Khai thác thế mạnh nội lực
LSO-Thế mạnh của Lạng Sơn là dịch vụ, xuất nhập khẩu (XNK). Tuy nhiên, số doanh nghiệp XNK trong tỉnh còn chiếm số lượng rất khiêm tốn. Điều đó đã làm mất đi lợi thế so sánh trong cạnh tranh. Để khai thác thế mạnh, doanh nghiệp XNK Lạng Sơn đang từng bước vươn lên bằng nội lực.
Doanh nghiệp XNK Lạng Sơn làm thủ tục thông quan tại Cửa khẩu Tân Thanh |
HƯỚNG RA “BIỂN LỚN”
Cách đây 5 năm, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn tại Quyết định 1055/QĐ-TTg ngày 8/7/2010. Khi ấy, Lạng Sơn mới có trên 70 doanh nghiệp XNK thuộc tỉnh. Các doanh nghiệp tại Lạng Sơn chủ yếu tham gia vào khâu thủ tục, khai thuê hải quan, môi giới. Phần lớn doanh nghiệp chưa trực tiếp tìm được nguồn hàng XNK nên đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu. Năm cao nhất doanh nghiệp XNK Lạng Sơn mới chỉ đạt trên 1,7% tổng kim ngạch XNK qua địa bàn. Sau Quyết định 1055, các doanh nghiệp cả nước XNK qua Lạng Sơn tăng mạnh. Cũng bắt đầu từ đây, nhận thấy lợi thế từ XNK, rất nhiều doanh nghiệp Lạng Sơn đã chuyển hướng kinh doanh hàng XNK. Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, mỗi năm, Lạng Sơn thành lập mới trên 100 doanh nghiệp, 70% trong số đó là các doanh nghiệp XNK, làm dịch vụ XNK. Từ hàng loạt các doanh nghiệp XNK được thành lập đã tạo ra nhiều kênh hàng XNK, nhiều dịch vụ phong phú tận dụng bằng chính thế mạnh của địa phương. Chị Nguyễn Thu Huyền, Giám đốc Công ty Hòa An Lạng Sơn khẳng định: “Thế mạnh của Lạng Sơn là XNK, nếu không tận dụng được lợi thế này thì chính các doanh nghiệp Lạng Sơn đã bỏ lỡ cơ hội. Xác định như vậy nên công ty đã mạnh dạn phát huy nội lực bằng khai thác thế mạnh XNK, mạnh dạn sang nước bạn, đi các tỉnh tìm nguồn hàng chứ không bó kín”. Ngay sau khi thành lập, Công ty Hòa An đã tích cực tìm nguồn hàng xuất và nhập, tìm kiếm thông tin để cạnh tranh, từ đó, doanh thu của công ty luôn tăng. Năm 2014, công ty đạt doanh thu 230 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 500 triệu đồng. Khi đứng vững trên thương trường, công ty bắt đầu vươn xa hơn, chủ động đặt hàng, tìm nguồn hàng hai chiều, kết hợp với các doanh nghiệp ngoài tỉnh tạo liên kết, bạn hàng. Đến nay, công ty trở thành một doanh nghiệp XNK mạnh của tỉnh.
Năm 2014 có 2.230 doanh nghiệp thông quan tại Lạng Sơn, trong đó có 294 doanh nghiệp XNK thuộc tỉnh. Tổng kim ngạch doanh nghiệp trong tỉnh đạt 551,2 triệu USD, chiếm 16,5% tổng kim ngạch XNK qua địa bàn. Như vậy, tính từ năm 2010, tổng kim ngạch đã tăng trên 10%. Nhiều doanh nghiệp không còn lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc mà vươn ra xuất khẩu sang Lào, Cam pu chia, Ấn Độ… và tìm nguồn hàng nhập từ Nga, Bê la rút. Anh Đào Văn Hải, Giám đốc Công ty TNHH Tuấn Anh cho biết: khi mới tham gia vào thương trường, công ty chỉ dám nhập hàng nhỏ lẻ. Thế nhưng, sau một thời gian, biết thế mạnh của tỉnh, biết lợi thế cạnh tranh, công ty đã tập trung nhập các lô hàng lớn để giảm chi phí đầu vào. Hàng của công ty đã xuất đi tận Ấn Độ. Các doanh nghiệp XNK địa phương đã tạo cầu nối cho các mặt hàng địa phương xuất khẩu. Năm 2014, hàng địa phương Lạng Sơn đã đạt kim ngạch 83,8 triệu USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ.
TẬN DỤNG THẾ MẠNH
Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại cho biết: việc tìm nguồn hàng, xuất nhập khẩu không khó, cái khó là phải làm đa dạng nguồn hàng, giữ vững sự ổn định và mạnh dạn vươn ra bên ngoài, nhất là thị trường Trung Quốc. Vấn đề này các doanh nghiệp trong tỉnh bao giờ cũng có lợi thế hơn vì gần bạn hàng. Đó là: hiểu biết về phong tục tập quán, có mối quan hệ lâu đời, đấy chính là thế mạnh mà không phải ai cũng có được. Rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh XNK trên cơ sở chữ tín, tin tưởng lẫn nhau nên hiệu quả kinh doanh rất cao. Đặc biệt các doanh nghiệp trong tỉnh được lãnh đạo tỉnh hết sức quan tâm, luôn được tháo gỡ về chính sách, đấy chính là lợi thế để doanh nghiệp trong tỉnh vươn lên.
Từ năm 2012 đến nay, lãnh đạo tỉnh và các ngành đã có gần 30 cuộc tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu năm. Từ đó đã tạo động lực cho các doanh nghiệp XNK vững tin khai thác thế mạnh của mình. Tuy nhiên, một thực tế là các doanh nghiệp XNK trong tỉnh vốn ít, doanh nghiệp làm ăn thực sự hiệu quả chưa nhiều. Ông Hồ Phi Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh khẳng định: Để doanh nghiệp trong tỉnh tiếp tục phát huy thế mạnh cần tăng cường khâu đào tạo bồi dưỡng doanh nghiệp, nâng cao kiến thức kinh doanh hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chủ động khai thác lợi thế kinh tế cửa khẩu, lợi thế địa phương trong XNK như: thông thạo nguồn hàng, tương đồng ngôn ngữ, tạo dựng chữ tín để XNK đạt hiệu quả cao hơn.
Sản xuất thước cuộn dây xuất khẩu tại Công ty TNHH Tuấn Anh |
Từ tận dụng thế mạnh, doanh nghiệp XNK Lạng Sơn ngày càng phát triển, số doanh nghiệp XNK theo đăng ký kinh doanh ngày càng nhiều. Năng động hơn trong khai thác nguồn hàng, tăng kim ngạch xuất khẩu và đóng góp ngân sách ngày càng tăng, đấy là tiền đề để phát huy nội lực của doanh nghiệp XNK Lạng Sơn.
ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()