Khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi
Công trình đập đầu mối hệ thống thủy nông Đồng Cam vừa được sửa chữa nâng cấp. Phú Yên có hơn 300 công trình thủy lợi lớn nhỏ, trong đó có những công trình xây dựng cách đây 80 năm như hệ thống đập Đồng Cam đến nay vẫn phát huy hiệu quả.Nhiều công trình thủy lợi mới được xây dựng đã góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Tỉnh Phú Yên đang có những giải pháp tích cực để bảo đảm an toàn, khai thác hiệu quả, bền vững hệ thống thủy lợi.Từ mạch sống quê hươngTrong hệ thống thủy lợi của Phú Yên, đập Đồng Cam là công trình lớn nhất của tỉnh Phú Yên, được xây dựng trên sông Ba, cách TP Tuy Hòa hơn 30 km về hướng tây, chính thức đưa vào sử dụng từ năm 1932. Trong tiềm thức của người dân Phú Yên, đập Đồng Cam được ví là mạch sống quê hương, hằng năm đưa phù sa và dòng nước mát từ trên nguồn về nuôi dưỡng cánh đồng lúa rộng lớn đôi bờ, để Tuy Hòa được mệnh danh là vựa lúa...
Công trình đập đầu mối hệ thống thủy nông Đồng Cam vừa được sửa chữa nâng cấp. |
Nhiều công trình thủy lợi mới được xây dựng đã góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Tỉnh Phú Yên đang có những giải pháp tích cực để bảo đảm an toàn, khai thác hiệu quả, bền vững hệ thống thủy lợi.
Từ mạch sống quê hương
Trong hệ thống thủy lợi của Phú Yên, đập Đồng Cam là công trình lớn nhất của tỉnh Phú Yên, được xây dựng trên sông Ba, cách TP Tuy Hòa hơn 30 km về hướng tây, chính thức đưa vào sử dụng từ năm 1932. Trong tiềm thức của người dân Phú Yên, đập Đồng Cam được ví là mạch sống quê hương, hằng năm đưa phù sa và dòng nước mát từ trên nguồn về nuôi dưỡng cánh đồng lúa rộng lớn đôi bờ, để Tuy Hòa được mệnh danh là vựa lúa miền trung.
Hệ thống thủy nông Đồng Cam được UBND tỉnh Phú Yên giao cho Công ty TNHH MTV thủy nông Đồng Cam quản lý, khai thác. Giám đốc Công ty Trần Tiến Anh cho biết, trong những năm qua tỉnh Phú Yên đã có chủ trương đầu tư sửa chữa, nâng cấp công trình kênh mương, từ các nguồn vốn ODA, vốn Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ngân sách địa phương và nguồn vốn cấp bù miễn thủy lợi phí của công ty. Công trình đã từng bước được kiên cố, phục vụ tốt cho công tác đưa nước tưới, tiêu ổn định và đạt hiệu quả. Hiện nay, hệ thống thủy nông Đồng Cam bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời công tác tưới, tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa, một phần của huyện Tuy An và thành phố Tuy Hòa. Mỗi năm công trình này phục vụ nước tưới ổn định cho hơn 30 nghìn ha, góp phần bảo đảm an ninh lương thực của tỉnh (tổng sản lượng hằng năm hơn 320 nghìn tấn).
Ngoài hệ thống thủy nông Đồng Cam, trên địa bàn tỉnh Phú Yên còn có một số công trình thủy lợi hồ, đập bảo đảm nước tưới cho hàng chục nghìn ha tại các huyện, thị xã khác như hồ Đồng Tròn ở huyện Tuy An tưới 1.200 ha cho các cánh đồng An Nghiệp, Xuân Sơn Nam và bổ sung nước tưới cho đập thủy nông Tam Giang; hồ Phú Xuân ở huyện Đồng Xuân, phục vụ nước tưới cho 1.500 ha lúa hai vụ và hàng trăm ha các loại cây trồng khác ở hai xã Xuân Phước và Xuân Quang 3. Ông Nguyễn Nhã, ở thôn Phú Xuân B, xã Xuân Phước, năm nay 82 tuổi nhớ lại, 17 năm về trước khi Nhà nước chưa đầu tư xây dựng hồ chứa nước Phú Xuân, ruộng đồng ở đây chỉ làm được một vụ lúa, nhưng rất bấp bênh, đến mùa khô hạn các loại cây trồng chết cháy, đời sống người dân thiếu đói triền miên. Sau khi có hồ chứa nước, các cánh đồng lớn như đồng Bé, đồng Đá, đồng Chay trở thành những vựa lúa hai vụ trong năm ăn chắc. Có hạt thóc ăn no, đời sống người dân đã đổi thay thấy rõ.
Trong các chương trình hành động của Tỉnh ủy Phú Yên và các huyện, thị xã qua các giai đoạn, mục tiêu chính để xóa đói, giảm nghèo bền vững là tập trung đầu tư các công trình thủy lợi, mở rộng diện tích lúa nước, nhất là các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cách đây 5 năm, diện tích lúa nước ở huyện miền núi Sông Hinh chỉ khoảng 300-400 ha, đến nay đã phát triển lên hơn 1.200 ha. Theo Bí thư Huyện ủy Sông Hinh Lê Tấn Hổ, trên cơ sở phong tục, tập quán canh tác, chủ trương của Đảng bộ huyện là làm sao mỗi người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số phải có một phần diện tích lúa nước nhất định để chủ động cái ăn tại chỗ. Huyện đã tranh thủ các nguồn vốn đầu tư xây dựng những công trình thủy lợi nhỏ, phát triển nhanh diện tích lúa nước. Hiện nay, mỗi địa phương có từ 80 đến hơn 110 ha lúa nước. Xã Ea Lâm là địa phương có diện tích lúa nước thấp nhất cũng được hơn 15 ha. Trong năm 2012, huyện Sông Hinh phấn đấu nâng tổng diện tích lúa nước lên khoảng 1.300 ha. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Hinh Nguyễn Văn Sự cho biết, để đạt được mục tiêu mà Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra là phấn đấu đến năm 2015 nâng tổng diện tích lúa nước lên từ 1.600 đến 1.800 ha, ngành nông nghiệp huyện đang tập trung mọi nguồn lực, phát huy tối đa các nguồn vốn đầu tư, đồng thời vận động nhân dân tận dụng triệt để các diện tích ven sông, suối, ao, hồ để làm thủy lợi mở rộng diện tích lúa nước. Trước mắt, huyện tiến hành đầu tư công trình thủy lợi tưới cho khoảng 200 ha lúa nước ở xã Sơn Giang từ dự án thủy lợi sau thủy điện Sông Hinh, bảo đảm lương thực tại chỗ cho nhân dân. Dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2012.
Chúng tôi đến thăm một công trình thủy lợi mới xây dựng đã phát huy hiệu quả, từ nguồn nước sau thủy điện sông Ba Hạ, đó là dự án san ủi đất trồng lúa nước cho nhân dân đồng bào dân tộc thiểu số ở buôn Quang Dù và Mả Vôi, xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh. Công trình có vốn đầu tư 6,1 tỷ đồng, với hệ thống kênh mương có chiều dài 4 km, phục vụ tưới tiêu cho 46 ha lúa nước. Ông Nguyễn Đình Phước, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Bình Tây (Sông Hinh) cho biết: Đưa vào sử dụng từ năm 2011, đến nay qua bốn mùa lúa đã làm cho dân làng no cái bụng. Bình quân mỗi hộ từ 2-3 sào tùy theo số nhân khẩu. Già làng Y Quở phấn khởi cho biết, gia đình tôi có năm nhân khẩu, được chia ba sào đất và hỗ trợ phân bón, mỗi vụ thu được 30 bao lúa (hơn một tấn). Có được cánh đồng này, bà con ưng cái bụng nhiều lắm, chỉ có Đảng, Nhà nước quan tâm mới được như thế này, đây cũng là ước mơ ngàn đời của bà con chúng tôi.
Trong tổng số 63 hộ ở buôn Quang Dù, có đến 56 hộ được giao ruộng nước, sản xuất ổn định từ năm 2011 đến nay. Trưởng buôn Quang Dù Lê Mô Y Đênh phấn khởi cho hay, nhờ có cái ăn tại chỗ, bà con yên tâm tập trung đầu tư phát triển các loại cây trồng khác. Hiện nay, hộ có ít nhất cũng có từ 3 đến 5 sào đất, nhiều thì từ 5 đến 10 ha trồng mía, sắn và hoa màu. Nhờ vậy, thu nhập bình quân năm sau đều hơn năm trước và đến năm 2011, mỗi nhân khẩu đến tuổi lao động có mức thu nhập trung bình hơn 500.000 đồng/tháng, tăng gần 200.000 đồng so với cách đây 5 năm. Vì vậy, hộ nghèo trong buôn đã giảm đi một nửa so với 5 năm trước đây.
Tập trung các nguồn vốn đầu tư thủy lợi
Phần lớn các hồ chứa thủy lợi ở Phú Yên được xây dựng từ lâu, qua nhiều năm vận hành khai thác, một số hồ chứa hư hỏng, xuống cấp. Bên cạnh đó, nhiều công trình hồ chứa trên địa bàn tỉnh thuộc loại nhỏ, phục vụ tưới tiêu còn hạn chế. Hồ chứa nước Phú Xuân khi xả lũ gây xói lở dần về phía tuyến kênh chính, lâu dài có thể ảnh hưởng đến chân đập và kênh chính. Theo Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam, đối với hồ chứa nước Phú Xuân mái thượng lưu đập, hệ thống thoát nước hạ lưu, cống lấy nước, đường quản lý, nhà quản lý công trình đầu mối bị xuống cấp; vai hữu tràn xả lũ bị rò rỉ, hạ lưu tràn xả lũ bị xói lở nghiêm trọng. Ông Bùi Văn Định, Trạm trưởng thủy nông Phú Xuân cho biết: Hồ chứa nước Phú Xuân có dung tích khoảng 12 triệu m3, sau khi vận hành phục vụ tưới cho vụ hè thu, hồ đã xả nước để sửa chữa các hư hỏng. Trạm thủy nông Phú Xuân đã phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền và triển khai công tác phòng, chống lụt bão, công tác an toàn hồ đập… đến người dân địa phương. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là rừng đầu nguồn hồ chứa nước Phú Xuân bị chặt phá nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường và an toàn hồ khi mùa mưa lũ đến.
Bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện chương trình an toàn hồ chứa, từ năm 2009 đến nay, Phú Yên đã sửa chữa, nâng cấp một số công trình thủy lợi như hồ chứa nước Ba Mẫu (Tuy An), hồ chứa nước Suối Bùn, nối dài tràn xả lũ hồ chứa nước Ba Võ (Sơn Hòa), sửa chữa tràn xả lũ, mái bảo vệ hạ lưu đập đất, cống lấy nước, đường quản lý hồ chứa nước Hóc Răm (Tây Hòa). Ngoài ra còn một số hồ chứa thủy lợi khác được sửa chữa như hồ chứa nước Tân Lập (Sông Hinh), hai hồ chứa nước Đồng Khôn và Hòn Dinh (Đông Hòa), các hồ chứa nước Giếng Tiên, Cây Da 1 (Sơn Hòa)… Các công trình sau khi được đầu tư sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn tích nước đạt dung tích thiết kế, chủ động công tác điều nước trong mùa mưa, an toàn công trình đầu mối và các hộ dân sống ở hạ lưu đập. Đối với các hồ chứa thủy lợi do các địa phương quản lý, phần lớn được xây dựng từ lâu nên mức bảo đảm an toàn không cao. Việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình hồ chứa cần có nguồn vốn lớn, nhưng nguồn thu của tỉnh hiện nay gặp nhiều khó khăn, các địa phương, đơn vị chỉ sửa chữa, khắc phục những hư hỏng nhỏ. Trong khi đó, việc nâng cấp, sửa chữa lớn rất hạn chế vì ngân sách của tỉnh phân bổ cho công tác này hằng năm còn hạn chế.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên Biện Minh Tâm cho biết, thời gian tới sở tham mưu với tỉnh và chủ động tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác các công trình thủy lợi, sử dụng nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí đúng mục đích, cần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa công tác thủy lợi, nhằm tạo nguồn vốn cho duy tu, bảo dưỡng các công trình thủy lợi nhỏ. Đồng thời phải đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ những người thuộc tổ chức thủy nông cơ sở nhằm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Theo Nhandan
Ý kiến ()