Khai mở thị trường Tứ Xuyên (Trung Quốc)
Tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) với quy mô dân số lớn và có các thế mạnh về du lịch, công nghiệp nặng, công nghiệp chế tạo, khai khoáng và cơ sở giao thông vận tải hiện đại đang là một thị trường hết sức tiềm năng với hàng hóa Việt Nam. Đặc biệt, khi sức mua tại thị trường Mỹ và châu Âu đang gặp khó, Trung Quốc nói chung, Tứ Xuyên nói riêng là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu mà Việt Nam cần đẩy mạnh khơi thông.
Những năm gần đây, hợp tác Việt Nam-Tứ Xuyên (Trung Quốc) không ngừng đi vào chiều sâu và ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực, nhờ tận dụng tốt lợi thế, cơ hội do Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mang lại và sự kết nối của tuyến đường sắt liên vận Trung Quốc-Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Tài, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, với những tiềm năng đang có của hai bên, hợp tác thương mại giữa tỉnh Tứ Xuyên và Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và tỉnh Tứ Xuyên đạt khoảng 11,3 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 7,4% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh Tứ Xuyên. Hơn nữa, năm 2022, do ảnh hưởng của dịch bệnh, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên sụt giảm khoảng 20% so với năm 2021.
Tứ Xuyên có dân số khoảng 84 triệu người, quy mô dân số đứng thứ 4, quy mô kinh tế đứng thứ 6 trong các tỉnh, thành phố của Trung Quốc. Hiện tại, trong bối cảnh hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc cơ bản khôi phục hoàn toàn như trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, có thể thấy tiềm năng và dư địa để khai thác, phát triển hợp tác kinh tế, thương mại giữa các địa phương của Việt Nam và tỉnh Tứ Xuyên còn rất lớn. “Tứ Xuyên là một trong những điểm đầu mối logistics đi châu Âu và đặc biệt, Việt Nam đã có đường sắt vận chuyển thẳng từ Hà Nội sang Thành Đô (Tứ Xuyên). Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy, hải sản”, ông Lê Hoàng Tài nhận định.
Hoạt động xúc tiến thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam và tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) tại Hà Nội. |
Nói rõ hơn về lợi thế của tỉnh Tứ Xuyên, Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến thương mại tỉnh Tứ Xuyên, bà Hoàng Lê cho biết: “Tứ Xuyên có vị thế quan trọng, nằm trong các quy hoạch chiến lược phát triển liên kết vùng trọng điểm của Trung Quốc. Do đó, Tứ Xuyên có vai trò kết nối liên thông giữa khu vực nội địa Trung Quốc với các nước láng giềng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Nổi bật, ngày 18-4-2022, Trung Quốc khai trương chuyến tàu chở hàng đầu tiên từ Thành Đô (Tứ Xuyên) đến Hà Nội. Đó là chuyến tàu Shuangliu (Song Lưu)-mô hình liên vận tải quốc tế đường không-đường sắt. Ngày 11-6-2022, tuyến vận tải đường bộ cao tốc xuyên biên giới ASEAN-Việt Nam-Trung Quốc (Tứ Xuyên) đã được thông xe hai chiều để hỗ trợ việc xây dựng hành lang vận chuyển liên vận đất liền-trên biển mới ở phía Tây Trung Quốc. Lô hàng đầu tiên được vận chuyển từ Tứ Xuyên đi các nước ASEAN là linh kiện máy tính, khởi hành từ Thành Đô đến Hà Nội sau 6 ngày, đánh dấu việc chính thức khai trương tuyến vận tải cao tốc xuyên biên giới “Thành Đô-ASEAN”. Ngày 29-9-2022, Trung Quốc tiếp tục khai trương chuyến tàu vận tải thẳng từ Thành Đô đến ga Đồng Đăng (Lạng Sơn, Việt Nam), mở ra một kênh hậu cần quốc tế mới, an toàn và nhanh chóng để vận tải hàng hóa từ Tứ Xuyên đến các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam”.
Để tận dụng cơ hội thị trường khi Trung Quốc mở cửa lại nền kinh tế, Bộ Công Thương cho biết, từ nay tới cuối năm sẽ có rất nhiều đoàn doanh nghiệp các địa phương Trung Quốc tới Việt Nam để khảo sát, tìm kiếm cơ hội hợp tác thương mại đầu tư. Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam mang sản phẩm sang những hội chợ, triển lãm lớn, chuyên ngành tại Trung Quốc.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/khai-mo-thi-truong-tu-xuyen-trung-quoc-724680
Ý kiến ()