Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ tám, QH khóa XII
* Các đồng chí: Nông Đức Mạnh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nguyễn MinhTriết, Trần Đức Lương, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Văn An, Trương Tấn Sang và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam tới dự * Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đọc Diễn văn khai mạc * Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và nhiệm vụ năm 2011 * Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm đọc Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nướcĐúng 9 giờ hôm qua, ngày 20-10, tại Hà Nội, đã khai mạc trọng thể kỳ họp thứ tám, Quốc hội (QH) khóa XII. Các đồng chí: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Tổng Bí thư: Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng; nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An; Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Đồng chí Huỳnh...
* Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đọc Diễn văn khai mạc
* Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội năm 2010 và nhiệm vụ năm 2011
* Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm đọc Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước
Đúng 9 giờ hôm qua, ngày 20-10, tại Hà Nội, đã khai mạc trọng thể kỳ họp thứ tám, Quốc hội (QH) khóa XII. Các đồng chí: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Tổng Bí thư: Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng; nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An; Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Đồng chí Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các đồng chí lão thành cách mạng, nhiều đại biểu QH các khóa trước, đại diện các Đoàn Ngoại giao, các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và nước ngoài đã tới dự.
Trước giờ khai mạc, các đại biểu QH đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại phiên họp trù bị, các đại biểu QH đã biểu quyết thông qua chương trình làm việc của kỳ họp thứ tám, QH khóa XII. Các vị đại biểu QH mặc niệm những người tử nạn do lũ lụt tại miền trung gây ra. Trước khi kết thúc phiên họp trù bị, các vị đại biểu QH đã tham gia đóng góp ủng hộ đồng bào bị lũ lụt.
Đọc diễn văn khai mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Kỳ họp thứ tám của QH khóa XII diễn ra trong bối cảnh cả nước vừa long trọng tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, một sự kiện có ý nghĩa vô cùng to lớn, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nỗ lực phấn đấu đạt nhiều thắng lợi mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là thời điểm sắp kết thúc năm 2010, năm mà đất nước ta vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động bất lợi từ cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu và thiên tai, dịch bệnh, nhưng dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự giám sát có hiệu quả của QH, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, chúng ta đã thực hiện có kết quả kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH). Những kết quả đạt được trong năm 2010 có ý nghĩa quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm năm 2006-2010 theo Nghị quyết của QH và tạo đà cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT- XH trong các năm sau. (Toàn văn diễn văn khai mạc đăng số báo hôm nay).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình KT-XH năm 2010 và nhiệm vụ năm 2011. Thủ tướng cho biết, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của QH, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 03 ngày 15-1-2010, với tám nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Tiếp đó, Chính phủ đã phân tích tình hình các mặt và đã ban hành Nghị quyết số 18 ngày 6-4-2010, với nhiều giải pháp cụ thể nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010. Những kết quả vừa qua đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của Kế hoạch phát triển KT-XH năm năm 2006 – 2010, tạo điều kiện thuận lợi để đất nước phát triển cao hơn trong giai đoạn tiếp theo. (Toàn văn Báo cáo đăng số báo hôm nay).
Đồng chí Huỳnh Đảm, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới QH. Báo cáo cho biết: Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ tám, QH khóa XII, Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam phối hợp Ủy ban Thường vụ QH đã tập hợp được 1.275 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới QH. Cử tri và nhân dân còn nhiều băn khoăn, lo lắng về sự phát triển chưa vững chắc của nền kinh tế; lạm phát, giá cả các mặt hàng thiết yếu, lãi suất ngân hàng tăng cao, thiếu điện và điện bị cắt thường xuyên ở nhiều nơi; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân chưa tốt; tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn chưa giảm; vấn đề vệ sinh, môi trường, an toàn thực phẩm, dịch bệnh và thiên tai bão lũ vẫn diễn biến phức tạp; tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng ở nhiều nơi; tình trạng bạo lực học đường, bạo lực trong gia đình đang gây bức xúc trong dư luận xã hội; việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, xã hội còn chậm, làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân và sự phát triển của đất nước. Tại kỳ họp này của QH, cử tri và nhân dân cả nước đã kiến nghị một số vấn đề chủ yếu. Về xây dựng Nhà nước, xây dựng pháp luật, thực hiện nghị quyết của QH. Hiện nay các cơ quan của QH đang xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu QH và Luật Bầu cử đại biểu HĐND để trình QH thông qua tại kỳ họp này, làm cơ sở cho cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 trong cùng một ngày. Cử tri và nhân dân kiến nghị QH xây dựng dự án luật này theo hướng mở rộng và phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân trong việc lựa chọn bầu những người có đủ phẩm chất, năng lực, xứng đáng là người đại biểu của nhân dân vào các cơ quan quyền lực Nhà nước.
Việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường hơn một năm qua tại mười tỉnh, thành phố được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm. Đây là vấn đề lớn, hệ trọng, nhạy cảm, liên quan đến Hiến pháp và bộ máy chính quyền các cấp ở địa phương. Nhiều cử tri và nhân dân băn khoăn thời gian thí điểm chưa lâu, chưa đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để đánh giá và kết luận về việc này, vì thế chưa nên áp dụng rộng rãi ở các địa phương khác. Cử tri và nhân dân kiến nghị QH cần xem xét, đánh giá một cách khách quan, toàn diện để có quyết định phù hợp.
Về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, năm 2010, tình hình khiếu nại, tố cáo còn nhiều diễn biến phức tạp. Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ cần sớm chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên. Mặt khác, cũng cần có biện pháp nghiêm khắc đối với những trường hợp kích động người khác tụ tập đông người nhằm gây sức ép đối với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Chung quanh thực trạng ý thức trách nhiệm thi hành công vụ, thái độ phục vụ của phần lớn cán bộ, công chức tuy có chuyển biến nhưng vẫn chậm; trong khi một bộ phận công chức còn thiếu trách nhiệm, hạn chế năng lực, thậm chí tìm cách vòi vĩnh tiền của nhân dân; cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo triển khai vấn đề này quyết liệt hơn nữa; đồng thời có biện pháp giáo dục cán bộ, công chức thực hiện đúng vai trò 'công bộc của nhân dân' như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Đối với vụ việc tiêu cực của Tập đoàn Vinashin, cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ làm rõ những sai phạm của lãnh đạo Tập đoàn Vinashin và trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, các bộ có liên quan và xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân vi phạm; đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tiến hành các hoạt động kiểm tra, đánh giá đúng thực trạng về tình hình tài chính cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước khác.
Trong buổi sáng, các đại biểu đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền, trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển
KT- XH năm 2010 và phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển KT- XH năm 2011. Báo cáo nêu rõ: Năm 2010, nền kinh tế nước ta, tuy được đánh giá là vượt qua giai đoạn suy giảm và trên đường lấy lại đà phục hồi tăng trưởng từ những tháng cuối năm 2009, nhưng vẫn phải đối mặt với thách thức rất lớn. Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và cho rằng, mặc dù năm 2010 còn gặp nhiều khó khăn, song với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, với sự nhanh nhạy trong chỉ đạo, điều hành và quyết liệt trong tổ chức thực hiện, chúng ta đã đạt được kết quả khá toàn diện. Trong đó, đã đạt được mục tiêu theo Nghị quyết của QH là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2009. Trong 21 chỉ tiêu theo Nghị quyết của QH, có 15 chỉ tiêu đạt và vượt so kế hoạch, trong đó có nhiều chỉ tiêu chủ yếu, góp phần quan trọng hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH của Kế hoạch năm năm 2006- 2010, tạo không khí phấn khởi trong năm kỷ niệm nhiều sự kiện quan trọng của đất nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo thẩm tra cũng đề cập KT-XH nước ta còn bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém, đòi hỏi cần được phân tích thấu đáo và có biện pháp cụ thể nhằm tạo bước chuyển biến cho những năm tiếp theo. Kinh tế vĩ mô vẫn thiếu nền tảng vững chắc, chất lượng tăng trưởng thấp, tiềm ẩn không ít bất trắc, nếu không sớm khắc phục có thể ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định trong những năm tiếp theo.
Trong bối cảnh năm 2011 là năm đầu tiên của kế hoạch năm năm 2011-2015, là năm diễn ra chuyển giao nhiệm kỳ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Ủy ban Kinh tế của QH tán thành với nhiều giải pháp trong Báo cáo của Chính phủ, đồng thời nhấn mạnh một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần quan tâm thực hiện về thay đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới phát triển bền vững. Theo đó tập trung nhấn mạnh các vấn đề: Chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để tăng cường ổn định vĩ mô, từng bước khắc phục tình trạng nhập siêu, mất cân bằng cán cân thanh toán và cân đối ngoại tệ. Điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng giảm tỷ lệ đầu tư từ ngân sách nhà nước, khuyến khích và thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khác; điều chỉnh cơ cấu ngành công nghiệp một cách căn bản nhằm nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, tăng đầu tư cho khu vực nông nghiệp và nông thôn. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải cách hành chính, cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng…
Buổi chiều, các đại biểu QH nghe Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2010; dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2011. Tiếp đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển, thay mặt Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, trình bày Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện dự toán NSNN năm 2010; dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2011. Báo cáo thẩm tra cho biết, phần lớn ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị nên dành mức từ 6.000 đến mười nghìn tỷ đồng để giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2010 nhằm giảm áp lực về tăng bội chi NSNN những năm sau. Đồng thời đề nghị Chính phủ cân nhắc giảm bội chi từ 5,95% GDP xuống mức 5,5% GDP để làm cơ sở vững chắc giảm dần bội chi NSNN trong những năm tiếp theo. Về huy động, sử dụng vốn trái phiếu của Chính phủ năm 2011, Chính phủ đề nghị phát hành 45 nghìn tỷ đồng. Qua giám sát việc quản lý, phân bổ và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2003-2010, Ủy ban Tài chính – Ngân sách nêu rõ, quá trình triển khai thực hiện vốn trái phiếu Chính phủ đã đạt được những kết quả tích cực, đáp ứng yêu cầu tăng cường cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế – xã hội ở nông thôn, chất lượng nguồn nhân lực. Để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, căn cứ khả năng và nhu cầu duy trì mức dư nợ Chính phủ hợp lý, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị phát hành từ khoảng 40 nghìn đến 45 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ.
Qua phân tích tình hình dự toán NSNN năm 2011 và các nội dung liên quan đến ngân sách Chính phủ trình, Ủy ban Tài chính – Ngân sách kiến nghị: Mặc dù nợ công đang ở mức an toàn cho phép, song là khá cao, vì vậy đề nghị Chính phủ sớm trình QH các chỉ tiêu quản lý nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công, đồng thời cơ cấu lại các khoản nợ, tính tới yếu tố trượt giá đồng tiền vay, kiểm soát chặt chẽ nợ Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp và cả các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước đi vay không có sự bảo lãnh của Chính phủ, nên khống chế mức nợ công không quá 60% GDP. Giai đoạn 2011-2015 có ý nghĩa rất quan trọng, việc đổi mới chính sách tài khóa và cơ cấu lại thu chi NSNN cần có những bước đột phá. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần xây dựng Chiến lược Tài chính mười năm (2011-2020), kế hoạch tài chính trung hạn cho giai đoạn 2011-2015, với các chỉ tiêu cơ bản như tổng thu, chi cân đối NSNN, bội chi NSNN, mức nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia để trình QH cùng với Báo cáo đánh giá thực hiện NSNN hằng năm và dự toán NSNN của năm tiếp theo.
Về nguyên tắc phân bổ Ngân sách trung ương năm 2011, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cơ bản thống nhất với Chính phủ và đề nghị ưu tiên chi cho con người, tiếp tục thực hiện chính sách cải cách tiền lương, bảo đảm chi cho an sinh xã hội và các đối tượng chính sách xã hội. Ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư cho các công trình quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành ngay trong năm 2011 để sớm phát huy hiệu quả…
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm (KDBH). Luật này được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ tám thông qua ngày 9-12-2000, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-4-2001. Qua mười năm thực hiện, Luật KDBH đã tạo điều kiện cho thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế, đồng thời đã tạo ra khuôn khổ pháp lý để duy trì trật tự, kỷ cương, ngăn ngừa những hành vi trục lợi trong lĩnh vực bảo hiểm. Kể từ khi Luật KDBH ra đời, số doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đã tăng từ 14 lên 50 DNBH, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, thuộc mọi thành phần kinh tế. Nội dung sửa đổi, bổ sung gồm ba nhóm vấn đề, liên quan đến mười nội dung tại 16 điều, trong tổng số 129 điều của Luật KDBH hiện hành.
Các đại biểu QH nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này, nêu rõ: Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KDBH lần này được dựa trên cơ sở đánh giá kết quả mười năm thực hiện Luật KDBH hiện hành và xuất phát từ những nhu cầu bức xúc trong thực tế hoạt động. Các nội dung sửa đổi, bổ sung đã được chuẩn bị khá kỹ, đã tiếp thu ý kiến của các đối tượng có liên quan, nhất là các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Phạm vi và các nội dung sửa đổi, bổ sung Chính phủ trình lần này chỉ tập trung vào một số vấn đề, đó là: sửa đổi, bổ sung để phù hợp với cam kết Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm…
Theo Nhandan
Ý kiến ()