Khai thác sản phẩm nông nghiệp: Hướng đi mới trong phát triển du lịch Xứ Lạng
(LSO) – Những năm gần đây, các tour, tuyến du lịch gắn với các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của Xứ Lạng ngày càng được du khách ưa chuộng. Từ thực tế này, các cấp, ngành đã và đang nghiên cứu, xây dựng, nhân rộng các mô hình du lịch gắn với khai thác sản phẩm nông nghiệp, tạo hướng đi mới trong phát triển du lịch Xứ Lạng.
Đảm bảo thu nhập cho người dân
Đã bước sang tháng Ba (âm lịch) nhưng anh Hoàng Văn Hưng (thôn Quảng Hồng I, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn) vẫn say sưa chăm sóc vườn đào. Tết năm nay, nhà anh trồng được 400 gốc đào, mặc dù đào nở sớm, chỉ bán được 60% số cây nhưng thu nhập vẫn không giảm so với năm trước. Anh Hưng cho biết: Năm nay đào nở sớm, bán được ít nhưng giá cao hơn, thu nhập vẫn ổn định. Trước đây, tôi chỉ trồng đào để bán cây, bán cành cho người dân chơi tết, giờ còn bán vé phục vụ khách tham quan, chụp ảnh. Giá những cây đào đẹp tăng thêm rất nhiều. Nếu không vì nở sớm thì chắc chắn thu nhập sẽ tăng đáng kể. Vì thế, hiện nay tôi tiếp tục trồng thêm 600 gốc đào để phục vụ tết.
Không riêng anh Hưng mà trên địa bàn toàn tỉnh dịp Tết Nguyên đán kỷ Hợi 2019 có 4 hộ gia đình được lựa chọn làm điểm để phục vụ du khách. Qua khảo sát, mặc dù thời tiết nắng nóng, đào nở sớm, bán được ít nhưng thu nhập của những hộ gia đình này đều được đảm bảo. Đây là kết quả thể hiện hướng đi đúng đắn của các ngành chức năng để từng bước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tăng thu nhập cho người dân, khẳng định giá trị của cây đào Xứ Lạng nói riêng và sản phẩm nông nghiệp địa phương nói chung.
Khách du lịch tham quan, trải nghiệm tại vườn na xã Quang Lang, huyện Chi Lăng
Bà Hoàng Minh Thảo, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố Lạng Sơn cho biết: Xác định sản phẩm nông nghiệp là một trong những lợi thế để phát triển du lịch, chúng tôi đã tham mưu cho UBND thành phố tiếp tục khai thác các sản phẩm nông nghiệp mới để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phục vụ nhu cầu của du khách như: trải nghiệm làm bánh ngải truyền thống, tham quan mô hình nuôi ong lấy mật, trang trại rau sạch…
Không riêng thành phố Lạng Sơn, các chương trình du lịch gắn với sản phẩm nông nghiệp như: trải nghiệm làm bánh bí Hữu Liên (Hữu Lũng); tham quan, chụp ảnh hoa tam giác mạch ở Trấn Yên, vườn quýt Hang Hú (Bắc Sơn)… đã và đang thu hút số lượng lớn khách du lịch, tăng thu nhập cho người dân.
Tiếp tục khai thác tiềm năng
Sự thuận lợi về vị trí, khoảng cách của các khu du lịch với các cơ sở sản xuất nông nghiệp tập trung đã tạo điều kiện tốt cho việc gắn kết sự phát triển du lịch với các sản phẩm nông nghiệp. Ví dụ như thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng nơi ghi dấu rất nhiều điểm di tích nổi tiếng có đặc sản na Chi Lăng, măng ớt, mật ong ngũ gia bì; huyện Bắc Sơn nổi tiếng với những thắng cảnh vùng an toàn khu, cũng được biết đến với những đặc sản quýt Bắc Sơn, vườn hoa tam giác mạch; huyện Lộc Bình được biết đến là nơi có đỉnh Mẫu Sơn huyền thoại cũng nổi tiếng với rượu Mẫu Sơn, chanh rừng, khoai lang… Hiện nay, những tiềm năng, lợi thế này đang được tỉnh quan tâm, khai thác, xây dựng để tạo nên chuỗi sản phẩm hàng hóa nông nghiệp gắn với các tour tuyến phục vụ du khách.
Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở VHTTDL đã chủ động xây dựng, quảng bá các sản phẩm ngành nông nghiệp phục vụ du lịch của địa phương. Hình ảnh nông nghiệp và các đặc sản địa phương được giới thiệu trong các ấn phẩm du lịch, quảng bá du lịch, hội chợ du lịch, từ đó mở ra cơ hội để thu hút đầu tư, mở rộng sản xuất các sản phẩm phục vụ cho khách du lịch và chuyển đổi thành các điểm tham quan du lịch…
Theo đó, từ đầu năm 2018 đến nay, Sở VHTTDL đã phát hành trên 1.000 ấn phẩm điểm đến du lịch Lạng Sơn và trên 700 đĩa DVD giới thiệu về các đặc sản Xứ Lạng, trong đó phần lớn là các sản phẩm nông nghiệp như: măng ớt, chanh rừng, rau cải ngồng, thạch đen… Mặt khác, Lễ hội Xuân Xứ Lạng được tổ chức hằng năm với gần 300 lễ hội lớn nhỏ trên địa bàn các huyện, thành phố hay lễ hội hoa đào, ngày hội na Chi Lăng… cũng là dịp để quảng bá tiềm năng du lịch Xứ Lạng, trong đó có các sản phẩm nông nghiệp của từng vùng, gắn với các điểm di tích.
Sự hấp dẫn của các tour tuyến, các sản vật nông nghiệp của Xứ Lạng đã góp phần thu hút số lượng ngày càng lớn khách du lịch đến với Lạng Sơn. Tính riêng 3 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đón hơn 1.031.000 lượt khách du lịch, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2018, doanh thu xã hội đạt 620 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thực tế còn bộc lộ một số khó khăn như: các cơ sở nông nghiệp gắn với phục vụ du lịch trên địa bàn còn phát triển manh mún, gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng, giao thông; một bộ phận người dân chưa nhận thức được giá trị của du lịch đem lại…
Thiết nghĩ, để tạo sự gắn kết hiệu quả và bền vững giữa phát triển du lịch với các sản phẩm nông nghiệp, ngành VHTTDL cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng làm du lịch cho cộng đồng; xây dựng tour tuyến và tăng cường kết nối, quảng bá. Cùng với đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần xác định rõ các sản phẩm đặc sản thế mạnh của nông nghiệp tỉnh nhà để có hướng đầu tư phát triển. Mặt khác, các công ty lữ hành du lịch cũng cần liên kết hướng dẫn, hỗ trợ một số làng nghề, hợp tác xã, trang trại về cách thức tổ chức để có thể đón tiếp du khách, hình thành điểm đến, đồng thời giúp trưng bày sản phẩm nông nghiệp đến tận tay du khách.
Ý kiến ()