Khai quật di chỉ cổ sinh hang Cốc Mười: Giải mã những bí ẩn cách đây hơn 100 nghìn năm
LSO-Đầu tháng 8 vừa qua, Viện Khảo cổ học đã phối hợp với các chuyên gia nghiên cứu cổ sinh, địa chất nước Pháp và Úc, cùng với ngành bảo tàng địa phương tổ chức khai quật di chỉ cổ sinh tại hang Cốc Mười (xã Chí Minh, huyện Tràng Định), đã hé mở những bí ẩn mới của di chỉ cổ sinh này.
LSO-Đầu tháng 8 vừa qua, Viện Khảo cổ học đã phối hợp với các chuyên gia nghiên cứu cổ sinh, địa chất nước Pháp và Úc, cùng với ngành bảo tàng địa phương tổ chức khai quật di chỉ cổ sinh tại hang Cốc Mười (xã Chí Minh, huyện Tràng Định), đã hé mở những bí ẩn mới của di chỉ cổ sinh này.
Chuyên gia nước ngoài khẳng định những gì khai quật được ở hang Cốc Mười có tính chất nghiên cứu toàn cầu |
Suốt quá trình khai quật khảo cổ tại hang Cốc Mười hay còn gọi là hang Bãi Đá, thuộc thôn Lũng Phầy, xã Chí Minh, huyện Tràng Định, các chuyên gia của Viện Khảo cổ học và chuyên gia đến từ nước Pháp và nước Úc đã vô cùng ngạc nhiên đối với những kết quả có được của quá trình khai quật tại hang. Nhiều hơn dự kiến đó là số lượng và thành phần loài động vật hóa thạch mà đoàn chuyên gia đã tìm thấy sau khi tiến hành mở 3 hố khai quật ở các vị trí khác nhau trong cùng một hang. Quần thể động vật tìm thấy trong hang có thành phần loài khá đa dạng với 17 loài như đười ươi, gấu tre, voi răng kiếm, lợn nòi, tê giác, hổ, chó sói, khỉ đuôi dài.. Kết quả phân loài bước đầu cho thấy cấu trúc động vật ở đây có một số đặc điểm khác biệt so với những di chỉ cổ sinh đã được nghiên cứu trước đây như có hiện tượng vượt trội về số lượng các xương, răng tê giác và các nhóm thú ăn thịt…Với các mẫu trầm tích và các xương động vật hóa thạch đã được xác định niên đại, đoàn cán bộ khảo cổ bước đầu kết luận các động vật hóa thạch có tuổi trên 114 nghìn năm cách ngày nay.
Thạc sỹ Nguyễn Thị Mai Hương, Trưởng phòng Nghiên cứu con người và Môi trường cổ, Viện Khảo cổ học cho biết, trong số hàng trăm hóa thạch răng và xương động vật vừa được phát hiện ở hang Cốc Mười (huyện Tràng Định, Lạng Sơn), ngoài một số loài, nhóm thú ăn thịt thì đặc biệt còn khai quật, phát hiện có cả hóa thạch răng của loài voi răng kiếm, tê giác – những loài hiện tuyệt chủng. Sau khi xem xét và phân tích, hóa thạch răng của voi răng kiếm này có niên đại cách đây 18 – 20 vạn năm, tương đương với niên đại của địa điểm Kéo Lèng (Bình Gia, Lạng Sơn) đã khai quật năm 1965. Thạc sỹ Mai Hương nhận định: phát hiện ra hóa thạch răng voi răng kiếm tại Tràng Định (Lạng Sơn) là tư liệu khoa học vô cùng quý giá. Voi răng kiếm tồn tại trên trái đất trong khoảng 11,6 triệu năm cho đến 4.100 năm trước. Chúng được coi là có họ hàng với giống Loxodonta (“giống như” loài voi châu Phi – Loxodonta Africana, Mammuthus (tức voi Ma-mút, bị tuyệt diệt cách nay chừng 10.000 năm) và Elephas (hiện còn “hậu duệ” duy nhất là loài voi châu Á – Elephas maximus) xuất hiện trong thể Pliocene.
Không chỉ tìm thấy những dấu tích của động vật hóa thạch trưởng thành, tại di chỉ này, đoàn khảo cổ còn tìm thấy nhiều dấu tích hóa thạch như răng, xương của các động vật ăn thịt còn non…. Theo nhận định ban đầu của đoàn chuyên gia trong và ngoài nước thì trước đây, quanh khu vực hang Bãi Đá là rừng rậm, có nhiều cây tre, cây trúc… Khi nước ngập cao quá cửa hang thì các hóa thạch bị nước cuốn được đưa vào trong hang. Trên một số chân răng và hầu hết các mảnh xương đều có vết gặm nhấm, do vậy cũng có thể một phần các hóa thạch này được động vật mang vào trong hang, hoặc bị gặm nhấm trước khi bị nước cuốn vào hang. Bên cạnh các mẫu hóa thạch của voi răng kiếm, của tê giác, lợn rừng, khỉ, trâu, bò rừng…, đặc biệt, khi khai quật, các chuyên gia đã tìm thấy trong số này còn có một hóa thạch xương động vật có dấu vết ghè, rất có thể là một công cụ mũi nhọn của con người thuộc thời đại đá cũ để lại trong hang ở Tràng Định. Cùng tham gia trong đợt khai quật vừa qua, tiến sỹ Hoàng Văn Páo, Giám đốc Sở VH-TT&DL Lạng Sơn cho biết, với những phát hiện về động vật hóa thạch, di chỉ hang Cốc Mười sẽ là một mắt xích rất quan trọng trong nghiên cứu cổ sinh của môi trường trong khu vực Đông Nam Á – Nam Trung Hoa trong giai đoạn Pleistocene ( Pờ le Tô cen). Đoàn cán bộ khảo cổ cũng nhận định những phát hiện hóa thạch này sẽ có ý nghĩa to lớn đối với khoa học khảo cổ của nước ta nói riêng và của thế giới nói chung… từ đó sẽ góp phần làm rõ hơn những điều chưa biết về môi trường cổ, khí hậu cổ của Việt Nam, các nước trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á…
Đồng quan điểm với tiến sỹ Páo, tiến sỹ Anne-Marie-Ba-Con- Chuyên gia đến từ Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp cho rằng: “Đây không phải là một công trình nghiên cứu của riêng huyện Tràng Định, của riêng tỉnh Lạng Sơn mà cao hơn cả đó là một công trình nghiên cứu có tính chất toàn cầu. Sau khi tiến hành khai quật tại huyện Tràng Định, nhóm chuyên gia chúng tôi đã có những kết quả ngoài mong muốn, chúng tôi đã tìm thấy rất nhiều hóa thạch động vật tại di chỉ này. Chúng sẽ giúp chúng tôi nghiên cứu sâu hơn, rõ hơn về môi trường cổ, địa tầng cổ và khí hậu cổ hàng trăm nghìn năm trước đây. Dù là một di chỉ khảo cổ mới, có niên đại muộn hơn di chỉ khảo cổ hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai của huyện Bình Gia… nhưng những hóa thạch phát hiện tại di chỉ hang Cốc Mười có những giá trị khảo cổ rất lớn. Chuyến đi này chúng tôi thấy rất thành công!”
Theo các chuyên gia, di chỉ khảo cổ tại hang Bãi Đá (hay còn gọi là hang Cốc Mười) là một trong rất ít những di chỉ cổ sinh học có trữ lượng hóa thạch lớn và đa dạng. Tuy nhiên trong điều kiện cho phép, đoàn khảo cổ của chưa thể khai quật trọn vẹn di chỉ khảo cổ hang Cốc Mười và những khu vực lân cận. Nhưng với những trữ lượng hóa thạch lớn đã tìm thấy, đoàn khảo cổ tin rằng tại di chỉ hang Cốc Mười và những khu vực xung quanh di chỉ vẫn còn những điều bí ẩn về khảo cổ, đủ để tiếp tục tiến hành khai quật, nghiên cứu sau này. Vì thế đoàn khảo cổ mong muốn các cấp chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, có biện pháp bảo vệ, khoanh vùng khu vực di tích tránh những tác động không tốt tới di chỉ.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()