Khai thác tiềm năng văn hóa dân tộc
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đang nghiên cứu xây dựng đề án Huế kinh đô áo dài Việt Nam. Và ngày 7-9 vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) tỉnh đã làm một thử nghiệm hết sức nghiêm túc: thứ hai tuần đầu của mỗi tháng, cơ quan làm lễ chào cờ, trong đó tất cả cán bộ trong cơ quan (gồm cả nam và nữ) đều mặc áo dài truyền thống. Thực chất đây là quốc phục truyền thống của nước ta đã tồn tại qua nhiều đời. Bẵng qua nhiều năm, loại trang phục này không lưu dụng nơi công sở, nhưng nó vẫn tồn tại trong nhân dân, mức đậm, nhạt từng vùng có khác nhau, và không hề có hiện tượng đứt gãy.
Việc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trương làm mới Huế, để hấp dẫn khách du lịch trong nước và nước ngoài bằng yếu tố văn hóa hướng về nguồn cội, là một chủ trương đúng, cần được sự ủng hộ rộng rãi của giới văn hóa và công chúng cả nước. Việc mặc lại y phục truyền thống nhằm nhắc nhở mọi người về ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc và để những người trong độ tuổi mới lớn, nhận diện y phục truyền thống của dân tộc mình.
Âu phục, là loại y phục đạt tới tính khoa học và thẩm mỹ cao, nó đã trở thành quốc tế phục. Nhưng sao ta vẫn thấy, ngay các nước châu Âu, trong các ngày lễ cổ truyền của dân tộc họ, ngoài dân chúng, thì bất cứ người ở cương vị nào trong bộ máy cầm quyền, khi đã xuất hiện trước công chúng, đều vận một thứ y phục cổ truyền của chính dân tộc họ. Thủ tướng Ấn Độ, mỗi khi xuất hiện trong cuộc họp nội các, hoặc tiếp khách nước ngoài, ta đều thấy ông đội một chiếc khăn theo kiểu Ấn Độ, và mặc chiếc áo dài trắng, dài quá đầu gối, phía ngoài khoác thêm chiếc áo gi-lê. Tổng thống In-đô-nê-xi-a, mỗi khi xuất hiện, ta nhận ngay ra chiếc mũ ca-lô trên đầu ông. Và nguyên thủ các nước Trung Đông đều y phục mầu trắng, mũ trắng có thắt một dải dây mầu đen nom như dải ruy-băng…
Tại sao nhiều nguyên thủ các nước luôn vận y phục cổ truyền của dân tộc mình trước công chúng? Bởi y phục của mỗi dân tộc, là đặc trưng văn hóa, là linh hồn của chính dân tộc đó. Vả lại, trong giao tiếp quốc tế, để nhận biết người này thuộc quốc gia nào, trước hết ta nhìn trang phục họ mặc, và nếu còn nghi ngờ thì nghe thêm tiếng nói của họ. Vậy y phục và ngôn ngữ của mỗi người, là tiêu biểu cho quốc tịch của chính người đó. Nó chính là dấu hiệu để người các dân tộc khác nhau tìm đến nhau được dễ dàng.
Từ năm 2018 tới nay, có nhiều vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ta, khi trình Ủy nhiệm thư hoặc Quốc thư của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã mặc trang phục truyền thống, tiêu biểu là chiếc áo dài nam, nữ truyền thống cùng chiếc khăn xếp đội đầu. Tất cả các vị, đều được nước chủ nhà đón tiếp trong niềm hân hoan và trọng thị.
Trong một phỏng vấn gần đây của báo Thanh Niên, ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại Cộng hòa Ấn Độ kiêm quản Đại sứ tại Vương quốc Nê-pan và Bu-tan trả lời: “Cá nhân tôi là một người tiên phong quảng bá áo dài nam truyền thống trong các hoạt động đối ngoại. Điều đó xuất phát từ nhu cầu công tác, và vì chúng ta muốn xây dựng một bản sắc Việt Nam. Có nhiều yếu tố để tạo nên bản sắc, và đối với nhà ngoại giao, bản sắc đầu tiên để người ta nhận diện được chính là trang phục”.
Dựa vào văn hóa truyền thống để làm phương tiện đối ngoại, đó là một chọn lựa thông minh.
Vậy chúng ta có quyền tự hào về quốc phục truyền thống, trong tài sản văn hóa chung của dân tộc ta lắm chứ. Và dù muốn hay không, trong con mắt bạn bè khắp năm châu, những y phục mà các vị Đại sứ của ta đã mặc trình Quốc thư lên các quốc gia mà ta có quan hệ ngoại giao, đương nhiên các nước đó đã nhận dạng được hình ảnh bộ Quốc phục truyền thống của Việt Nam. Qua đó thế giới đã bước đầu nhận dạng và có ấn tượng về quốc phục truyền thống của chúng ta.
Đây là sự mặc định về một dòng y phục cổ truyền của nước ta đối với toàn thế giới, tựa như ta đăng ký bản quyền về quyền sở hữu trí tuệ rất sang trọng trên toàn cầu, mà ta hoàn toàn không mất phí đăng ký.
Hình ảnh các cán bộ văn hóa Huế mặc áo dài truyền thống lan tỏa trên mạng xã hội, được nhiều người hoan nghênh hưởng ứng, và cũng không ít người chê bai, thậm chí bài xích. Đó là việc rất bình thường mỗi khi có hiện tượng gì mới hoặc lạ xuất hiện trong xã hội. Điều đáng sợ nhất là khi ta tung một vấn đề gì đó ra mà xã hội dửng dưng, không quan tâm, điều đó có nghĩa là vấn đề được đặt ra đó vô bổ.
Có người thắc mắc, tại sao không thấy có quốc gia nào quy định quốc phục. Vậy quốc phục là gì? Xin thưa, nó là một thứ y phục của cả dân tộc, được hình thành từ trí tuệ và tập tục của chính dân tộc đó qua nhiều đời, được toàn dân chấp nhận và sử dụng ổn định trong trường kỳ lịch sử. Do đó, nó thuộc dòng văn hóa dân gian, nó thuộc dạng phong tục tập quán. Tác giả của nó là nhân dân. Vì vậy nó không thuộc về bất kỳ một người tài giỏi nào, một người quyền uy nào, kể cả vua chúa. Nó vận hành theo quy luật của văn hóa. Nó tồn tại hay không tồn tại thuộc về chính nó. Không một nhà nước nào, trong một thời gian nào đó, sáng tạo ra được cả một nền y phục, vì vậy các nhà nước đều nương vào nó để điều hành chứ không cưỡng chế. Trên thế giới, không có một thứ luật pháp nào cưỡng chế nổi phong tục, tập quán. Vì vậy, các quốc gia không có quy định này.
Sau rốt có thể quy về mấy điểm:
1. Dự án Huế trở thành Kinh đô áo dài truyền thống, là việc trở về với văn hóa dân tộc. Đó là một chủ trương văn hóa – kinh tế nghiêm túc, cần được các cấp, các ngành và nhân dân ủng hộ; và cần được triển khai sớm. Bởi ngoài lợi ích về kinh tế, nó còn nhắc nhở ý thức dân tộc để mọi người biết và có nghĩa vụ giữ gìn.
2. Việc mặc áo dài truyền thống sau này có trở thành quy chế, cũng chỉ ở nơi công sở, tựa như Sở VHTT Thừa Thiên Huế đã thử nghiệm. Và trên phương diện quốc gia, y phục truyền thống mang ý nghĩa giao tế là chính.
3. Đối với nhân dân thì khuyến khích mặc áo dài truyền thống vào các dịp lễ, Tết hội hè, mừng thọ, cưới hỏi, sinh nhật… Tuyệt nhiên không có sự cưỡng chế.
4. Về mầu sắc, kích thước, độ dài ngắn, chất liệu vải của y phục dân tộc có thể nghiên cứu sao cho phù hợp nhất, đẹp nhất và thoải mái nhất đối với người mặc. Mẫu truyền thống là để tham khảo một cách nghiêm túc trong khi chế tác quốc phục, chứ không thể coi là một định chế bất biến. Tuy nhiên, phải nghiêm cấm mọi nhân danh cách tân mà xuyên tạc tới mất gốc.
5. Ngành ngoại giao và đối ngoại nên nhân rộng các kết quả mang tính thử nghiệm này, và nên coi y phục truyền thống cũng là một công cụ văn hóa đối ngoại.
6. Các cơ quan chức năng nên phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lấy ý kiến các nhà văn hóa, tiến tới một quy chế quốc gia cho bộ lễ phục chuẩn, để sử dụng thống nhất trong việc giao tế.
Thiết nghĩ việc thử nghiệm để làm mới Huế bằng một hành vi trở về cội nguồn văn hóa dân tộc, là một tư duy nghiêm túc của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, cần được nâng đỡ và tiếp sức. Tôi nghĩ rằng, trong một thời gian không xa nữa, khách du lịch trong nước và nước ngoài sẽ chen chân tới Huế.
Phát triển kinh tế trên cơ sở khai thác tiềm năng văn hóa của chính dân tộc mình, đang là xu thế của thời đại. Một khi kinh tế có hàm lượng văn hóa cao, thì đó là dấu hiệu của sự phát triển bền vững.
Ý kiến ()