Khai mạc Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Ngày 6-4, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã khai mạc Phiên họp thứ 37. Phiên họp lần này diễn ra trong năm ngày từ ngày 6 đến 10-4, Ủy ban TVQH sẽ xem xét, cho ý kiến nhiều dự án luật quan trọng như: Luật An toàn thông tin; Luật Phí, lệ phí; Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến khai mạc Phiên họp. Ảnh: NHAN SÁNG (TTXVN) |
Ủy ban TVQH sẽ nghe dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý các dự án: Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu Hội đồng nhân dân. Ủy ban TVQH cũng sẽ nghe báo cáo kết quả Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) vừa diễn ra tại Hà Nội; cho ý kiến về các Tờ trình của Chính phủ về Đề án thành lập thành phố Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình) và thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh); cho ý kiến về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của QH, Ủy ban TVQH năm 2016. Trong chương trình làm việc, các đại biểu sẽ nghe Đoàn giám sát báo cáo về tình hình oan, sai trong áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật. Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao công tác chuẩn bị các nội dung phiên họp của các cơ quan liên quan. Đồng thời nhấn mạnh: Tuy thời gian làm việc của phiên họp ngắn nhưng khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi các thành viên Ủy ban TVQH tập trung đóng góp, thảo luận nhiều ý kiến, góp phần hoàn thiện dự thảo các dự án luật có chất lượng để trình lên kỳ họp thứ 9, QH khóa XIII sẽ diễn ra vào tháng 5 tới. Ngay sau khai mạc, Ủy ban TVQH nghe Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Nguyễn Bắc Son trình bày Tờ trình; và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học -Công nghệ – Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày Thẩm tra sơ bộ về dự án Luật An toàn thông tin. Các Ủy viên Ủy ban TVQH cho rằng, việc xây dựng và ban hành dự thảo Luật An toàn thông tin là cần thiết song băn khoăn, lo lắng về tính khả thi, đồng bộ và thống nhất của dự án Luật An toàn thông tin với các luật khác trong hệ thống pháp luật nói chung. Nhiều Ủy viên TVQH đề nghị ban soạn thảo cần thu hẹp đối tượng điều chỉnh, chủ yếu nhằm bảo đảm an toàn thông tin trên môi trường mạng in-tơ-nét; đề nghị ban soạn thảo cần đưa ra những định nghĩa, giải thích từ ngữ thật chuẩn xác, bổ sung đầy đủ các trường hợp, hành vi cấm, làm rõ chế tài xử lý, xử phạt, chỉ rõ cơ quan chịu trách nhiệm… Góp ý về dự án luật, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị dự luật cần bảo đảm phù hợp quy định của Hiến pháp sửa đổi năm 2013, đồng thời rà soát, nghiên cứu lại các nội dung của dự thảo Luật nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Tiếp cận thông tin là quyền cơ bản của con người. Các quy định của Luật An toàn thông tin cần đáp ứng yêu cầu quản lý nhưng không được ảnh hưởng, xâm phạm đến quyền con người, trật tự xã hội. Buổi chiều, Ủy ban TVQH nghe Chính phủ trình bày dự án Luật Phí và lệ phí. Đa số ý kiến thảo luận đều thống nhất sự cần thiết phải ban hành luật, qua đó khắc phục những hạn chế của pháp luật phí, lệ phí hiện hành, những quy định trong Pháp lệnh phí và lệ phí (được ban hành năm 2001). Qua 13 năm triển khai thực hiện, cơ bản đã đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra khi ban hành Pháp lệnh. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, phù hợp Chiến lược cải cách thuế và phù hợp thông lệ quốc tế; chính sách phí, lệ phí đóng vai trò trong việc bảo đảm nguồn thu NSNN cũng như điều tiết hoạt động kinh tế – xã hội đất nước. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát một số nội dung cụ thể trong dự án Luật, bảo đảm tuân thủ Hiến pháp sửa đổi năm 2013, tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật về thuế và quản lý NSNN; phù hợp với Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020. Bên cạnh đó, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập và đổi mới chính sách phí và lệ phí… Một vấn đề khác được đại biểu quan tâm là tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương trong việc thu, quản lý, sử dụng nguồn thu từ phí, lệ phí, tránh trùng lặp, chồng lấn. |
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()