Khai thác tiềm năng kinh tế từ các hồ ở Hà Nội
Du khách bơi thuyền trên hồ Tây. Ảnh: THĂNG LONG Các hồ ở Hà Nội, nhất là hồ Gươm, hồ Tây, có thể mang lại cho thành phố nhiều lợi nhuận. Đó là ý kiến của các nhà môi trường và kiến trúc cảnh quan tại hội thảo quốc tế đầu tiên về bảo vệ hồ Hà Nội ngày 22-6. Tuy nhiên, để làm được việc đó trước hết cần có một chiến lược bảo vệ và tôn tạo hồ mang tầm quốc gia.Hồ đem tiền về cho đô thịViện trưởng Viện nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng TS Phạm Sỹ Liêm cho biết, nội thành Hà Nội hiện có hàng trăm hồ lớn nhỏ. Các hồ đều đóng vai trò hồ điều hòa trong hệ thống thoát nước mưa của đô thị có địa hình bằng phẳng như Hà Nội, góp phần cải thiện khí hậu một khu vực nhỏ hoặc lớn tùy theo diện tích hồ, tạo mặt thoáng cho gió thổi và phố phường, hạn chế hiệu ứng đáo nhiệt của đô thị. Tuy nhiên, tình trạng xuống cấp của cảnh quan hai bên hồ và ô nhiễm nước hồ đang ở mức báo...
Du khách bơi thuyền trên hồ Tây. Ảnh: THĂNG LONG |
Hồ đem tiền về cho đô thị
Viện trưởng Viện nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng TS Phạm Sỹ Liêm cho biết, nội thành Hà Nội hiện có hàng trăm hồ lớn nhỏ. Các hồ đều đóng vai trò hồ điều hòa trong hệ thống thoát nước mưa của đô thị có địa hình bằng phẳng như Hà Nội, góp phần cải thiện khí hậu một khu vực nhỏ hoặc lớn tùy theo diện tích hồ, tạo mặt thoáng cho gió thổi và phố phường, hạn chế hiệu ứng đáo nhiệt của đô thị. Tuy nhiên, tình trạng xuống cấp của cảnh quan hai bên hồ và ô nhiễm nước hồ đang ở mức báo động. Từ xưa, người ta vẫn cho rằng để cải tạo hồ cần bỏ ra nhiều tiền mà không thu về được đồng nào. Quan điểm này là sai lầm. Bảo vệ và tôn tạo hồ không chỉ là chi tiền, mà còn kiếm lại được tiền từ hồ đó. – Khi môi trường, cảnh quan của hồ được cải tạo, làm tăng giá trị thẩm mỹ và vật chất cho Hà Nội, tạo ra bản sắc cho đô thị, thì từ đó có thể kiếm tiền cho đô thị thông qua việc thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
TS Phạm Sỹ Liêm nêu thí dụ về hồ Tây ở Hàng Châu (Trung Quốc). Hồ này được chính quyền TP Hàng Châu đầu tư tôn tạo từ những năm 50, tới nay đã được UNESCO công nhận là “cảnh quan văn hóa” và đã trở thành một danh thắng nổi tiếng, thu hút khách du lịch, danh tiếng lan rộng ra trong và ngoài nước.
Ngoài những trở ngại mà hồ Hà Nội đang đối mặt như ô nhiễm, biến đổi khí hậu, TS Phạm Sỹ Liêm lo ngại “con cá sấu thị trường bất động sản sẽ gặm nhấm dần diện tích hồ. Có thể sẽ xuất hiện thêm nhiều nhà cao tầng chung quanh hồ Tây, thậm chí có thể cao tới 20m, như một bức tường thành… dẫn tới hiện tượng “thiếu đường chân trời.” Để bảo vệ cảnh quan hồ, chúng ta cần phải tạo ra đường viền sinh động quanh hồ, tức là tạo khoảng cách để ít nhất nhìn thấy đường chân trời. Muốn như vậy, cần phải xây đường và hệ thống cống quanh hồ, ngăn chặn mọi đường nước thải xuống hồ, xây lan can, đặt đèn đường, lắp đặt thùng rác ven hồ,… Phát triển đô thị không chỉ đơn thuần là quan tâm đến những giá trị vật chất mà cả giá trị tinh thần. Muốn tạo được cảnh quan cho hồ Hà Nội phải tiếp cận từ nhiều phía như phải có đường đi bộ và đi xe đạp, môi trường sạch sẽ, có đèn chiếu sáng ban đêm…
Theo các nhà môi trường và các kiến trúc sư, về mặt tôn tạo cảnh quan, trước mắt chỉ nên tập trung nguồn lực chủ yếu cho dự án hồ Tây, để trong khoảng dăm năm, hồ này trở thành địa chỉ du lịch trọng điểm hấp dẫn mọi du khách trong và ngoài nước, nhất là sau khi dự án cầu Nhật Tân hoàn thành. Theo chúng tôi, nội dung công việc nói trên có thể hình thành dự án trọng điểm quốc gia, kết hợp với dự án phát triển vùng tây hồ Tây thành một khu trung tâm đô thị mới của Hà Nội, trong đó có công trình tháp truyền hình mới tạo thành “địa tiêu” làm điểm nhấn, đem lại nhiều lợi ích về các mặt môi trường, xã hội, kinh tế và chính trị. Dự án này nên cố gắng khôi phục lại “Tây Hồ bát cảnh” từng được nhiều thi nhân ca ngợi, trùng tu các di sản kiến trúc và tôn giáo, phát triển công viên trên dải đất từ Nghi Tàm đến Quảng Bá,…
Theo đề xuất của TS Phạm Sỹ Liêm: Cần phải lập quy chế bảo vệ hồ và đưa nội dung này vào hoạt động của phường văn hóa. Nếu phường nào không bảo vệ được hồ thì bị tước danh hiệu,… Phải có chương trình hành động vì hồ Hà Nội từ năm 2013 đến 2020 với nội dung bảo vệ tất cả hồ thủ đô, trọng điểm là cải tạo hồ Tây. “Mong Chính phủ đưa chương trình này vào trọng điểm quốc gia để 10 năm sau, chúng ta có thể có cơ hội được UNESCO công nhận, thu hút khách du lịch, mang lại lợi nhuận cho thành phố.”
Để cộng đồng tham gia được, cần thiết thành lập một câu lạc bộ hồ Hà Nội, do Viện nghiên cứu Đô thị và Phát triển cộng đồng tự nhận trách nhiệm làm thường trực.
Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và cảnh quan cho hồ
Trước những nỗ lực, mong muốn cải tạo hệ thống hồ đã và đang làm nên bản sắc của Hà Nội, Đại sứ quán Hung-ga-ri đã cử ngay một chuyên gia về lĩnh vực này tới Việt Nam. Chủ tịch Hiệp hội nước Hung-ga-ri kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội về nước châu Âu, ông Ca-rô-li Cô-vắc đã có mặt tại Việt Nam để nói về kinh nghiệm cải tạo hồ. Đưa thí dụ về hồ Ba-la-ton ở Hung-ga-ri, ông Ca-rô-li Cô-vắc cho biết hồ này cũng đối mặt với những vấn đề tương tự như hồ Tây, chẳng hạn như các vấn đề về ô nhiễm trầm tích, nước thải sinh hoạt, khai thác nông nghiệp gây ô nhiễm nước hồ.
Nhờ sớm có chương trình hành động và sự hợp tác của cộng đồng, dự án tôn tạo hồ này đã thành công với các chương trình giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chống xói mòn; cải tạo hệ thống cống rãnh,…
Ông Ha-ri Mác Quy-len đến từ Cục Quản lý đất Hoa Kỳ bày tỏ sự bất bình trước việc người dân vứt rác hay xả nước thải ra sông, hồ: “Tôi không hiểu vì sao người ta có thể làm vậy. Một trong những nguồn sống quan trọng nhất của con người trên trái đất này là nước, nhưng người ta vẫn có thể hủy hoại và làm bẩn nó.” Theo ông Ha-ri, các hồ, ao, lưu vực sông sẽ không hoạt động nếu nó bị san lấp, chia nhỏ. Kinh nghiệm của ông Ha-ri là không thể bảo vệ được nước hồ nếu không bảo vệ các nguồn nhánh lưu vực và nguồn nước địa phương. Thí dụ hồ Ta-ho-e ở Ca-li-pho-ni-a, ban đầu chỉ là một đống hỗn độn và bị chia cắt, có nguy cơ bị hủy hoại vì suy thoái rừng, nạn đào vàng và đô thị hóa. Chính sự vào cuộc mạnh mẽ và đấu tranh quyết liệt của cộng đồng dân cư đã mang lại sự sống cho hồ này.
Các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế đều bày tỏ việc sẵn sàng cùng chung tay hợp tác với Việt Nam trong việc bảo vệ, tôn tạo hệ thống hồ, đặc biệt là hồ Tây và hồ Gươm.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, bà Nguyễn Ngọc Lý cho biết, sự tăng trưởng kinh tế của Hà Nội chỉ thật sự bền vững khi các vấn đề môi trường và xã hội được giải quyết hiệu quả. Thời gian tới đây, cùng với sự hỗ trợ của quốc tế, việc khôi phục hệ thống hồ Hà Nội đưa hệ sinh thái hồ trở lại “khỏe mạnh” phục vụ các lợi ích người dân của thành phố phải trở thành một trong các chỉ số quan trọng nhất xác định sự phát triển bền vững của Hà Nội.
“Sử dụng bền vững hồ Hà Nội dựa vào cộng đồng trong bối cảnh đô thị hóa và biến đổi khí hậu” là hội thảo quốc tế về bảo vệ hồ Hà Nội lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, thu hút hơn 150 chuyên gia đến từ Hung-ga-ri, Hàn Quốc, Mỹ và Việt Nam. Hội thảo do Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tổ chức.
Theo Nhandan
Ý kiến ()