Khai thác hiệu quả mặt nước tự nhiên
(LSO) – Áp dụng khoa học kỹ thuật nuôi cá lồng không chỉ khai thác tốt tiềm năng các hồ, đập, sông, suối trên địa bàn tỉnh mà còn tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân trong khu vực.
Trên địa bàn tỉnh có tổng diện tích mặt nước tự nhiên là 8.545 ha, trong đó có 1.300 ha có thể sử dụng để nuôi trồng thủy sản. Các hồ, đập dâng là nơi có mặt nước và điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản như: đập thủy điện Thác Xăng (Văn Lãng), Bản Quyền (Văn Quan), đập dâng Bắc Khê (Tràng Định), hồ Tam Hoa (Bắc Sơn), hồ Tà Keo (Lộc Bình)… Tuy nhiên, thói quen khai thác thủy sản tự nhiên tại các hồ, đập, sông, suối của người dân không gắn với bảo vệ, phát triển nguồn thủy sản tự nhiên nên theo thời gian đã gần như cạn kiệt. Trước thực trạng đó, ngày 21/5/2013, UBND tỉnh triển khai Kế hoạch số 50/KH – UBN, về chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2013 – 2020. Trong đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh là đơn vị chủ công mở rộng mô hình nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh.
Người dân xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình nuôi cá lồng trên đập Tà Keo
Ông Dương Doãn Doanh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Kỹ thuật nuôi cá lồng không khó bởi mỗi lồng chỉ nuôi riêng một loại cá, có thức ăn chuyên dụng, đầu tư ban đầu không cao mà hiệu quả kinh tế lâu dài. Thời gian qua, trung tâm đã khảo sát điều kiện nuôi tại các hồ đập trên địa bàn tỉnh để đưa ra khuyến cáo cho người dân. Theo đó, các yếu tố như: vị trí đặt lồng, diện tích mặt nước, lưu lượng dòng chảy… phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Đặc biệt, việc nuôi cá lồng phải không làm ảnh hưởng đến môi trường.
Để nhân rộng mô hình, từ năm 2014 đến nay, hằng năm, Trung tâm Khuyến nông chọn 20 đến 25 hộ có hoàn cảnh khó khăn tại những huyện có hồ, đập lớn, có tiềm năng về nuôi trồng thủy sản như: Lộc Bình, Tràng Định, Bình Gia để tham gia mô hình. Mỗi hộ được hỗ trợ 100% cá giống, 50% kinh phí đầu tư thức ăn chăn nuôi và thuốc phòng bệnh; kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh được cán bộ khuyến nông hướng dẫn. Lồng cá có thể tích từ 20 đến 40 m3, mật độ thả 15 con/m3, mỗi lồng chỉ nuôi 1 loại cá như: cá chép, trắm cỏ, rô phi, diêu hồng, cá nheo… Bên cạnh cho ăn thức ăn hỗn hợp chuyên dùng cho chăn nuôi cá, được sự hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông, các hộ chăn nuôi còn chủ động trồng thêm các loại rau, cỏ nhằm bổ sung thức ăn xanh cho cá, nâng cao chất lượng thịt. Cùng đó, chú ý theo dõi dòng chảy của nước, chủ động bổ sung vitamin nhằm tăng sức đề kháng cho cá.
Ông Hà Văn Tú, thôn Khòn Cháo, xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình cho biết: Năm 2017, gia đình tôi tham gia mô hình nuôi cá lồng trên hồ Tà Keo. Nhờ mô hình này mà tôi có việc làm, thu nhập cao hơn trồng lúa rất nhiều lần. Hiện chúng tôi đang chuẩn bị thành lập hợp tác xã để xây dựng thương hiệu riêng và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Để có nguồn cá giống ổn định, chất lượng cao, Trạm Thủy sản Lộc Bình đã chủ động nhập cá bột từ các trại nuôi cá giống uy tín tại các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Giang để cung cấp cho các hộ nuôi trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, chất lượng con giống được đảm bảo, tỷ lệ sống cao, cá ít mắc bệnh, tăng cân đều.
Mô hình nuôi cá lồng mang lại cho người chăn nuôi nguồn thu nhập đáng kể, mỗi lồng cho sản lượng từ 250 đến 500 kg cá/năm. Thu nhập bình quân 20 đến 25 triệu/lồng/năm. Thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã tăng số lồng, nếu như năm 2013, toàn tỉnh chỉ có khoảng 120 lồng cá tập trung chủ yếu tại huyện Văn Quan thì đến năm 2020, toàn tỉnh có hơn 400 lồng cá tại các huyện: Văn Quan, Văn Lãng, Bắc Sơn, Bình Gia, Lộc Bình, Tràng Định, nâng tổng diện tích mặt nước sử dụng để nuôi trồng thủy sản lên đến hơn 1.200 ha.
Ông Vương Văn Son, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong, huyện Bình Gia cho biết: Ngay khi thủy điện Thác Xăng tích nước, người dân trên địa bàn xã đã nghĩ đến việc nuôi cá lồng. Năm 2018, Trung tâm Thủy sản hỗ trợ 10 lồng cá cho những hộ bị thu hồi đất làm thủy điện tại thôn Vằng Phia, xã Hồng Phong. Năm 2019, xã tiếp tục hỗ trợ 24 lồng cá cho các hộ. Đến nay, cá nuôi đạt trọng lượng từ 2 đến 2,5 kg/con. Mô hình đã tạo việc làm cho các hộ bị ảnh hưởng do xây đập thủy điện.
Việc nuôi cá lồng trên các hồ, đập, sông suối không chỉ khai thác có hiệu quả diện tích mặt nước mà còn nâng cao nhận thức của các hộ dân về bảo vệ môi trường nước. Hiện trên địa bàn tỉnh còn nhiều hồ đập chưa được khai thác, người dân có thể đưa mô hình nuôi cá lồng vào triển khai, từ đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập.
Ý kiến ()