Trên thế giới, đến nay không nhiều quốc gia mà Thủ đô có bề dày lịch sử nghìn năm như Thăng Long – Hà Nội. Gần như liên tục, mười thế kỷ, Thăng Long – Hà Nội là kinh đô – thủ đô, trung tâm chính trị, hành chính của đất nước. Thời gian ấy, vai trò ấy khiến Thăng Long – Hà Nội, như một lẽ tự nhiên, thật sự trở thành trái tim của Việt Nam.
Trên những ý nghĩa như vậy, Đảng và Nhà nước ta, Đảng bộ và chính quyền thành phố Hà Nội, ngay từ những năm cuối thập kỷ trước, đã triển khai nhiều kế hoạch chuẩn bị cho đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Ngày 4-5-1998 Bộ Chính trị ra Chỉ thị 32/CT-T.Ư về Kỷ niệm 990 năm và 1000 năm Thăng Long – Hà Nội nêu rõ: “Đây là một sự kiện trọng đại trong lịch sử nước nhà. Bởi vậy, việc tổ chức kỷ niệm 1000 năm Thăng Long là sự biểu thị tình cảm và đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam đối với các thế hệ cha ông đã có công dựng nước, giữ nước; là dịp giáo dục truyền thống lịch sử và cách mạng của dân tộc, động viên toàn Đảng, toàn dân phấn đấu xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Đây cũng là dịp để giới thiệu và nâng cao tầm vóc của Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung ở khu vực và trên thế giới”. Trong số các hoạt động gắn với sự kiện trọng đại này, nghiên cứu khoa học về Thăng Long – Hà Nội là một trọng tâm. Nhiều đề tài khoa học đề cập các mặt của đời sống Thăng Long – Hà Nội đã được thực hiện.
Với mục tiêu tổng kết toàn bộ lịch sử nghìn năm Thăng Long – Hà Nội, định hướng phát triển Thủ đô trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Chương trình khoa học và công nghệ cấp Nhà nước Nghiên cứu phát huy điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử – văn hóa 1000 năm Thăng Long – Hà Nội phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô, mã số KX.09 do GS, TS Phùng Hữu Phú làm Chủ nhiệm, UBND thành phố Hà Nội là cơ quan chủ trì đã được triển khai từ đầu năm 2005. Chương trình gồm 11 đề tài nghiên cứu từng lĩnh vực cụ thể của đời sống Thăng Long – Hà Nội và một đề tài có tính tổng kết, mang mã số từ KX.09.01 đến KX.09.12. Các đề tài đó là: Phân tích đánh giá điều kiện tự nhiên, địa lý, địa chất, môi trường góp phần định hướng phát triển không gian của Thủ đô Hà Nội trong nửa đầu thế kỷ XX; Thăng Long – Hà Nội với vai trò trung tâm chính trị, hành chính của đất nước – những bài học về quản lý và phát triển; Bài học kinh nghiệm hoạt động đối ngoại của Thăng Long – Hà Nội; Bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp giải phóng, bảo vệ Thăng Long – Hà Nội; Quá trình đô thị hóa ở Thăng Long – Hà Nội; kinh nghiệm lịch sử và định hướng quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Kinh tế hàng hóa Thăng Long – Hà Nội: đặc trưng và kinh nghiệm; Giáo dục và đào tạo Thăng Long – Hà Nội; Định hướng phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Phát triển khoa học và trọng dụng nhân tài của Thăng Long – Hà Nội; Bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử – văn hóa, cách mạng tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội; Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể của Thăng Long – Hà Nội; Những phẩm chất nhân cách đặc trưng của người Hà Nội trong quá trình xây dựng và bảo vệ Thủ đô; Phương hướng, giải pháp lớn phát huy tiềm lực tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử – văn hóa để phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội đến năm 2020. Đây là chương trình nghiên cứu khoa học lớn nhất về Thăng Long – Hà Nội từ trước đến nay, giải quyết một cách toàn diện những vấn đề cơ bản liên quan đến đời sống Thăng Long – Hà Nội qua mười thế kỷ, xác định những tiềm lực tích hợp từ truyền thống, ngưng đọng trong hiện tại, đề xuất quan điểm, định hướng và giải pháp nhằm phát huy hiệu quả tiềm lực đó phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững Thủ đô.
Các đề tài cụ thể đã hoàn thành và được nghiệm thu trong các năm 2008-2009. Đề tài cuối cùng, tổng kết toàn bộ chương trình, do GS, TS Phùng Hữu Phú trực tiếp làm Chủ nhiệm, được tổ chức nghiệm thu cấp Nhà nước ngày 7-8-2010 tại Hội trường UBND thành phố Hà Nội.
Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu của đề tài tập trung làm rõ tiềm năng và thực trạng sử dụng các nguồn lực (tự nhiên, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội) của Thủ đô; những bài học lịch sử trong xác định đúng vị trí, vai trò của Thăng Long – Hà Nội, trong khai thác gắn với bồi đắp các nguồn lực, trong xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý; những thời cơ, thách thức và tầm nhìn đến năm 2050; định hướng phát triển Thủ đô bền vững với năm quan điểm, tám định hướng và chín giải pháp lớn. Xuyên suốt, những vấn đề có tính căn cốt nhất, chi phối nhất đến phát triển Thủ đô trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần phải thực hiện là:
Thứ nhất, cần phải quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch Thủ đô một cách khoa học và hiệu quả nhất.
Thứ hai, cần phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách mạnh mẽ phù hợp với đặc thù của đô thị vừa đóng vai trò trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, vừa là đô thị đa chức năng trung tâm.
Thứ ba, cần phải xây dựng văn hóa Thủ đô thành mẫu mực và hình ảnh của văn hóa Việt Nam, thành điểm hướng tâm của nhân dân cả nước, của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thành cơ sở tinh thần của sự hình thành mối liên kết quốc gia và thống nhất dân tộc.
Thứ tư, cần phải nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị, trong đó quan trọng nhất là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ vừa giỏi về nghiệp vụ quản lý, vừa thể hiện được sắc thái văn hóa Thăng Long – Hà Nội trong lãnh đạo và quản lý.
Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước (do GS, TS Đỗ Hoài Nam làm Chủ tịch) đều nhất trí đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài và bỏ phiếu xếp loại xuất sắc; đồng thời kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ cùng UBND thành phố Hà Nội cần sớm có kế hoạch tiếp tục triển khai việc nghiên cứu đánh giá các tiềm lực của Thủ đô sau ngày mở rộng địa giới. Đánh giá chung về chương trình, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, đây là một trong những chương trình khoa học và công nghệ thành công nhất, có giá trị khoa học và thực tiễn to lớn. Kết quả cuối cùng của tất cả các đề tài thuộc Chương trình KX.09 đều được thể hiện dưới dạng các công trình nghiên cứu khoa học và công bố trong “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” sẽ xuất bản trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Phát biểu ý kiến tại buổi nghiệm thu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao sự đóng góp trí tuệ của các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học Trung ương trong quá trình triển khai chương trình, nhất là với đề tài mang tính tổng kết này. Đó là một biểu hiện rõ rệt tinh thần trách nhiệm của giới khoa học với Thủ đô và cũng là biểu hiện sinh động của thái độ trọng thị, cách thức huy động sự đóng góp giới khoa học với Thủ đô của lãnh đạo thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể thì việc huy động tiềm năng chất xám và trách nhiệm của giới trí thức với Thủ đô vẫn còn hạn chế. Từ thực tiễn triển khai chương trình khoa học này thành phố Hà Nội sẽ có thêm kinh nghiệm để khai thác và phát huy tốt hơn nữa tiềm lực trí tuệ to lớn đó.
Ý kiến ()