức tín dụng tại Anh để nắm rõ năng lực tài chính của khách hàng trước khi ký hợp đồng, đồng thời đảm bảo được thanh toán ngay sau khi xuất hàng bằng bảo lãnh của các tổ chức tín dụng.
Ông Kevin cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của dịch vụ hậu mãi, đảm bảo khách hàng được đổi trả hàng trong vòng 6 tháng cũng như đảm bảo cung cấp các phụ kiện thay thế, vì vậy doanh nghiệp cần có đối tác sở tại hoặc tự xây dựng hệ thống kho hàng tại Anh.
Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Anh, chỉ ra sự cần thiết của việc tham dự các hội chợ để các doanh nghiệp Việt quảng bá sản phẩm đồ gỗ tại Anh, khẳng định Thương vụ Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục, nhân lực và một phần kinh phí thuê gian hàng để tham dự các hội chợ đồ nội thất lớn ở Anh như January Furniture Show.
Ông Cường cũng cam kết hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm hiểu thông tin về các đối tác tại Anh và kết nối hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước.
Việc giảm thuế nhiều mặt hàng và sản phẩm gỗ trong vòng 5 năm theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Anh (UKFTA), được ký kết vào cuối năm 2020 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021, đã giúp tăng khả năng cạnh tranh của mặt hàng gỗ và đồ gỗ của Việt Nam tại Anh, là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam khai thác và mở rộng tại thị trường này. UKVFTA cũng khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài vào gỗ chế biến của Việt Nam./.
Ý kiến ()