Khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên cho đất nước
Bóc xúc đất đá phục vụ khai thác than ở Công ty Than Núi Béo. Ngày 12-11-1936, với khẩu hiệu "Kỷ luật, đồng tâm, chúng ta nhất định thắng!", cuộc tổng bãi công của 30 nghìn thợ mỏ Cẩm Phả (Quảng Ninh) đã giành thắng lợi, trở thành ngày truyền thống ngành than.Suốt 75 năm qua, các thế hệ những thợ mỏ không quản ngày đêm trên tầng than, trong hầm lò, lao động xây dựng đất nước. Ngành than hôm nay phát huy truyền thống cách mạng, khẳng định vị thế trụ cột năng lượng quốc gia, từng bước đào tạo phát triển nguồn nhân lực có tri thức, chuyên nghiệp, lao động sáng tạo, năng suất cao.Ứng dụng công nghệ mớiKhi tiếng còi tầm quen thuộc ở vùng mỏ vang lên, những người thợ của Công ty cổ phần Than Đèo Nai bắt đầu một ngày làm việc mới đầy khí thế. Mỏ than lộ thiên Đèo Nai là địa danh gắn liền với cuộc tổng bãi công của thợ mỏ cách đây 75 năm, có chất lượng than đứng đầu bể than Đông Bắc, hôm nay đang giữ vị trí là một trong những doanh nghiệp khai...
|
Suốt 75 năm qua, các thế hệ những thợ mỏ không quản ngày đêm trên tầng than, trong hầm lò, lao động xây dựng đất nước. Ngành than hôm nay phát huy truyền thống cách mạng, khẳng định vị thế trụ cột năng lượng quốc gia, từng bước đào tạo phát triển nguồn nhân lực có tri thức, chuyên nghiệp, lao động sáng tạo, năng suất cao.
Ứng dụng công nghệ mới
Khi tiếng còi tầm quen thuộc ở vùng mỏ vang lên, những người thợ của Công ty cổ phần Than Đèo Nai bắt đầu một ngày làm việc mới đầy khí thế. Mỏ than lộ thiên Đèo Nai là địa danh gắn liền với cuộc tổng bãi công của thợ mỏ cách đây 75 năm, có chất lượng than đứng đầu bể than Đông Bắc, hôm nay đang giữ vị trí là một trong những doanh nghiệp khai thác lớn của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Với bề dày truyền thống và sự phấn đấu không ngừng, công ty được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, năm lần được giữ Cờ thi đua luân lưu của Bác Hồ cho ngành than. Trong quá trình phát triển, công ty đã từng bước đầu tư, hiện đại hóa dây chuyền, thiết bị khai thác than chuyên dụng, thay thế lao động thủ công, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng than. Đến nay, mặc dù tuổi mỏ hơn 100 năm, điều kiện khai thác ngày càng khó khăn, nhưng nhờ áp dụng công nghệ hiện đại, Đèo Nai vẫn giữ ổn định sản lượng, tạo việc làm cho hơn 3.000 lao động với mức thu nhập khá. Từ thực tiễn sản xuất, nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật của công ty đã góp phần thúc đẩy tốc độ khai thác, sản lượng than tăng gấp ba đến bốn lần, liên tục “phá kỷ lục” của chính mình.
Với xuất phát điểm là một mỏ có nguy cơ phải đóng cửa vì sản xuất kém, sau hơn 20 năm xây dựng, Công ty cổ phần Than Núi Béo đã vươn lên trở thành đơn vị đạt mức tăng trưởng cao, sản xuất than lộ thiên lớn nhất của Vinacomin với sản lượng vượt ngưỡng năm triệu tấn/năm. Để có thành quả này, trong điều kiện vô cùng khó khăn, lãnh đạo công ty vẫn mạnh dạn đầu tư hàng loạt các thiết bị khoan, gạt, bóc xúc hiện đại, công suất lớn. Công ty là đơn vị đầu tiên trong ngành than sử dụng máy cày xới làm tơi đất đá – một thiết bị chuyên dụng hiện đại công suất lớn nhất được sử dụng ở nước ta – thay cho việc khoan nổ mìn. Nhờ đầu tư đồng bộ, các thiết bị đã vận hành với năng suất cao, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, được các đơn vị khai thác than lộ thiên khác trong ngành áp dụng. Năm 2005, công ty đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Từ đầu năm đến nay, công ty đã bóc xúc hơn 14 triệu m3 đất đá, khai thác hơn bốn triệu tấn than nguyên khai, tiêu thụ 3,5 triệu tấn than các loại, doanh thu đạt 1.600 tỷ đồng. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Vũ Anh Tuấn cho biết: Trong thời gian tới, công ty tiếp tục duy trì công suất mỏ ở mức cao để sớm kết thúc phần khai thác lộ thiên, chuyển sang khai thác than hầm lò, nhanh chóng hoàn nguyên môi trường, trả lại mặt bằng cho tỉnh Quảng Ninh xây dựng các công trình du lịch và dân sinh. Hiện nay, công ty đang gấp rút chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để chuyển sang khai thác hầm lò.
Nam Mẫu là mỏ đang giữ nhiều cái “nhất” của Tập đoàn Vinacomin: tuổi đời trẻ nhất, chất lượng than tốt nhất, đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại nhất… Mỏ mới hình thành cách đây 12 năm, chỉ khai thác hầm lò, không có diện lộ thiên. Theo khảo sát, trữ lượng than Nam Mẫu ở mức âm 150 m đạt 247 triệu tấn, thực tế có khả năng lớn hơn. Trong tương lai, sau khi hoàn thành dự án đầu tư, nâng công suất khai thác lên 4 triệu tấn/năm vào năm 2018, Nam Mẫu sẽ là mỏ khai thác hầm lò loại lớn nhất, hiện đại nhất ngành than theo quy hoạch. Với sức trẻ đầy năng động, Nam Mẫu sớm hướng tới con đường đổi mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khai thác, trở thành một hiện tượng của ngành than trong quá trình phát triển. Từ năm 2000, công ty đã mạnh dạn đầu tư, đưa các cột chống thủy lực thay thế cột gỗ vào lò chợ, lò cái. Năm năm sau, Than Nam Mẫu công bố đạt sản lượng một triệu tấn/năm. Đến nay, công ty đã hoàn thành cơ bản các dự án cơ giới hóa đồng bộ từ khâu khai thác đến khâu vận tải, chế biến than. Mới đây, công ty đã hợp tác Viện Khoa học công nghệ Mỏ triển khai dự án thử nghiệm “Đầu tư công nghệ cơ giới hóa đồng bộ lò chợ khai thác sử dụng dàn chống tự hành kết hợp với máy khấu than”. Chủ tịch, Giám đốc Công ty Than Nam Mẫu Bùi Quốc Tuấn, cho biết: Dự án được đầu tư hơn 260 tỷ đồng, xây mới một lò chợ cơ giới hóa đồng bộ bằng dàn chống Vinaalta kết hợp máy khấu than com-bai, công suất 350 đến 500 nghìn tấn/năm. Việc cơ giới hóa đồng bộ trong khai thác than đã nâng cao rõ rệt năng suất lao động, giảm số lượng lao động trực tiếp và quan trọng nhất là bảo đảm an toàn cho thợ lò trong quá trình sản xuất. Kết quả hợp tác thành công bước đầu đã mở ra một cách làm mới trong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đó là sự gắn kết giữa đơn vị nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để nhân rộng ra các đơn vị khác trong toàn tập đoàn. Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Mỏ TS Nguyễn Anh Tuấn, đánh giá: “Đây là dự án có quy mô lớn, trọng điểm về khoa học công nghệ của ngành than. Dự kiến đến năm 2012, khoảng 2,5 triệu tấn than sẽ ra lò, đến năm 2015 sẽ nâng lên 3,5 triệu tấn. Việc áp dụng công nghệ cơ giới hóa tại Nam Mẫu sẽ khắc phục được những hạn chế trong khai thác than bằng phương pháp khoan nổ mìn thủ công, tăng năng suất lao động và tiết kiệm tài nguyên”.
Phát triển bền vững ngành than
Trong lộ trình phát triển của ngành than, việc hiện đại hóa các mỏ than hầm lò sẽ là nhân tố quan trọng, đáp ứng việc cung cấp than cho phát triển kinh tế đất nước giai đoạn sau năm 2011, phục vụ đắc lực sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. TS Trần Xuân Hòa, Chủ tịch HĐTV Vinacomin cho biết: “Quan điểm của ngành là khai thác, chế biến, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên than, xuất nhập khẩu hợp lý trên cơ sở giảm dần và tiến đến không xuất khẩu than. Từng bước, đáp ứng ở mức cao nhất nhu cầu than trong nước và phát triển ngành bền vững, hiệu quả theo hướng đồng bộ, cân đối với phát triển chung của các ngành kinh tế khác. Đồng thời, tích cực đầu tư thăm dò ra ngoài nước, khai thác nguồn tài nguyên than bổ sung cho sự thiếu hụt trong nước, hình thành thị trường than cạnh tranh, hội nhập với khu vực và thế giới, đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh”. Khi trữ lượng tài nguyên than dần cạn kiệt, ngành than vẫn phải bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và đạt hiệu quả, giảm tổn thất tài nguyên, bảo đảm an toàn lao động và bảo vệ môi trường. Vinacomin chủ trương xúc tiến tìm kiếm, thăm dò trữ lượng ở bể than Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng và vùng than nội địa. Với bể than Đông Bắc, Vinacomin tập trung đầu tư, mở rộng các mỏ than hầm lò hiện có, đầu tư xây dựng các mỏ mới, hiện đại, nối thông và xuống sâu các mỏ lộ thiên vùng Cẩm Phả tới mức âm 350 m và kéo dài thời gian khai thác đến sau năm 2040. Bể than Đông Bắc mà vùng Quảng Ninh là trọng tâm, sẽ trở thành căn cứ chiến lược vững chắc của Vinacomin làm cơ sở quan trọng bảo đảm phát triển nhanh, bền vững công nghiệp than, các nhà máy điện, cơ khí chế tạo máy mỏ, vật liệu nổ công nghiệp,… Trong năm năm qua, Vinacomin đã phát triển vững chắc, kinh doanh đa ngành nghề với công nghiệp than – khoáng sản (công nghiệp mỏ) là trung tâm, cùng các ngành dịch vụ và công nghiệp nặng khác, tạo ra các chuỗi giá trị gia tăng ngày càng cao. Cơ chế hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế của Vinacomin được thiết lập và bước đầu phát huy hiệu quả. Đến năm 2015, Vinacomin phấn đấu sản xuất 60 triệu tấn than thương phẩm, cung cấp 3.000 đến 3.500 MW điện, sản xuất và cung ứng các sản phẩm từ quặng khối lượng lớn, có sức cạnh tranh. Tổng doanh thu toàn tập đoàn tăng bình quân 15 đến 20%/năm, đạt 126 nghìn tỷ đồng vào năm 2015 (gấp hai lần so năm 2010), giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 10%/năm, đạt 34 nghìn tỷ đồng. Trong năm năm tới, mỗi năm Vinacomin sẽ dành ra gần 40 nghìn tỷ đồng đầu tư phát triển, lợi nhuận hằng năm đạt từ 5.500 tỷ đồng trở lên,…
Ngành than đã và đang có những bước thay đổi căn bản về cơ chế, chính sách ưu đãi thích hợp cho thợ mỏ để tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng cho tương lai một thế hệ thợ mỏ trẻ tuổi, sung sức, nắm vững trình độ khoa học – công nghệ và phát huy truyền thống “kỷ luật, đồng tâm” của ngành. Công nhân mỏ đang từng ngày xây đắp hình ảnh và thương hiệu của một tập đoàn lớn, đa ngành nghề trên nền sản xuất than, giữ vị trí chủ lực của nền kinh tế, phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo Nhandan
Ý kiến ()