Khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường ở Tây Bắc
Tây Bắc là khu vực có tiềm năng về các loại khoáng sản. Những năm qua, cùng với công tác điều tra, khảo sát ở các quy mô khác nhau, chúng ta tiến hành khai thác và chế biến một số loại quặng phục vụ phát triển kinh tế xã hội.Tuy nhiên, không ít nơi, việc khai thác khoáng sản chỉ nặng về mặt kinh tế mà ít quan tâm bảo vệ môi trường.Vùng Tây Bắc theo Quyết định số 117-QĐ/T.Ư (năm 2004) bao gồm 12 tỉnh và các huyện miền núi phía tây thuộc hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Đây là địa bàn sinh sống của khoảng 11 triệu người, với hơn 30 dân tộc anh em. Địa hình phần lớn là núi cao, bị chia cắt phức tạp nhưng lại chứa đựng một tiềm năng lớn về tài nguyên khoáng sản. Hàng chục năm qua, công tác điều tra, nghiên cứu về khoáng sản đã được các tổ chức khoa học và công nghệ triển khai thực hiện. Theo số liệu chưa đầy đủ của ngành chức năng, đến nay vùng Tây Bắc có gần 500 mỏ và điểm quặng, gồm 30 loại khoáng sản thuộc...
Tuy nhiên, không ít nơi, việc khai thác khoáng sản chỉ nặng về mặt kinh tế mà ít quan tâm bảo vệ môi trường.
Vùng Tây Bắc theo Quyết định số 117-QĐ/T.Ư (năm 2004) bao gồm 12 tỉnh và các huyện miền núi phía tây thuộc hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Đây là địa bàn sinh sống của khoảng 11 triệu người, với hơn 30 dân tộc anh em. Địa hình phần lớn là núi cao, bị chia cắt phức tạp nhưng lại chứa đựng một tiềm năng lớn về tài nguyên khoáng sản. Hàng chục năm qua, công tác điều tra, nghiên cứu về khoáng sản đã được các tổ chức khoa học và công nghệ triển khai thực hiện. Theo số liệu chưa đầy đủ của ngành chức năng, đến nay vùng Tây Bắc có gần 500 mỏ và điểm quặng, gồm 30 loại khoáng sản thuộc sáu nhóm chính. Đó là nhóm khoáng sản nhiên liệu, bao gồm 13 mỏ than đá và 20 điểm quặng quy mô nhỏ, có tổng trữ lượng khoảng 25 triệu tấn; ngoài ra còn có các loại than nâu, than bùn và một số điểm đá chứa dầu nhưng chưa có điều kiện khảo sát, phân tích và kết luận. Nhóm khoáng sản kim loại, trong đó sắt có khoảng 25 mỏ và hàng chục điểm quặng được thành tạo trong bốn kiểu nguồn gốc: Biến chất, nhiệt dịch, biến chất trao đổi và phong hóa. Quặng sắt phổ biến ở các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Sơn La. Khả năng khai thác trữ lượng quặng sắt có thể lên tới 135 đến 140 triệu tấn. Kim loại đồng, qua điều tra, khảo sát đã xác định được 20 mỏ và hơn 20 điểm quặng thuộc các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Sơn La. Không kể hàng chục mỏ chì, kẽm, bạc, vàng với quy mô lớn và vừa ở Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, thì đất hiếm cũng là nguồn khoáng sản quý hiếm đang ẩn chứa trong lòng đất Tây Bắc. Điều tra khảo sát bước đầu của cơ quan chuyên môn cho thấy nguồn đất hiếm (đi kèm là các quặng đồng, sắt, vàng và các thành phần U3O8, ThO2, Nb2O5…) có rải rác ở các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên với trữ lượng hàng trăm triệu tấn.
Mấy chục năm qua, nhằm phục vụ cho sản xuất và đời sống, chúng ta đã tiến hành khai thác nhiều loại khoáng sản vùng Tây Bắc. Một khối lượng đáng kể trong đó là a-pa-tít Cam Đường, than Hang Mon, quặng đồng ở Sin Quyền… Mô hình khai thác và chế biến các loại quặng khá đa dạng về quy mô và trình độ công nghệ. Song điều dễ thấy là các loại khoáng sản có quy mô lớn và trung bình được giao cho các công ty Nhà nước, còn các mỏ có quy mô nhỏ thường giao cho các xí nghiệp tư nhân. Cũng từ các dự án lớn đã hình thành các cụm công nghiệp khai thác, chế biến quặng quy mô như khu khai thác, tuyển quặng và luyện đồng hay sản xuất a-pa-tít Lào Cai; khai thác và luyện gang thép ở Thái Nguyên, góp phần phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Tuy nhiên có một thực tế là trình độ khai thác và chế biến khoáng sản của ta còn rất hạn chế. Không kể một số quặng phải bán thô (giá rẻ) thì công nghệ chế biến non kém đã làm cho một lượng khá lớn hợp phần có ích trong một số loại quặng thất thoát, ít có khả năng thu hồi. Theo các chuyên gia Trần Trọng Hòa, Trần Tuấn Anh và Phan Đông Pha (Viện Địa chất) thì thất thoát này thường liên quan tới việc khai thác vàng, nhất là vàng gốc. Bởi khai thác vàng gốc phổ biến là doanh nghiệp nhỏ hoặc công ty tư nhân, cho nên trang thiết bị lạc hậu, công nghệ tuyển luyện quặng thấp kém, khó tránh khỏi một lượng lớn hợp phần có ích đi kèm (Cu, Zn, Pb) bị thải bỏ gây lãng phí không nhỏ cho kinh tế nước nhà.
Một vấn đề trở nên bức xúc cần giải quyết là công tác quản lý trong khai thác khoáng sản. Nhiều vùng, trong đó có Tây Bắc, tình trạng tư nhân (nhóm nhỏ) khai thác trái phép, bừa bãi vẫn thường xuyên diễn ra ở các địa phương Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu. Ngoài việc thất thoát tài nguyên, môi trường cũng bị ô nhiễm, tàn phá, gây nên các hiện tượng xói lở đất, lũ quét, lũ bùn làm thiệt hại đáng kể về tài sản và người ở khu vực Tây Bắc. Khai thác, chế biến khoáng sản tạo ra một khối lượng sản phẩm hàng hóa cần thiết cho tiêu dùng và xuất khẩu, nhưng cũng làm gia tăng các sự cố môi trường tự nhiên và xã hội mà đến nay ngành chức năng lẫn chính quyền địa phương chưa tìm được giải pháp khắc phục. Những bãi thải khổng lồ thuộc các khu vực khai thác mỏ quặng ở Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái và một số khu vực khác trong cả nước khiến chúng ta không khỏi lo lắng về nguy cơ sạt lở gây chết người như sự cố ở bãi thải mỏ than Phấn Mễ gần đây tại Thái Nguyên. Một điều nữa cần sự quan tâm của các ngành, các cấp cũng như các nhà khoa học đã cảnh báo, đó là sự phát tán phóng xạ ra môi trường chung quanh. Đặc biệt đối với các khu vực khai thác và chế biến đất hiếm, ba-ri-te hay Flu-o-ri-te càng cần quan tâm nhiều hơn việc trang bị bảo hộ và bảo vệ sức khỏe người lao động. Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản lâu nay ở Tây Bắc đặt ra cho ngành chức năng và chính quyền các cấp bên cạnh tăng cường công tác điều tra, quy hoạch, đầu tư công nghệ hiện đại cho khai thác, chế biến nhằm tận thu các hợp phần có ích trong các loại quặng, thì cần coi trọng các biện pháp giữ gìn, bảo vệ môi trường một cách hiệu quả. Có như vậy mới mong góp phần vào việc khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo đảm cho sự phát triển bền vững.
Theo Nhandan

Ý kiến ()