Chủ nhật, 24/11/2024 16:40 [(GMT +7)]
Khai thác, chế biến khoáng sản: Còn những bất cập
Thứ 3, 24/04/2012 | 09:51:00 [(GMT +7)] A A
Hiện nay, để chấn chỉnh lại hoạt động này, UBND tỉnh đã tạm dừng cấp giấy phép thăm dò và khai thác khoáng sản theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Việc làm này cho thấy tỉnh Lạng Sơn đang thực sự vào cuộc một cách quyết liệt để chấn chỉnh lại hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn.
LSO-Qua hoạt động giám sát vừa kết thúc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn khóa 13 đã đưa ra nhiều kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền nhằm thực hiện có hiệu quả các quy định về quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và chấn chỉnh những bất cập trong hoạt động này trên địa bàn tỉnh.
Khai thác đá ở mỏ Thạch Phát, huyện Hữu Lũng làm ảnh hưởng
đến môi trường trong khu vực
Theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện trên địa bàn có 80 tổ chức hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản. Trong đó, có 96 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực. Quy mô khai thác và chế biến của các tổ chức này phần lớn là khai thác vật liệu xây dựng thông thường, công suất khai thác nhỏ, từ 10.000 đến dưới 50.000m3, sử dụng hình thức khai thác bán cơ giới kết hợp thủ công. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh chỉ có 3 xưởng chế biến gồm: 1 xưởng tuyển quặng sắt, 1 xưởng tuyển quặng đồng, 1 xưởng quặng chì kẽm, an-ti-mon. Tuy nhiên sản lượng chế biến đạt thấp do các cơ sở chế biến mới đi vào hoạt động. Duy chỉ có một nhà máy luyện chì thỏi Hâm Thiên công suất đạt 10.000 tấn/năm của Công ty TNHH Chế biến khoáng sản và luyện kim Hâm Thiên và 1 nhà máy luyện co-rin-đon công suất 20.000 tấn/năm của Công ty cổ phần Đá mài Hải Dương. Giá trị sản xuất công nghiệp trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản trong giai đoạn 2005 – 2010 tăng trưởng khá, từ 92,563 triệu đồng năm 2005 tăng lên 179.117 triệu đồng năm 2010. Trong giai đoạn này, số thu nộp ngân sách từ hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản được 244,8 tỷ đồng.
Về hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã đánh giá mặt được của hoạt động này là: thu hút được nhiều nguồn vốn, chủ động đáp ứng một phần cho nhu cầu sử dụng khoáng sản của ngành công nghiệp liên quan trên địa bàn tỉnh như sản xuất xi măng, xây dựng các công trình dân dụng, đường giao thông; đóng góp một phần đáng kể nguồn thu cho ngân sách nhà nước… Tuy nhiên, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản vẫn còn một số tồn tại, hạn chế là ảnh hưởng xấu đến môi trường, việc vận chuyển ảnh hưởng xấu đến hệ thống đường giao thông. Đại biểu Quốc hội Nông Thị Lâm đánh giá, qua kiểm tra, các doanh nghiệp, tổ chức khai thác, chế biến khoáng sản nào cũng có một số sai phạm nhất định. Đặc biệt, phần lớn các đơn vị khai thác chưa đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân sống trong khu vực khai thác. Không chỉ vậy, những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản ở Lạng Sơn hiện nay là công tác thăm dò, đánh giá trữ lượng, chất lượng khoáng sản chủ yếu vẫn dựa vào hồ sơ, tài liệu từ nhiều năm trước nên khó khăn cho công tác thăm dò, cấp phép khai thác và việc xác định trữ lượng khoáng sản của mỏ trong giấy phép sai lệnh nhiều so với thực tế. Hiện tỉnh vẫn chưa có quy hoạch chi tiết đối với một số loại khoáng sản trữ lượng lớn ở tỉnh như nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu đất sét, quặng sắt, antimon…, dẫn đến tình trạng khai thác không thống nhất. Phần lớn những doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản ở tỉnh là doanh nghiệp nhỏ, năng lực hạn chế. Tình trạng chia nhỏ mỏ khoáng sản có trữ lượng nhỏ để cấp phép cho nhiều đơn vị cùng khai thác đã gây khó khăn cho công tác quản lý khai thác, quản lý thuế.
Trao đổi về những khó khăn trong công tác kiểm tra, giám sát và xử lý những cơ sở vi phạm trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, ông Hồ Tiến Thiệu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết: đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản nhìn chung còn thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn; cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản cấp huyện và xã phần đông chưa được đào tạo kiến thức về khoáng sản và quản lý khoáng sản, làm việc kiêm nhiệm quá nhiều nên chưa nắm bắt kịp thời các thông tin về khoáng sản. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc đánh giá những vi phạm trong lĩnh vực này không được kịp thời.
Do công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chuyên môn và mỗi địa phương còn chưa chặt nên thời gian qua trên địa bàn Lạng Sơn vẫn còn xảy ra tình trạng khai thác trái phép một số tài nguyên, khoáng sản như: khai thác cát sỏi lòng các sông; khai thác vàng sa khoáng. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan chức năng tỉnh chưa thường xuyên, kịp thời và kiên quyết nên một số doanh nghiệp dù bị tạm dừng, thu hồi giấy phép nhưng vẫn hoạt động. Hiện nay, do khai thác các loại khoáng sản ở các huyện thuộc tỉnh Lạng Sơn phần lớn là quy mô nhỏ, bán cơ giới và thủ công nên đã xảy ra tình trạng lãng phí tài nguyên, chỉ lấy được những phần quặng giàu mà bỏ đi các quặng nghèo và khoáng sản đi cùng. Qua chuyến khảo sát thực tế của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, còn nhiều doanh nghiệp được cấp phép khai thác và chế biến khoáng sản cũng chưa chú trọng đến đầu tư, nâng cao trình độ công nghệ trong khai thác. Khai thác mang tính chất tận thu nên vi phạm kỹ thuật an toàn, do vậy, tai nạn lao động trong khai thác khoáng sản còn tiếp tục xảy ra và chưa có biện pháp hữu hiệu để khắc phục.
Hiện nay, để chấn chỉnh lại hoạt động này, UBND tỉnh đã tạm dừng cấp giấy phép thăm dò và khai thác khoáng sản theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Việc làm này cho thấy tỉnh Lạng Sơn đang thực sự vào cuộc một cách quyết liệt để chấn chỉnh lại hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Trí Dũng
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()