Khai mạc Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Sáng 7-10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 38 để rà soát, chuẩn bị các nội dung cho Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV khai mạc vào ngày 21-10 sắp tới.
Thời gian dự kiến của phiên họp thứ 38 là 5 ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định 21 nội dung quan trọng.
Công tác lập pháp tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, với thời lượng lớn nhất
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, thông thường, tại các phiên họp sát kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ xem xét nội dung về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước và một số ít nội dung cấp bách khác, nhưng do khối lượng công tác lập pháp tại Kỳ họp thứ tám rất lớn nên cho đến phiên tháng 10 này vẫn còn khá nhiều dự án luật, dự thảo nghị quyết Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Trong đó, công tác lập pháp tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, với thời lượng lớn nhất tại phiên họp này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về 8 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám.
Cụ thể là: Có 5 dự án luật trình xin ý kiến gồm: Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Dữ liệu.
Cho ý kiến lần thứ 2 đối với dự án Luật Nhà giáo.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, có 2 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua ngay tại Kỳ họp này theo quy trình 1 kỳ họp: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự; Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến đối với các báo cáo về kinh tế, xã hội, ngân sách nhà nước, công tác dân nguyện trình Quốc hội.
Đây là các báo cáo quan trọng, trình bày trước Quốc hội trong phiên khai mạc và phát thanh, truyền hình trực tiếp. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, tham gia ý kiến kỹ lưỡng, cụ thể, làm cơ sở cho Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện báo cáo để trình Quốc hội, bảo đảm ngắn gọn, thực chất, sát thực tiễn, đánh giá được tổng thể về tình hình kinh tế xã hội, tài chính ngân sách của đất nước trong một năm qua cũng như thể hiện một cách đầy đủ, trung thực, khách quan ý kiến, nguyện vọng của cử tri, nhân dân cả nước.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 3 vấn đề quan trọng trình Quốc hội, gồm: Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; công tác nhân sự.
Về một số công việc khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến lần cuối về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV. Theo đó, sẽ rà soát lại lần cuối toàn bộ những vấn đề liên quan đến việc tổ chức kỳ họp, từ công tác chuẩn bị nội dung, chương trình kỳ họp đến cách thức tổ chức, công tác bảo đảm, an ninh...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định theo thẩm quyền về: Việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách trung ương năm 2024; việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024 của Văn phòng Trung ương Đảng; xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 9-2024 theo thông lệ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, cho ý kiến bằng văn bản đối với một số báo cáo để các cơ quan chỉnh lý hoàn thiện, sớm gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội.
Thể hiện quan điểm rõ ràng về việc các nội dung có đủ điều kiện trình Quốc hội hay không
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, để phiên họp tiến hành hiệu quả, đạt yêu cầu đề ra, đề nghị các đồng chí thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sắp xếp thời gian, tham dự phiên họp đầy đủ, phát huy trí tuệ tập thể, nghiên cứu kỹ tài liệu, tập trung xem xét, thảo luận, đóng góp ý kiến sâu sắc chất lượng đối với mỗi nội dung, thể hiện quan điểm rõ ràng về việc các nội dung có đủ điều kiện trình Quốc hội hay không. “Đây là phiên họp rất quan trọng, kết thúc sát ngày khai mạc kỳ họp thứ tám, nên ngay sau khi kết thúc mỗi nội dung, các cơ quan liên quan cần khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện tài liệu”-Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan của Quốc hội phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trình, đặc biệt là Chính phủ, nỗ lực, đẩy nhanh hết tốc lực để hoàn chỉnh hồ sơ tài liệu, sớm gửi đến các đại biểu Quốc hội theo quy định, bảo đảm công tác chuẩn bị thật sự kỹ lưỡng, để kỳ họp diễn ra thành công tốt đẹp.
Ngay sau phần khai mạc, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung đầu tiên của phiên họp, cho ý kiến về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Ý kiến ()