Khai thác đá ở Hữu Lũng: Cần kiểm tra, giám sát chặt
(LSO) – Hữu Lũng là huyện có diện tích núi đá vôi lớn, số mỏ đá cũng nhiều nhất toàn tỉnh. Việc khai thác đá đã góp phần tạo nguồn thu không nhỏ cho huyện. Tuy nhiên, hoạt động này thời gian qua lại nảy sinh một số bất cập.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hữu Lũng, trên địa bàn hiện có 26 mỏ đá đang được các doanh nghiệp hoạt động khai thác. Với số lượng mỏ nhiều, số thu ngân sách của huyện ở lĩnh vực này cũng khá lớn. Như năm 2017, mặc dù có một số doanh nghiệp chậm nộp, nhưng số thu thuế cũng được gần 20 tỷ đồng, chiếm đến 20% tổng số thu nội địa của huyện.
Hoạt động khai thác, sàng tuyển tại mỏ đá Lân Nặm, xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng
Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích kinh tế, thời gian qua, hoạt động khai thác tại các mỏ đá còn những bất cập, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân xung quanh khu vực các mỏ đá, cũng như làm hư hỏng đường giao thông vào khu vực có mỏ đá.
Theo phản ánh của người dân xã Yên Vượng, vài năm trở lại đây, trên địa bàn xã xuất hiện nhiều doanh nghiệp khai thác đá gây ảnh hưởng tới môi trường. Tìm hiểu thực tế tại Yên Vượng, hiện trên địa bàn xã có 4 mỏ đá đang khai thác, những mỏ này đều có giấy phép hoạt động. Tuy vậy, hoạt động của các mỏ vẫn còn nhiều điều đáng quan ngại. Và thực tế, tại một số buổi tiếp xúc cử tri, người dân một số thôn ở xã Yên Vượng cũng đã phản ánh về mức độ nguy hiểm cho người dân từ hoạt động khai thác tại các mỏ đá.
Trong khoảng 2 năm trở lại đây, cơ quan báo chí trung ương cũng như địa phương đã có nhiều bài viết phản ánh về tình trạng khai thác đá tại huyện Hữu Lũng. Hầu hết tại các mỏ đá, hoạt động khai thác đều phát sinh những bất cập như: nổ mìn gây khói bụi, đá văng vào nhà dân, làm hỏng một số tuyến đường như: tỉnh lộ 243, 242 và một số tuyến đường liên xã. Trao đổi với ông Linh Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã Đồng Tân được biết, trên địa bàn xã hiện có 5 mỏ đá đang được các doanh nghiệp tổ chức khai thác. Trên thực tế, thời gian qua, hoạt động khai thác đá của một số doanh nghiệp gây ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân do khói bụi, và việc vận chuyển đá cũng khiến một số tuyến đường hỏng.
Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức một số đợt kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản nói chung trên địa bàn huyện Hữu Lũng, trong đó có kiểm tra hoạt động khai thác đá của một số doanh nghiệp. Qua kiểm tra, một số doanh nghiệp hoạt động khai thác đá vẫn chưa chấp hành đầy đủ quy định. Trong đó, có doanh nghiệp chưa có văn bản xác nhận thực hiện đầy đủ các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường. Cùng với đó, hoạt động khai thác của một số doanh nghiệp không đúng theo quy định, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động. Cụ thể là vi phạm về khai thác không tạo tầng, góc nghiêng tầng khai thác lớn hơn quy định, vi phạm về chiều cao tầng khai thác, điều này dẫn đến nguy cơ sạt lở đá.
Ông Nguyễn Vĩnh Phú, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hữu Lũng cho biết: Thời gian qua, huyện đã phối hợp với các đoàn của tỉnh kiểm tra, giám sát tại một số điểm mỏ đá. Một số vi phạm về việc chấp hành quy định trong khai thác đã được đoàn kiểm tra, giám sát lập biên bản xử lý và nhắc nhở. Thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động khai thác tại các mỏ đá.
Thực tế, có một điểm chung mà hầu hết các doanh nghiệp khai thác đá tại huyện Hữu Lũng chưa khắc phục được, đó là đảm bảo vệ sinh môi trường. Việc đảm bảo vệ sinh môi trường hiện nay của các doanh nghiệp khai thác đá chủ yếu mang tính đối phó (thỉnh thoảng mới phun nước khu vực khai thác và tuyến đường vận chuyển). Do vậy, thiết nghĩ, phía cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử nghiêm những doanh nghiệp vi phạm quy định về hoạt động khai thác đá.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()