Khai thác lợi thế thương mại - dịch vụ
LSO-Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm trên trục Quốc lộ 1A, tiếp giáp với tỉnh Bắc Giang và Thái Nguyên, là điểm giữa tuyến Hà Nội – Lạng Sơn, những năm gần đây, Hữu Lũng đã khai thác lợi thế thương mại – dịch vụ để phát triển kinh tế - xã hội.
Người dân kinh doanh, mua bán tại chợ phiên |
Trên địa bàn huyện Hữu Lũng có khoảng 3.000 cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Để đẩy mạnh phát triển loại hình kinh tế này, thời gian qua, Hữu Lũng đã tập trung khai thác các lợi thế về vị trí địa lý cũng như các điều kiện thuận lợi về đất đai, giao thông, thông tin liên lạc… Ngoài ra, huyện còn tăng cường khuyến khích, tạo điều kiện cho tư nhân đầu tư mở cửa hàng kinh doanh các loại hình dịch vụ. Nhờ đó, lĩnh vực thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện đã có sự chuyển biến rõ nét, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt từ 11%/năm trở lên.
Riêng trên đoạn đường Quốc lộ 1A chạy qua địa bàn huyện hiện có 49 cơ sở kinh doanh đại lý, dịch vụ ăn uống và nhà nghỉ. Trong đó, có khoảng 10 nhà hàng có thể phục vụ hơn 300 lượt khách cùng một lúc. Nhiều năm nay, Hữu Lũng đã được hành khách khắp nơi lựa chọn là điểm nghỉ chân khi di chuyển theo hướng Hà Nội – Lạng Sơn và ngược lại. Bà Lê Thị Bích Liên, chủ nhà hàng ăn uống Trà Linh, xã Đồng Tân cho biết: trung bình mỗi ngày nhà hàng tiếp đón khoảng 30 lượt xe khách các loại, chưa kể khách tại địa phương. Nhà hàng luôn đóng nộp ngân sách nhà nước đầy đủ, mỗi năm khoảng 100 triệu đồng. Ngoài ra, nhà hàng cũng thường xuyên tham gia đóng góp các quỹ từ thiện và phúc lợi xã hội.
Bên cạnh sự phát triển của các dịch vụ nhà hàng ăn uống, nghỉ dưỡng, dịch vụ vận tải, Hữu Lũng còn đầu tư xây dựng và khai thác hiệu quả hệ thống chợ huyện và chợ xã. Hiện trên địa bàn huyện có 10 chợ xã, cụm xã và một chợ thị trấn. Các chợ được duy trì họp phiên đều đặn đã tạo đà phát triển tại các vùng nông thôn, giúp bà con có nơi giao lưu thương mại.
Ông Nguyễn Quốc Hà, Đội trưởng Đội Tổng hợp, Chi Cục Thuế huyện cho biết: các chợ trên địa bàn huyện được đầu tư xây dựng và duy trì hoạt động tốt đã tạo thu nhập cho hàng nghìn hộ tiểu thương, qua đó cùng tạo ra một nguồn thu ngân sách ổn định trên địa bàn. Trong năm 2014, thu ngân sách từ hộ gia đình và cá nhân kinh doanh khu vực ngoài quốc doanh trên địa bàn huyện được hơn 4 tỷ đồng và riêng trong quý I/2015 thu được gần 1,2 tỷ đồng.
Để hoạt động thương mại dịch vụ phát triển theo hướng tích cực, Hữu Lũng luôn tăng cường công tác quản lý thị trường, chống buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ… nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần bình ổn thị trường. Các hoạt động kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm được tiến hành thường xuyên tại các cơ sở kinh doanh. Trong quý I/2015, các cơ quan chức năng của huyện đã tiến hành kiểm tra 30 đơn vị sản xuất, kinh doanh, phát hiện và xử lý hành chính 5 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 41 triệu đồng, thu giữ hàng hóa trị giá 46 triệu đồng.
Theo ông Bùi Quốc Khánh, Trưởng Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện: việc đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện đã thu hút và tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động. Trong đó, số lao động có việc làm ổn định khoảng 2.000 người với mức thu nhập bình quân từ 2 đến 4 triệu đồng/người/ tháng. Thời gian qua, huyện đã xác định thương mại, dịch vụ là một trong những yếu tố mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Từ đó, huyện luôn chủ trương tạo điều kiện thuận lợi trong việc vay vốn, cho thuê mặt bằng, đảm bảo an ninh trật tự… để các cơ sở yên tâm hoạt động. Do đó, các ngành nghề, dịch vụ phát triển mạnh, tốc độ đô thị hóa ở khu vực thị trấn Mẹt cũng như khu vực trung tâm các cụm xã phát triển mạnh.
Theo kế hoạch mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của huyện, thời gian tới, Hữu Lũng sẽ tiếp tục phát triển hoàn chỉnh mạng lưới chợ, huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch xây dựng các trung tâm bán buôn, trạm thu mua hàng hóa… để đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn.
ANH DŨNG
Ý kiến ()