Khai thác du lịch nông nghiệp - dòng sản phẩm chủ đạo của Việt Nam
Hiện nay, nhiều địa phương, tổ chức, cá nhân đã nhận thức được tầm quan trọng của du lịch nông nghiệp, nên đã chú trọng đầu tư, khai thác các yếu tố từ sản xuất nông nghiệp để phát triển du lịch.
Hiện nay, nhiều địa phương, tổ chức, cá nhân đã nhận thức được tầm quan trọng của du lịch nông nghiệp, nên đã chú trọng đầu tư, khai thác các yếu tố từ sản xuất nông nghiệp để phát triển du lịch.
Nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa nông nghiệp các vùng miền trải dài từ Bắc tới Nam đã được hình thành, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách.
Phát triển du lịch nông nghiệp thực sự là hướng đi giúp xóa đói giảm nghèo hiệu quả bởi Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp, 70% người dân là nông dân. Tuy nhiên, hướng đi này cũng đang gặp không ít khó khăn cần tháo gỡ.
Sản phẩm đặc trưng văn hóa nông nghiệp từ Bắc vào Nam
Thạc sỹ Trần Thị Lan (Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch) cho biết, trong định hướng Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, định hướng du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn là một trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo.
Thời gian gần đây, sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp là điểm nhấn thu hút, thúc đẩy tăng trưởng du khách với nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa nông nghiệp của các vùng, miền trải dài từ Bắc đến Nam.
Có thể kể đến các sản phẩm du lịch nông nghiệp điển hình như tham quan làng cổ Đường Lâm (Hà Nội); tham quan đồi chè, trang trại bò sữa ở nông trường Mộc Châu (Sơn La); thưởng ngoạn ruộng bậc thang mùa lúa chín ở Mù Căng Chải (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai); làng rau Trà Quế (Quảng Nam); du lịch canh nông Đà Lạt (Lâm Đồng); tour tham quan, khám phá đời sống ngư dân, các trang trại sản xuất thanh long ở Bình Thuận. Tỉnh Ninh Thuận có tour tham quan, nghỉ dưỡng tại các vườn nho, vườn táo, trang trại dê, cừu.
Tour khai thác các yếu tố gắn với văn hóa, sinh thái sông nước Cửu Long như du lịch miệt vườn, chợ nổi, cù lao ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang; thưởng thức văn hóa, đờn ca tài tử ở Bạc Liêu; văn hóa Khmer ở Sóc Trăng, Trà Vinh; lễ hội trái cây, hoa kiểng miền Tây…
Các sản phẩm du lịch gắn với sinh thái biển đảo, rừng quốc gia, rừng ngập mặn ở Kiên Giang, Cà Mau, Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh)…, tour du lịch miệt vườn ở đồng bằng Sông Cửu Long.
Mới đây nhất, tour tham quan nông trường VinEco Nam Hội An đã xuất hiện với mô hình canh tác hiện đại, thông minh theo chuẩn nông nghiệp của các quốc gia nông nghiệp hàng đầu thế giới như Pháp, Israel, Singapore…
Từ năm 2008 cho đến nay, nhiều trang trại trên toàn quốc, trong đó có trang trại đồng quê Ba Vì đã xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp tại vùng phụ cận chân núi Ba Vì.
Đây là nơi có 4 làng nghề nông nghiệp truyền thống trong một không gian thiên nhiên đẹp đẽ: Làng thảo dược người Dao, làng chè Ba Trại, làng trồng cỏ và nuôi bò sữa Vân Hòa, làng Việt cổ nông nghiệp Đường Lâm-Sơn Tây.
Mô hình du lịch nông nghiệp kiểu mới đóng góp vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc (Mường, Dao), không gian cộng đồng nông nghiệp truyền thống và các sản vật gốc thiên nhiên.
Theo Tổng cục Du lịch, nhiều sản phẩm từ ngành nông nghiệp như thực phẩm, đồ uống, hàng thủ công mỹ nghệ, hoa quả, bánh kẹo… của các vùng, miền đã được sử dụng trong hệ thống các nhà hàng, khách sạn của ngành Du lịch.
Khai thác nghệ thuật ẩm thực mang tính chất vùng, miền để phục vụ khách du lịch cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy hoạt động du lịch nông nghiệp.
Chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch không thể thiếu các sản phẩm từ ngành Nông nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp của nông dân bày bán tại các điểm du lịch không chỉ đem lại nguồn thu lớn hơn nhiều so với tiền bán vé tham quan, mà còn là công cụ quảng bá rộng rãi cho điểm đến.
Hiệu quả nhưng cũng không ít khó khăn
Đánh giá từ Tổng cục Du lịch cho thấy, du lịch nông nghiệp đã đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cho nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp. Mặc dù chưa có thống kê, điều tra đánh giá toàn diện lợi ích kinh tế-xã hội do hoạt động du lịch nông nghiệp đem lại, nhưng theo báo cáo từ một số địa phương, doanh nghiệp, lượng khách tham gia vào hoạt động nông nghiệp ngày một tăng.
Chi tiêu, thu nhập từ hoạt động du lịch nông nghiệp đem lại nguồn thu ổn định cho người nông dân, doanh nghiệp và đóng góp cho kinh tế địa phương.
Thống kê của Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, nhu cầu khách du lịch mong muốn được tham quan trải nghiệm ở khu nông trại miệt vườn tăng đều mỗi năm từ 20-30%. Trong đó, sản phẩm du lịch nông nghiệp công nghệ cao đang được chú ý, đánh giá cao.
Điểm đến thu hút du khách nhất gần đây là khu Nông nghiệp Công nghệ cao Thành phố (huyện Củ Chi) với diện tích 88ha, tập trung các hoạt động nghiên cứu, sản xuất giống rau, hoa, cá cảnh; đào tạo, chuyển giao và du lịch…
Bên cạnh đó, một số mô hình du lịch cộng đồng gắn với khu vực sản xuất nông nghiệp được khai thác thành công. Sự tham gia trực tiếp của nông dân vào việc phục vụ du khách thông qua hoạt động du lịch cộng đồng, cung ứng loại hình du lịch homestay đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, đồng thời đem lại thu nhập cao hơn cho người nông dân bên cạnh hoạt động nông nghiệp thuần túy.
Tuy nhiên, Tổng cục Du lịch cũng thẳng thắn chỉ ra rằng dù Việt Nam có nhiều tài nguyên để phát triển du lịch nông nghiệp, nhưng những khu vực có đủ khả năng khai thác chuyên nghiệp không nhiều.
Hầu hết các hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp. Sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu.
Một số khu vực có điều kiện tự nhiên đồng nhất, tập quán sinh hoạt, văn hóa cộng đồng giống nhau, sản phẩm du lịch nông nghiệp giữa các địa phương không tránh khỏi sự trùng lặp, đơn điệu.
Đặc biệt, phần lớn người nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, không có đủ các kỹ năng để phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp. Hầu hết sản phẩm du lịch nông nghiệp còn rất giản đơn, chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách, cũng như tăng khả năng chi tiêu từ khách du lịch.
Giá trị nông nghiệp bản địa, văn hóa truyền thống bản sắc, sự tinh tế, chuyên nghiệp chưa được nghiên cứu bài bản để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao phục vụ du khách.
Nhiều mô hình du lịch nông nghiệp đã được khai thác trong nhiều năm, nhưng không được đầu tư làm mới, chủ yếu vẫn dựa vào môi trường sinh thái tự nhiên nên không còn hấp dẫn khách.
Sản phẩm du lịch nông nghiệp chất lượng cao tại nhiều địa phương để phục vụ du khách chưa nhiều. Một số sản phẩm mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản.
Chi tiêu của khách đối với sản phẩm du lịch nông nghiệp chủ yếu mua vé tham quan, ăn uống, phòng ở…, chưa chi nhiều cho các dịch vụ ngoài tour do chưa có nhiều dịch vụ bổ trợ hoặc có nhưng không hấp dẫn được du khách.
Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch nông nghiệp chưa được đầu tư hoàn chỉnh, hoặc đã được đầu tư nhưng không đảm bảo chất lượng.
Công trình nhà vệ sinh, vệ sinh môi trường tại nhiều khu vực không đáp ứng yêu cầu, thậm chí không có nhà vệ sinh. Sự hợp tác giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động du lịch nông nghiệp còn hạn chế.
Nhiều điểm du lịch nông nghiệp gặp khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp lữ hành để hoàn thiện, xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp cũng như thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế…/.
Ý kiến ()