Khai thác nhựa thông: Lộc Bình đảm bảo lợi ích lâu dài
LSO-Thời gian vừa qua, giá nhựa thông trên địa bàn tỉnh ở mức 27.000 – 28.000 đồng/kg. So với năm trước thì giá thu mua năm nay tăng thêm vài nghìn đồng/kg, đây có thể coi là mức giá tương đối cao.
LSO-Thời gian vừa qua, giá nhựa thông trên địa bàn tỉnh ở mức 27.000 – 28.000 đồng/kg. So với năm trước thì giá thu mua năm nay tăng thêm vài nghìn đồng/kg, đây có thể coi là mức giá tương đối cao. Tuy nhiên không vì thế mà người nông dân Lộc Bình khai thác tràn lan, qua nhiều năm, nhân dân đã nhận thức rõ sự cần thiết phải đảm bảo lợi ích lâu dài từ rừng.
Nông dân xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình khai thác nhựa thông theo phương pháp khai thác chọn |
Anh Hoàng Văn Van, Trưởng thôn Khòn Thống, xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình tần ngần đưa mắt nhìn vạt rừng thông của gia đình, rồi cẩn thận ngắm từng cây, cây nào to và cũng phải trên 20 năm trồng, nói theo chuyên môn có nghĩa từ cấp tuổi 4 trở lên anh mới khai thác nhựa. Anh Van tâm sự: Do quỹ đất, nên gia đình khó trồng rừng tập trung, từ trước đến nay chủ yếu trồng phân tán được hơn 1.000 gốc thông, có lứa trồng từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, tới nay đã gần 30 năm, nhưng cũng có những lứa mới chỉ được hơn chục năm. Năm nay nhựa thông lên giá, nhưng gia đình anh Van không khai thác nhựa đại trà, mà tiến hành khai thác chọn. Anh khẳng định: Khai thác non là ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây, ngay cả những cây đến tuổi khai thác nhựa mà làm không đúng cách, hoặc vắt kiệt nhựa thì chỉ được 1 mùa nhựa là hỏng cây, giờ giá gỗ thông cũng lên hơn 1,6 triệu đồng/m3, mình phải xác định đâu là giá trị lâu dài. Trao đổi về vấn đề này, ông Hà Văn Mộc, Chủ tịch UBND xã Hữu Khánh cho biết: Hiện này toàn xã có khoảng 1.000 ha rừng trồng, trong đó diện tích thông chiếm khoảng 800ha, sản lượng nhựa có năm cao nhất đạt hơn 30 tấn. Thực tế có những năm giá nhựa thông cao như năm 2010-2011, một số người dân trên địa bàn cũng có biểu hiện “sốt ruột” khai thác, cấp ủy, chính quyền xã đã nhận thấy điều này và triển khai ngay các cuộc họp thôn để tuyên truyền miệng giúp bà con nhận thức đúng, không chạy theo lợi nhỏ trước mắt mà bỏ lợi ích lớn lâu dài. Cho đến nay không chỉ riêng thôn Khòn Thống mà tất cả các thôn khác trên địa bàn đều không có tình trạng khai thác nhựa thông bừa bãi, thậm chí giá nhựa năm nay tăng hơn so với năm trước, nhưng nhân dân cũng chỉ khai thác nhựa rất cầm chừng bởi tâm lý sợ ảnh hưởng đến chất lượng của cây. Có những gia đình cho rằng giá nhựa phải vượt qua ngưỡng 30.000 đồng/kg thì họ mới tiến hành khai thác, mà cũng chỉ là khai thác chọn.
Theo thống kê của Chi cục Phát triển lâm nghiệp, hiện nay toàn huyện Lộc Bình có khoảng trên 30.000 ha thông, là một trong những vùng thông lớn nhất của tỉnh. Trên thực tế, những năm trước đây, khi giá nhựa thông tăng cao, đã có những thời điểm một bộ phận người dân chưa nhận thức rõ đã khai thác nhựa tràn lan, thậm chí khai thác lấn cả vào diện tích rừng của Công ty Lâm nghiệp Lộc Bình. Bà Chu Mai Hương, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Bình cho biết: Ngay từ những thời điểm đó, các cơ quan chuyên môn của huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân khai thác nhựa đúng cách, đồng thời chỉ tiến hành khai thác đối với những cây thông từ 15 năm trồng trở lên, có nghĩa là từ cấp tuổi 3 trở đi. Mặt khác khai thác nhựa chủ yếu là tập trung vào khai thác nuôi dưỡng, không làm ảnh hưởng nhiều tới sự phát triển của cây.
Vừa qua, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo số 542/UBND-KTN về việc tăng cường quản lý khai thác và vận chuyển nhựa thông. Theo đó các địa phương phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tuyên truyền khuyến cáo và vận động người dân hiểu được ý nghĩa của việc bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng; thực hiện khai thác nhựa thông theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Đồng thời ngành chức năng đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về khai thác, vận chuyển nhựa thông, đặc biệt là khai thác nhựa thông trong rừng phòng hộ. Tăng cường cán bộ kiểm lâm địa bàn giúp chính quyền cấp xã thực hiện tốt công tác quản lý khai thác nhựa thông. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình cố tình khai thác nhựa thông trái quy định của pháp luật. Theo thống kê, thời điểm này, toàn tỉnh có trên 92.000 ha thông, đây là nguồn lợi khổng lồ giúp người dân phát triển kinh tế và làm giàu từ nghề rừng. Muốn phát huy được tối đa hiệu quả, điều cần thiết là phải biết cách khai thác một cách bền vững.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()