Khai thác hiệu quả du lịch gôn để thu hút du khách quốc tế
Cái khó của du lịch gôn tại Việt Nam là phải quảng bá, thu hút được khách quốc tế đến du lịch và chơi gôn, khai thác một cách hiệu quả các cơ sở hạ tầng sân gôn đã đầu tư ở các địa phương, tiết kiệm nguồn đất nông nghiệp, bảo vệ môi trường và tìm cách tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.
Nước ta hiện có khoảng 20 sân gôn đã đi vào hoạt động, trải dài ở cả ba miền đất nước với đủ loại địa hình phong cảnh núi non, trung du, đồi cát ven biển. Với những đặc thù nhất định, gôn được xếp vào loại hình du lịch thể thao hấp dẫn, thu hút du khách quốc tế có mức chi tiêu cao, đáp ứng nhu cầu hướng về thiên nhiên, gắn kết và dựa vào thiên nhiên, một loại hình du lịch đã và đang được nhiều nước khai thác một cách hiệu quả, tận dụng được nguồn đất phi nông nghiệp, bảo vệ được môi trường, cảnh quan thiên nhiên. Khách du lịch gôn (DLG) quốc tế luôn luôn sẵn sàng trả chi phí rất cao, trung bình 3.000 đến 5.000 USD cho một chuyến đi. Họ cũng chi ngày càng nhiều hơn, ở trong các khách sạn cao cấp và mua nhiều đồ lưu niệm. Tâm lý du khách gôn quốc tế cũng như các gôn thủ thường thích thi đấu ở các sân gôn lạ, nhiều thách thức. Sự đi lại của các gôn thủ phổ biến đến mức các hãng hàng không quốc tế (trong đó có cả Việt Nam Airlines) đều đã công bố miễn cước hàng không cho túi gậy gôn.
Để có được thương hiệu và trở thành một điểm đến du lịch gôn có đẳng cấp của khu vực, những kinh nghiệm mà một số sân gôn đang kinh doanh hiệu quả ở nước ta đã cung cấp một cách nhìn mới về tác động của công tác xúc tiến thị trường, quảng bá, tuyên truyền thu hút du khách và các gôn thủ quốc tế đến Việt Nam tham gia loại hình du lịch thể thao gôn, nhất là ở những nước có thị trường khách chơi gôn cao, chú trọng các thị trường gần như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Xin-ga-po, Thái-lan, Trung Quốc và các thị trường trọng điểm đến từ Bắc Mỹ và châu Âu. Muốn làm được điều này, ngành du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh các sân gôn hiện nay phải tìm hiểu, nắm bắt kịp thời xu hướng nhu cầu của khách quốc tế để có được sự điều chỉnh trong quảng bá, mời gọi và triển khai các dịch vụ, sản phẩm du lịch hấp dẫn đi kèm, phục vụ khách chơi gôn. Các doanh nghiệp phải có được sự ủng hộ, đồng thuận của các cấp lãnh đạo, nhất là của chính quyền và nhân dân địa phương trong việc quy hoạch đúng hướng, tận dụng hiệu quả nguồn đất phi nông nghiệp; ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhằm bảo vệ, giữ gìn môi trường và tài nguyên nước. Các doanh nghiệp nên thường xuyên đổi mới và phát triển các dịch vụ, tạo nhiều việc làm cho nhân công địa phương; không thỏa mãn và luôn luôn tìm cách nâng cao chất lượng, liên tục bổ sung dịch vụ mới; tích cực quảng bá hình ảnh thông qua các hội chợ, triển lãm quảng cáo và mở rộng quan hệ với các đơn vị du lịch lữ hành đưa khách đến du lịch và chơi gôn trọn gói với nhiều ngày lưu trú.
DLG là một loại hình mới nhưng rất có tiềm năng thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam, nếu biết khai thác và tận dụng hiệu quả sự đầu tư và các dịch vụ. Nó sẽ góp phần tích cực vào việc đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng đối tượng du khách đến Việt Nam, tăng mức chi tiêu và lưu trú, từng bước tăng cường sức cạnh tranh với các nước phát triển về du lịch trong khu vực và hoàn thành mục tiêu chiến lược của ngành du lịch nước ta. Để hoàn thành những mục tiêu này, DLG cần khẳng định được vai trò của loại hình, trong đó nên xem xét lại việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt 20% phí chơi gôn hiện nay. Việc này xuất phát từ nhận thức trước đây coi chơi gôn là một trong những môn thể thao xa xỉ, là thú vui chỉ dành riêng cho giới nhà giàu. Đến thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay thì du lịch thể thao chơi gôn đã trở thành một nhu cầu, một loại hình du lịch xanh, hướng về thiên nhiên. Vì vậy, việc phải chịu thuế tới 30% (gồm 20% phí tiêu thụ đặc biệt và 10% VAT) sẽ làm cho giá chơi gôn tại Việt Nam cao hơn và đẩy loại hình DLG ở nước ta vào thế cạnh tranh bất lợi so với các nước chung quanh. Cũng như vậy, không nên áp dụng thuế nhập khẩu cao đối với máy móc, thiết bị phục vụ sân gôn mà lẽ ra phải có chính sách ưu đãi, thậm chí miễn thuế. Sở dĩ như vậy vì đây là những trang thiết bị không thể sản xuất trong nước được, phải nhập khẩu. Việc giảm thuế sẽ tạo điều kiện cho các sân gôn Việt Nam có thêm thế mạnh cạnh tranh, tăng sức hấp dẫn về giá dịch vụ, đồng thời có điều kiện nâng cao được chất lượng dịch vụ, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam chơi gôn và tham quan, du lịch. Đây cũng là điều kiện để phục vụ người chơi gôn trong nước và giới trẻ có thể tiếp xúc nhiều hơn với loại hình thể thao này, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ở trong nước khi kinh tế phát triển.
Một điều quan trọng trong các giải pháp thu hút du khách quốc tế đến chơi gôn tại Việt Nam là các doanh nghiệp kinh doanh DLG cần có sự liên kết chặt chẽ với nhau và với các cơ sở khách sạn, công ty lữ hành; tiến tới tổ chức tua du lịch gôn theo đúng nghĩa của nó. Việt Nam hiện có thể tự tổ chức tua DLG xuyên quốc gia và thực tế đã đủ thực lực để làm việc này. Hiện tại một số công ty lữ hành quốc tế lớn ở nước ta vẫn chưa có các gói tua du lịch gôn sẵn có mà chỉ thiết kế chương trình theo yêu cầu của khách chơi gôn đến Việt Nam với điều kiện số lượng hơn mười người. Mặt khác, ngành du lịch và các doanh nghiệp cần phải tổ chức quảng bá DLG trên nhiều thị trường để Việt Nam trở thành một điểm đến có đẳng cấp trên bản đồ DLG thế giới. |
Ý kiến ()