Khai thác lễ hội văn hoá truyền thống gắn với phát triển du lịch
–Những năm gần đây, lễ hội văn hoá truyền thống đã trở thành một loại hình du lịch phát triển mạnh ở mỗi địa phương và ngày càng có sức thu hút đối với khách du lịch. Riêng ở Lạng Sơn có gần 300 lễ hội diễn ra hằng năm. Nắm bắt lợi thế này, thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh đã đẩy mạnh việc khai thác giá trị các lễ hội gắn với phát triển du lịch.
Người dân tham quan trò chơi đẩy gậy tại lễ hội lồng tồng xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn
Theo kết quả thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), toàn tỉnh hiện có 280 lễ hội, trong đó có 247 lễ hội truyền thống, trên 90% là lễ hội lồng tồng (xuống đồng). Trong đó, nhiều lễ hội được tổ chức với quy mô lớn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh như: lễ hội Tân Thanh (huyện Văn Lãng) mùng 9 tháng Giêng; đền Mẫu Đồng Đăng mùng 10 tháng Giêng, lễ hội chùa Bắc Nga (huyện Cao Lộc) ngày 15 tháng Giêng; Lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ (thành phố Lạng Sơn) từ 22 – 27 tháng Giêng…
Tập trung đầu tư các hoạt động lễ hội
Ông Phan Văn Hoà, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết: Để khai thác lễ hội phục vụ phát triển du lịch, những năm gần đây, Sở VHTT&DL đã tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như chỉ đạo gắn tổ chức phần lễ với phần hội, tuyên truyền mặc trang phục dân tộc, tổ chức các gian trưng bày và bán sản phẩm đặc sản của địa phương… Về phía sở cũng tích cực phối hợp phục dựng một số nghi thức trong lễ hội truyền thống và tổ chức truyền dạy, thành lập, duy trì mô hình tổ đội dân ca, múa sư tử… Cùng đó đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân trình diễn các di sản văn hóa truyền thống tại các lễ hội và tuyên truyền về bảo tồn, phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Để tạo dấu ấn đối với khách du lịch, sở đã ban hành các văn bản yêu cầu, hướng dẫn quản lý các hoạt động lễ hội đến từng huyện, thành phố.
Từ năm 2021 đến nay, Sở VHTT&DL đã tổ chức kiểm kê, lập hồ sơ khoa học, nghiên cứu, phục dựng bảo tồn, tư liệu hóa các lễ hội truyền thống tại 11/11 huyện, thành phố. Qua đó, đã phân loại, lập danh mục 247 lễ hội truyền thống với các hoạt động cụ thể từ phần lễ đến phần hội. Đồng thời tổ chức trưng bày, triển lãm về di sản văn hóa, trong đó có các lễ hội truyền thống; đăng tải đa dạng thông tin tuyên truyền về các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống…
Bên cạnh đó, để bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống tại các lễ hội, từ năm 2018 đến nay, Sở VHTT&DL đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức các hoạt động VHTT&DL trong dịp diễn ra các lễ hội đầu xuân. Nếu như trước đây các lễ hội được tổ chức chủ yếu theo hình thức tự phát thì hiện nay các lễ hội đã có sự vào cuộc của chính quyền cơ sở nên hoạt động của phần “Lễ” và phần “Hội” được tổ chức bài bản. Cùng đó, rất nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch dịp đầu xuân của lễ hội điểm tại 11 huyện, thành phố đã được tổ chức gắn với hoạt động trưng bày các gian hàng OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), các sản phẩm lưu niệm, ẩm thực địa phương với đa dạng các trò chơi dân gian, các hoạt động VHTT&DL. Một số lễ hội còn đưa việc biểu diễn tích truyện gắn với nhân vật lịch sử vào ngày khai hội như: Ná Nhèm, chùa Tam Thanh, chùa Tiên, hội Trò Ngô…
Tiêu biểu như: tại lễ hội Ná Nhèm, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, hoạt động rước Tàng Thinh (tượng trưng cho sinh thực khí nam), Mặt Nguyệt (tượng trưng cho sinh thực khí nữ) cùng các nghi thức tế lễ, trò chơi dân gian như: Sĩ – Nông – Công – Thương, đánh đu, đánh cờ… truyền thống được phục dựng nhiều năm nay đã tạo ra hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ trên mạng xã hội. Hay như tại lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ (thành phố Lạng Sơn) có tổ chức các chương trình văn nghệ, ẩm thực, trò chơi dân gian như trò cướp đầu pháo, lảy cỏ, giao lưu hát sli, then, lượn và hội thi quay lợn, đặc biệt là hoạt động rước kiệu Long đình đức Quan lớn Tuần Tranh Từ Đền Kỳ Cùng tới đền Tả Phủ thăm hỏi và tạ ơn Tả đô đốc Hán quận công Thân Công tài ở đền Tả phủ đã minh oan cho Quan lớn Tuần tranh và đoàn rước trở về ngày 27 tháng Giêng được phục dựng và duy trì đã góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc đến các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn, nhất là thế hệ trẻ, đồng thời tạo sức hấp dẫn, thu hút du khách đến với Xứ Lạng…
Có mặt tại Lễ hội Lồng tồng xã Quang Trung, huyện Bình Gia ngày 10 tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024, chị Nguyễn Bích Diệp, du khách đến từ tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Đây là lần thứ 2 tôi dự hội tại xã Quang Trung. Năm nay, tôi thấy lễ hội đã có nhiều sự đổi mới. Huyện, xã chú trọng đầu tư cả về cơ sở vật chất và hình thức tổ chức như địa điểm gửi xe rộng, có công an trực làm nhiệm vụ tại lễ hội. Tại lễ hội còn có thêm nhiều trò chơi, khu ẩm thực, gian trưng bày và bán đặc sản địa phương… từ đó đáp ứng và mang đến những trải nghiệm tốt hơn cho người dân và du khách.
Từ thực tế trên cho thấy, các sản phẩm du lịch lễ hội đã và đang đang từng bước tạo được sức hút với du khách trong và ngoài nước.
Từ năm 2021 đến nay, Sở VHTT&DL đã tổ chức kiểm kê, lập hồ sơ khoa học, nghiên cứu, phục dựng bảo tồn, tư liệu hóa các lễ hội truyền thống tại 11/11 huyện, thành phố. Qua đó, đã phân loại, lập danh mục 247 lễ hội truyền thống với các hoạt động cụ thể từ phần lễ đến phần hội. Đồng thời tổ chức trưng bày, triển lãm về di sản văn hóa, trong đó có các lễ hội truyền thống; đăng tải đa dạng thông tin tuyên truyền về các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống… |
Đẩy mạnh quảng bá, thu hút khách du lịch
Lễ hội đầu xuân cũng là cơ hội tốt để Lạng Sơn có thể quảng bá những nét văn hóa đặc sắc đến với du khách gần xa. Do đó, từ năm 2022 đến nay, các cấp, ngành liên quan trong tỉnh đã có sự sáng tạo trong công tác quảng bá, chủ động trong khâu tổ chức, đầu tư nhân lực, vật lực để nâng tầm, mang đến một lễ hội vừa mang đậm dấu ấn văn hóa, vừa đáp ứng được nhu cầu của người tham dự.
Cụ thể hằng năm, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh (nay là Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn) xây dựng từ 2 đến 5 video; in ấn, phát hành từ 3.000 đến 4.000 tờ rơi, ấn phẩm quảng bá về du lịch, trong đó đều lồng ghép quảng bá về các lễ hội tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Đặc biệt, 11 huyện, thành phố đều đẩy mạnh việc truyền thông qua các kênh mạnh xã hội và phối hợp với các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh truyền thông về các lễ hội trước khi tổ chức lễ hội cho nhân dân biết, tạo thuận lợi cho các công ty lữ hành xây dựng kế hoạch chào bán tour cho du khách.
Bà Hoàng Thùy Ninh, Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố cho biết: Năm nay chúng tôi lựa chọn lễ hội Chùa Tiên là lễ hội điểm của thành phố, vì thế hoạt động lễ hội sẽ được khai thác gắn với các hoạt động kích cầu du lịch như: tổ chức các gian trưng bày sản phẩm ẩm thực, đặc sản địa phương và tổ chức các trò diễn, trò chơi đặc sắc. Nhằm chuẩn bị chu đáo các điều kiện để đón khách vào dịp lễ hội năm nay, chúng tôi đã tham mưu UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo UBND các phường, xã xây dựng kế hoạch, kịch bản chương trình lễ hội, tổ chức trò chơi dân gian bảo đảm an toàn, vui tươi, chú trọng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Dịp này, chúng tôi đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời triển khai cung cấp thông tin, số điện thoại của 200 nhà hàng, cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố và mã QR cung cấp đầy đủ thông tin về di tích, lễ hội, điểm du lịch qua trang thông tin điện tử và trang cá nhân của thành phố tới đông đảo người dân và du khách. Đưa vào vận hành tuyến xe điện phục vụ nhu cầu du khách trong dịp này
Ngoài thành phố Lạng Sơn, các địa phương khác trong tỉnh đều tích cực đẩy mạnh hợp tác, kết nối với các công ty du lịch, các đơn vị lữ hành; tăng cường hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến, xây dựng và phát triển các chương trình tour hợp lý; đa dạng hóa các sản phẩm lễ hội gắn với các điểm di tích lịch sử, hoạt động lễ hội, sinh hoạt văn hóa.
Công tác truyền thông được đẩy mạnh đã góp phần lan toả hình ảnh đẹp về du lịch Lạng Sơn tới du khách. Nhờ đó, trong khoảng 5 năm trở lại đây, không chỉ du khách trong tỉnh mà rất nhiều du khách ngoài tỉnh và khách quốc tế đã lựa chọn Lạng Sơn là địa điểm trải nghiệm dịp đầu năm. Chỉ tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2024, ước tính tổng lượng du khách đến Lạng Sơn đạt trên 760.000 lượt, (tăng 13,3% so với cùng kỳ 2023), trong đó khách quốc tế đạt 22.000 lượt, khách trong nước đạt 739.000 lượt, doanh thu ước đạt 539 tỷ đồng, (tăng 15,7% so với cùng kỳ 2023).
Mong rằng, với việc quản lý, khai thác và phát huy hiệu quả giá trị các lễ hội truyền thống, Lạng Sơn sẽ có thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn và tương xứng với tiềm năng.
TUYẾT MAI
Ý kiến ()