Khai mạc Triển lãm Quốc tế ngành Công nghiệp dệt và may, thiết bị và nguyên phụ liệu
Ngày 1/11, Triển lãm Quốc tế ngành Công nghiệp dệt và may, thiết bị và nguyên phụ liệu 2017 (HANOITEX - Việt Nam 2017) đã chính thức khai mạc với sự tham gia của hơn 150 công ty đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Triển lãm thu hút đông đảo khách tham quan (Ảnh: K.D)
Phát biểu khai mạc Triển lãm, Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường cho biết, HANOITEX 2017 là sự kiện triển lãm quốc tế được tổ chức 2 năm một lần tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh của ngành công nghiệp dệt và may, thiết bị và nguyên phụ liệu. Với tổng diện tích trưng bày trên 6.000m2, HANOITEX – Việt Nam được tổ chức hàng năm nhằm giới thiệu về các loại thiết bị sợi, dệt, nhuộm; dây chuyền may thêu tự động, máy đo và cắt vải tự động; phần mềm thiết kế, nguyên phụ liệu, vải, sợi… của các công ty hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực thiết bị và nguyên phụ liệu dệt may.
HANOITEX – Việt Nam 2017 cũng là hoạt động xúc tiến thương mại thu hút sự quan tâm với hơn 150 công ty đến từ 15 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới (Trung Quốc, Đức, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Hàn Quốc, Malaysia, Pakistan, Singapore, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương Quốc Anh, Hoa Kỳ, Việt Nam)… tham dự giới thiệu thiết bị và nguyên phụ liệu phục vụ cho thị trường dệt may Việt Nam.
Điểm nhấn của sự kiện là trở thành nhịp cầu nối liền giao thương, đem đến cho các doanh nghiệp Việt Nam nhiều cơ hội quảng bá sản phẩm, gặp gỡ mở rộng và củng cố thị trường nội địa, lựa chọn và tìm kiếm nguồn hàng với mẫu mã chất lượng cao đến từ nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Đồng thời, các quốc gia tham dự sẽ có dịp tiếp cận với số lượng lớn các doanh nghiệp Việt Nam để tìm hiểu thị trường, trao đổi, hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Tham dự Lễ Khai mạc Triển lãm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cũng khẳng định, dệt may là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, do phương thức sản xuất chủ yếu là gia công cho các đơn hàng nước ngoài nên tỷ lệ giá trị gia tăng không cao. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, để khắc phục những tồn tại trên, nhằm tăng giá trị gia tăng của các sản phẩm dệt may xuất khẩu, Chính phủ và các Bộ, ngành đang từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi, ban hành các cơ chế chính sách nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, có sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của ngành dệt may, từ đó góp phần phát triển chuỗi cung ứng trong ngành dệt may Việt Nam./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()