Khai thác hiệu quả du lịch biển - đảo Phú Quốc
Không ngừng đầu tư, nâng cấp chất lượng cơ sở hạ tầng và dịch vu đạt chuẩn cao cấp, chủ động liên kết trong kinh doanh, quảng bá điểm đến, thu hút khách du lịch và tham gia hỗ trợ nhân dân địa phương xây dựng sản phẩm phục vụ du khách, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), trong đó có Khu du lịch nghỉ dưỡng Sài Gòn – Phú Quốc đã và đang khai thác hiệu quả những tiềm năng du lịch của “hòn đảo ngọc” theo hướng phát triển bền vững.
Cách đây mười năm, du khách nước ngoài chủ yếu từ Thái-lan đến Phú Quốc nhờ vào những chuyến cập bến thứ bảy hằng tuần của du thuyền năm sao Star Cruise. Một nguồn khách lưu trú khác thì dựa vào hai chuyến tàu gỗ từ đất liền ra đảo mỗi ngày, vận chuyển khoảng 50 khách kèm theo hàng hóa. Đường hàng không thì mới chỉ có ba chuyến bay và vận chuyển được 180 lượt khách/tuần. Từ “sự nguyên sơ” ban đầu ấy, nhưng “hòn đảo ngọc” – như cách gọi của nhiều du khách, vẫn có một sức hút đối với họ bởi vẻ đẹp lôi cuốn của thiên nhiên, bởi các giá trị văn hóa, lịch sử và bởi sự chân chất, thân thiện của những người dân, cũng như của những sản phẩm đặc sản mà họ từng nghe, từng biết đến như nước mắm, hồ tiêu, chó xoáy, bò biển (Dongu) nổi danh.
Dù còn nhiều việc phải làm, phải đầu tư, nhưng Phú Quốc đã được khách du lịch trong nước hoặc “một phần” thế giới biết đến với tư cách là một điểm du lịch hấp dẫn. Khu nghỉ dưỡng Sài Gòn – Phú Quốc (SG-PQ) là một trong số doanh nghiệp hàng đầu đã góp phần xây dựng hình ảnh của đảo Phú Quốc, một điểm đến được yêu thích. Mười năm qua, doanh nghiệp đã cùng 30 đơn vị lưu trú và lữ hành tại Phú Quốc kinh doanh hiệu quả, thúc đẩy du lịch toàn đảo phát triển nhanh. Từ năm 2001 đến năm 2006, nguồn khách du lịch đến Phú Quốc tăng bình quân 60%/năm, trong đó 20% là khách quốc tế. Hiện đã có 14 chuyến bay hàng không mỗi ngày, cùng với sáu chuyến tàu cao tốc đi và về đảo Phú Quốc. Du lịch cuối tuần đã khơi dậy tiềm năng. Sài Gòn-Phú Quốc luôn luôn đi đầu trong việc khai thác du lịch sinh thái bền vững, khuyến khích người dân trên đảo tham gia tích cực vào hoạt động du lịch, từng bước tạo nên sự đổi thay và phát triển. Nhiều loại hình, sản phẩm du lịch mua sắm, giải trí, thư giãn đến du lịch thể thao lên rừng xuống biển, du lịch làng quê, xóm chài, thăm xưởng chế biến mắm, đóng tàu, câu cá thẻ mực đã được SG-PQ bắt tay vào làm cùng người dân địa phương như: bơi lặn bằng bình hơi, đón giao thừa cùng cư dân trên đảo, cưỡi ngựa đi chợ, rồi câu cá, thẻ mực, kỷ niệm ngày cưới trên biển và tuần trăng mật nơi đảo hoang.
Để phát triển du lịch, SG-PQ không ngừng tìm cách tăng thêm nguồn khách, đồng thời bao tiêu vé cho chuyến bay cuối tuần để ngành hàng không Việt Nam yên tâm tăng chuyến bay từ ba lên bảy rồi 21 chuyến bay hằng tuần từ năm 2004. Cùng với đó, việc ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020” thật sự là đòn bẩy cho du lịch Phú Quốc, giúp thu hút mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các tuyến vận chuyển bằng tàu cao tốc ra đảo.
Bên cạnh tạo dựng các sản phẩm, quy hoạch phát triển du lịch, một yếu tố quan trọng là hoạt động liên kết xúc tiến, quảng bá. Từ năm 2000, Khu nghỉ dưỡng SG-PQ đã tự chi gần hai tỷ đồng hằng năm để tiếp thị điểm đến Phú Quốc ra nước ngoài. Những bước đi ban đầu khá thủ công như ghi tên đảo du lịch-Phú Quốc lên các cuốn sách Guide Book của thế giới (nhất là của Nhà xuất bản Lonely Planet, được phát hành 24 thứ tiếng) và các chương trình du lịch của các hãng lữ hành tại nước ngoài, lập năm trang thông tin điện tử được đầu tư công đoạn truy cập để luôn ở nhóm hàng đầu tại các công cụ dò tìm tên miền trên in-tơ-nét. Đến nay, doanh nghiệp đã chuyển đổi sang công nghệ bán hàng trực tuyến qua điện thoại di động, tham gia các kênh thương mại điện tử toàn cầu chuyên ngành du lịch: World Hotels, Hi-Tek, Generes và tăng cường các công cụ thanh toán trực tuyến: Hi-tech, One-pay, E-pay, đạt tỷ lệ doanh thu trên mạng hơn 20%/năm….
Năm 2003, khu du lịch nghỉ dưỡng Sài Gòn-Phú Quốc bắt đầu thuê gian hàng để có mặt tại các hội chợ du lịch của thế giới, tổ chức gian hàng giới thiệu, mở các road show/work shop tại nhiều nước ở châu Âu, châu Á, đưa hình ảnh đảo du lịch Phú Quốc đến với du khách ở các thị trường trọng điểm và áp dụng các hình thức bán hàng ở những thị trường này. Mỗi phân khúc được chọn làm thị trường mục tiêu, doanh nghiệp đều áp dụng biện pháp tiếp thị hỗn hợp để tiếp cận và bằng cách này duy trì được bốn thị trường hàng đầu là: Nga, Đức, Pháp, Mỹ, góp phần giúp du lịch Phú Quốc luôn luôn đạt tỷ lệ sử dụng buồng- phòng khá cao, kể cả trong một số thời điểm ngành du lịch gặp khó khăn, khủng hoảng. Đối với thị trường nội địa, Sài Gòn – Phú Quốc đã liên kết các hãng lữ hành trong cả nước quảng bá điểm đến, đồng thời áp dụng chiến lược thị trường “đa phân khúc”. Trước hết là tiếp cận đối tượng tiểu thương hoặc các nhóm khách có thu nhập trung bình nhưng đông đảo; từng bước thu hút tầng lớp có thu nhập cao hơn, và bàn giao phân khúc khách có mức chi trả trung bình cho khách sạn khác. Cách làm này đã góp phần tăng nhanh lượng du khách đến đảo.
Hiện tại, Khu du lịch nghỉ dưỡng SG-PQ đang tập trung vào nhiệm vụ “tiếp thị thương hiệu, hội nhập và chất lượng”, nâng cấp sản phẩm và chất lượng phục vụ theo tiêu chuẩn năm sao; ứng dụng tiêu dùng xanh; thể nghiệm năng lượng xanh. Doanh nghiệp cũng đang cùng người dân làm lưu trú qua việc tư vấn về tiêu chuẩn ăn, ngủ, vệ sinh, có xác nhận chất lượng và giới thiệu du khách du lịch. Đồng thời tham gia đào tạo họ về kỹ năng ngoại ngữ giao tiếp và ứng xử với khách nước ngoài, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường và động vật hoang dã quý hiếm. Đó cũng là mục tiêu của loại hình du lịch có trách nhiệm, mang lại lợi ích nhiều hơn cho cư dân và nâng cao sự phồn thịnh của cộng đồng.
Ý kiến ()