Khai mạc triển lãm quốc tế về ngành chăn nuôi
Triển lãm quốc tế về ngành chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi và chế biến thịt (Vietstock 2014) với chủ đề “Tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” đã khai mạc ngày 15/10 tại Trung tâm triển lãm và hội chợ Sài Gòn (quận 7, Tp. Hồ Chí Minh).
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp trong và ngoài nước giới thiệu các thành tựu khoa học kỹ thuật, những vấn đề liên kết, quản lý theo chuỗi sản phẩm và những công nghệ mới trong lĩnh vực chăn nuôi. Đồng thời là dịp để các nhà khoa học, nhà quản lý và người chăn nuôi Việt Nam tiếp xúc, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, cập nhật và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới trong điều kiện Việt Nam. Đây cũng là dịp để các nhà đầu tư có cơ hội tìm hiểu, đầu tư nhiều hơn vào ngành chăn nuôi Việt Nam.
Triển lãm Vietstock năm nay quy tụ nhiều thương hiệu lớn với hơn 250 gian hàng tham gia, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, thiết bị, công nghệ, dịch vụ phục vụ cho ngành chăn nuôi, từ nguyên liệu, phụ gia, cho thức ăn chăn nuôi đến thiết bị dành cho nhà máy thức ăn chăn nuôi. Điểm nổi bật của triển lãm năm nay còn có sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ Cộng hoà Séc, Đan Mạch, Anh và Hà Lan.
Ông M.Gandhi, Giám đốc Điều hành Công ty UBM Asia, khu vực Đông Nam Á nhận định: chủ đề của triển lãm Vietstock năm nay là kịp thời và phù hợp với tình hình phát triển của Việt Nam. Đặc biệt, tái cơ cấu ngành chăn nuôi Việt Nam có thể cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện cho Việt Nam cạnh tranh hơn, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu trong khu vực ASEAN và các thị trường khác, đồng thời đáp ứng nhu cầu gia tăng của thị trường trong nước về nâng cao chất lượng thực phẩm, dinh dưỡng và an toàn.
Trong khuôn khổ triển lãm còn có các hội thảo bàn về các vấn đề nóng hiện nay của ngành chăn nuôi như quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm trong thức ăn chăn nuôi; cơ hội và thách thức của ngành chế biến thịt tại Việt Nam; giải pháp cho những thách thức về dịch bệnh; cải thiện năng suất thông qua dinh dưỡng…
Theo Cục Chăn nuôi, ngành chăn nuôi Việt Nam trong những năm qua đang chuyển dần từ chăn nuôi truyền thống nhỏ, phân tán sang chăn nuôi gia trại, trang trại công nghiệp gắn với giết mổ chế biến tập trung, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng chăn nuôi bình quân hơn mười năm qua đạt 6-7%/năm. Năm 2000, tổng sản lượng thịt của ngành chăn nuôi Việt Nam chỉ đạt 1,83 triệu tấn, đến năm 2013 đã tăng lên gần 2,3 lần, đạt 4,33 triệu tấn; đưa sản lượng thịt bình quân đầu người tăng từ 23,6 kg năm 2000 lên trên 48,5 kg vào năm 2013. Kết quả này một phần lớn là do có sự chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, thức ăn và kỹ thuật chăn nuôi vào sản xuất cho người chăn nuôi.
Triển lãm sẽ kết thúc vào ngày 17/10.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()