Đoàn đại biểu Đảng CS Nhật Bản do đồng chí Ô-ga-ta Y-a-su-ô, Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch BCH T.Ư Đảng CS Nhật Bản, Trưởng Ban Quốc tế, thành viên Ban Lãnh đạo Viện Khoa học Xã hội Đảng CS Nhật Bản, dẫn đầu.
Sau lời khai mạc của đồng chí Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư và lời chào mừng của lãnh đạo TP Đà Nẵng, các đại biểu đã nghe hai báo cáo đề dẫn quan trọng của hai đồng chí Trưởng đoàn: Báo cáo của đồng chí Đinh Thế Huynh, Trưởng đoàn đại biểu Đảng CS Việt Nam với nhan đề “Chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội hiện nay” và báo cáo của đồng chí Ô-ga-ta Y-a-su-ô, Trưởng đoàn đại biểu Đảng CS Nhật Bản với nhan đề: “Chủ nghĩa tư bản hiện đại và xu thế phát triển của chủ nghĩa xã hội”.
Trong phát biểu đề dẫn, đồng chí Đinh Thế Huynh nhiệt liệt chào mừng Đoàn đại biểu Đảng CS Nhật Bản sang thăm Việt Nam và tham dự cuộc Trao đổi lý luận hằng năm lần thứ IV giữa Đảng CS Nhật Bản và Đảng CS Việt Nam. Đồng chí đánh giá, chủ đề của cuộc trao đổi lần này đề cập một vấn đề lớn, phạm vi bao quát rộng, tầm khái quát lý luận cao, nội dung phong phú và phức tạp, nhất là trong bối cảnh hiện nay dưới tác động của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, thế giới mà chúng ta sống và chứng kiến đang biến đổi vô cùng nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Đồng chí nhấn mạnh, hoạt động trong lòng một nước tư bản chủ nghĩa phát triển, do đó, hơn ai hết, Đảng CS Nhật Bản có thể đưa ra những phân tích, đánh giá khách quan về chủ nghĩa tư bản, đặc biệt là chủ nghĩa tư bản hiện đại ngày nay; bày tỏ hy vọng rằng, các báo cáo khoa học của Đoàn đại biểu CS Nhật Bản tại cuộc trao đổi lý luận này sẽ góp phần đem lại những nhận thức mới, giúp các đại biểu hiểu rõ hơn về những vấn đề nội tại của chủ nghĩa tư bản. Các đại biểu Việt Nam cũng sẽ đưa ra những kiến giải của mình về chủ nghĩa tư bản, đồng thời giới thiệu những nhận thức lý luận mới của Đảng CS Việt Nam về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam. Đồng chí Đinh Thế Huynh đi sâu phân tích thời đại ngày nay nhìn từ đặc điểm của thế giới đương đại; chủ nghĩa xã hội đổi mới – nhìn từ thực tiễn đổi mới và hội nhập quốc tế, từ đó khẳng định, “với những kết quả, thành tựu to lớn đã đạt được, cho phép chúng ta tin tưởng vào sức sống, triển vọng phát triển của chủ nghĩa xã hội”. Đồng chí nhấn mạnh: “Chủ nghĩa xã hội chúng ta đang hướng tới là chủ nghĩa xã hội đổi mới. Mấu chốt của lý luận này là ở chỗ xác lập một mô hình chủ nghĩa xã hội có động lực phát triển và phát triển bền vững.
Trước hết, chủ nghĩa xã hội, nhất là chủ nghĩa xã hội ở các nước lạc hậu, chậm phát triển, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, cần tập trung phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, làm cho lực lượng sản xuất có trình độ xã hội hóa cao, dựa trên kỹ thuật – công nghệ hiện đại đồng thời hình thành và củng cố quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa phù hợp với lực lượng sản xuất đó. Đổi mới kinh tế ở Việt Nam đã đạt được những thành công, với việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhiều thành phần, đa dạng các hình thức sở hữu, các hình thức phân phối, các hình thức tổ chức sản xuất – kinh doanh, trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Nhờ đó, kinh tế trở nên năng động, tăng trưởng, phát triển, đời sống và mức sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Tiếp theo là đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế và giờ đây là tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, thu hút các nguồn lực bên ngoài, kết hợp nội lực và ngoại lực để phát triển. Tóm lại, trong thời kỳ đổi mới, Việt Nam phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, gắn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa với phát triển kinh tế tri thức, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ làm cơ sở để hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.
Thứ hai, trên cơ sở phát triển lực lượng sản xuất bằng cách phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phải bảo đảm kết hợp tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách phát triển. Gắn liền phát triển kinh tế với phát triển xã hội, chính sách kinh tế thống nhất với chính sách xã hội, chú trọng thực hiện an sinh xã hội trong phát triển kinh tế. Coi đầu tư cho xã hội (nhất là giáo dục, y tế) là đầu tư chiều sâu, đầu tư cho phát triển.
Công bằng phải thực hiện trong phân phối. Thực chất sâu xa của công bằng xã hội là công bằng và bình đẳng về cơ hội phát triển cho tất cả mọi người. Chỉ với giá trị thấm nhuần chất nhân văn này được thực hiện thì xã hội mới có động lực phát triển và phát triển lành mạnh, bền vững. Xã hội ấy chính là xã hội chủ nghĩa.
Thứ ba, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ cơ chế bao cấp là tạo ra tất yếu kinh tế để mở rộng dân chủ. Khẳng định, xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Dân chủ chẳng những thuộc về bản chất của chủ nghĩa xã hội mà còn là mục tiêu và động lực của phát triển. Dân chủ phải được thể hiện trong mọi cấp độ của đời sống xã hội, phải được thể chế hóa, phải gắn liền dân chủ với pháp luật, kỷ cương xã hội. Cũng do đó, xây dựng và phát triển chủ nghĩa xã hội tất yếu phải xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đảng CS lãnh đạo và cầm quyền hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật. Mọi tổ chức đảng và đảng viên phải gương mẫu chấp hành pháp luật. Đẩy mạnh thực hành dân chủ trong Đảng để thúc đẩy dân chủ trong xã hội.
Thứ tư, đổi mới không thể không nhấn mạnh tới vai trò, vị trí của văn hóa, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đây cũng là vấn đề có tính thời sự đặt ra trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế.
Đại hội lần thứ XI của Đảng CS Việt Nam nhấn mạnh, con người là mục tiêu, động lực và chủ thể của phát triển, của chủ nghĩa xã hội. Phát triển giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ được xác định là quốc sách hàng đầu, tạo ra những động lực mạnh mẽ cho phát triển của chủ nghĩa xã hội. Đó là những lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược cần đột phá để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo ra tiềm lực tư tưởng, trí tuệ của dân tộc, của Đảng, để đi tới thắng lợi của chủ nghĩa xã hội.
Thứ năm, đổi mới để phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng thành công xã hội xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp sáng tạo vĩ đại của toàn dân do Đảng CS lãnh đạo. Trong điều kiện cầm quyền, Đảng CS Việt Nam đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, coi đó là nhiệm vụ then chốt, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, phát triển văn hóa là xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội. Phải làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu.
Muốn vậy, cần chú trọng xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác – Lê-nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh; vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn sinh động trong nước và thế giới. Thường xuyên chú trọng giáo dục và rèn luyện đạo đức, phẩm chất, nâng cao trình độ, năng lực của đảng viên, bởi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo bằng sự gương mẫu là cách lãnh đạo tốt nhất, có sức cổ vũ, lôi cuốn và tập hợp quần chúng thành sức mạnh để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa”.
Trong báo cáo đề dẫn với nhan đề “Chủ nghĩa tư bản hiện đại và xu thế phát triển của chủ nghĩa xã hội”, đồng chí Ô-ga-ta Y-a-su-ô, Trưởng đoàn đại biểu Đảng CS Nhật Bản đã đề cập thực trạng hiện nay của chủ nghĩa tư bản trước những khó khăn của cuộc suy thoái kinh tế và những khó khăn trong quá trình phục hồi, những bất ổn về an ninh chính trị. Đồng chí Ô-ga-ta Y-a-su-ô cho rằng, mọi sự “điều chỉnh” để thích ứng của chủ nghĩa tư bản hiện nay tiếp tục đưa lại hệ quả xấu là khoét sâu thêm khoảng cách giữa giàu và nghèo. Đồng chí khẳng định, Đảng CS Nhật Bản với truyền thống đấu tranh chính trị và bằng cương lĩnh hành động mới của mình, đang nỗ lực tập hợp lực lượng quần chúng, phát triển các phong trào xã hội để đấu tranh vì các mục tiêu hòa bình, dân sinh, dân chủ, tiến bộ xã hội và chủ nghĩa xã hội. Đồng chí Ô-ga-ta Y-a-su-ô cũng đã phân tích hai đặc điểm lớn của thế kỷ XX, đó là: sự phát triển và lớn mạnh của các nước xã hội chủ nghĩa như Việt Nam và Trung Quốc mặc dù hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu đã sụp đổ, và việc đánh đổ chế độ thực dân; đồng thời, nêu lên những đặc điểm của thế giới trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, đó là: sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế của những nước đang xây dựng chủ nghĩa xã hội như Việt Nam và Trung Quốc; các nước tư bản chủ nghĩa chưa có biện pháp hữu hiệu để giải quyết khủng hoảng kinh tế thế giới, bắt đầu từ năm 2008, vẫn đang diễn biến rất phức tạp và đang bị tác động rất nghiêm trọng của khủng hoảng nợ công ở châu Âu; những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc sẽ là lực lượng thúc đẩy mạnh mẽ sự thay đổi cơ cấu kinh tế và chính trị thế giới; các nước đang phát triển có xu hướng tìm kiếm con đường đi của mình bỏ qua chủ nghĩa tư bản; tất cả các nước trên thế giới ngày càng có vai trò tham gia giải quyết các vấn đề chính trị và kinh tế trên thế giới. Về quan hệ giữa Đảng CS Việt Nam và Đảng CS Nhật Bản, đồng chí Ô-ga-ta nhấn mạnh, mặc dù hai Đảng có những điểm khác nhau về lịch sử, điều kiện hoạt động và về nhiệm vụ, nhưng có nhiều điểm tương đồng trong sự nghiệp và mục tiêu phấn đấu, luôn tăng cường giao lưu, bổ sung nhận thức cho nhau trong sự nghiệp cách mạng của mỗi Đảng.
Trong các ngày 29 và 30-10, các đại biểu tiếp tục nghe các tham luận của đại diện hai đoàn Đảng CS Việt Nam và Đảng CS Nhật Bản.
Ý kiến ()